Đường đi lối lại của người Việt xưa

Những con đường cái quan, đường liên tỉnh hay thậm chí đường đê đã là một phần quen thuộc trong đời sống người Việt mỗi khi bước chân ra khỏi lũy tre làng.

Giao thông đường bộ và đường thủy là hai loại hình giao thông lâu đời và truyền thống của người Việt trước khi có những loại hình giao thông hiện đại hơn.

 Đường liên xã và liên huyện ở xã Mông Phụ (Sơn Tây, Hà Nội). Con đường được đắp bằng đất đỏ, mùa mưa sẽ trở nên rất lầy lội và khó di chuyển. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

Đường liên xã và liên huyện ở xã Mông Phụ (Sơn Tây, Hà Nội). Con đường được đắp bằng đất đỏ, mùa mưa sẽ trở nên rất lầy lội và khó di chuyển. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

Giao thông đường bộ

Những đường bộ lớn người xưa gọi đường cái quan, hay là quốc lộ, tỉnh lộ, với ba con đường chính. Một từ Mục Nam quan qua Lạng Sơn đến phủ Lạng Thương vào Kinh Bắc rồi đến Thăng Long, một từ Vân Nam qua Lào Cai, theo tả ngạn sông Hồng xuống Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên rồi vào Thăng Long, một từ Móng Cái men theo Quảng Yên vào Hải Phòng và Hải Dương, có con đường cổ từ Phả Lại xuyên qua huyện Thuận Thành vào Luy Lâu rồi cũng đến Thăng Long.

Những con đường cái quan này đều được đắp cẩn thận bằng đất nện, ở những chỗ hay sạt lở người ta có thể kè đá. Thời Lý - Trần, ba con đường này có thể rộng bốn đến năm thước tây, đủ cho đạo quân với năm người lính dàn hàng ngang, hay hai cỗ xe ngựa chạy song song.

Cứ mươi dặm, tùy theo địa hình, người ta lại đặt một quán trạm, gọi là trạm đình, hay dịch đình, cho người qua lại nghỉ ngơi hoặc là nơi đổi ngựa trạm cho lính chạy thư từ của triều đình. Qua từng đạo, người đi lại gặp một cửa quan, hoặc thành nhỏ trấn thủ, và người đi cần xuất trình giấy tờ, thông báo lộ trình cho quan chức, nếu buôn bán thì đóng thuế.

Những con đường đất liên tỉnh và liên huyện còn kéo dài đến thời bao cấp. Mặc dù được đắp kỹ lưỡng và tu sửa thường xuyên, nhưng khí hậu Việt Nam vào mùa hè thì những con đường đất trở nên rất bụi bặm, vào mùa mưa phùn gió bấc thì trơn trượt và lầy lội vô cùng, nhất là khi xuất hiện các phương tiện cơ giới.

Người đi buôn dần hình thành hai loại phương tiện hoặc dùng xe trâu, xe bò chở hàng, mà chủ yếu là xe trâu, hoặc thuê người gánh vã thành từng thương đoàn không chuyên nghiệp lắm, và tốt nhất là chất hàng lên thuyền đi theo các dòng sông kết hợp với dân gánh vã tại chỗ.

Giao thông đường bộ có vai trò quan trọng với khách bộ hành và vài phương tiện xe cộ, nhưng nếu chuyên chở nặng buộc cậy đến giao thông đường thủy vốn từ thượng cổ là huyết mạch lai vãng.

Một phố ngoại ô Hà Nội, phong cảnh hoàn toàn nông thôn, có thể thấy rõ xe đẩy tay bánh gỗ và xe kéo hai bánh là phương tiện giao thông và vận chuyển phổ biến. Bưu ảnh Đông Dương đầu thế kỷ 20.

Di chuyển đường thủy

Các đô thị quan trọng trong lịch sử đều có thể ra vào bằng đường sông, và những con sông đó đều thông ra biển. Hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình tạo ra một mạng lưới sông ngòi chằng chịt ở đồng bằng Bắc bộ, tỉnh nào cũng có sông lớn sông nhỏ, theo sông có thể đi đến các trung tâm địa phương và làng xã.

Buôn bán và đi lại trên sông tự nhiên là quan trọng. Việc xây dựng Thăng Long,Tây Đô và Huế chủ yếu nhờ cậy đến vận tải đường sông, ngay cả khi xây nhà thờ Phát Diệm cuối thế kỷ 19, các khối đá lớn chuyển từ Thanh Hóa ra Ninh Bình cũng bằng thuyền bè. Tuy nhiên vận tải đường biển lại chủ yếu do người Hoa kiểm soát.

Đò dọc và đò ngang là hai khái niệm người xưa chỉ việc chuyên chở trên sông.

Chèo thuyền. Hình vẽ trích trong sách Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger.

Đi đò dọc tức là đi theo dòng sông dành cho những người đi đường dài, buôn bán xuyên các địa phương, từ cửa biển lên đến miền ngược. Thuyền đi đò dọc thường phải tốt, to rộng, người chèo đò dọc phải khỏe, có điều kiện đi lâu xa nhà và thông thuộc con nước dòng sông. Nhưng thực ra chèo đò dọc ít rủi ro hơn đò ngang, đa số vụ đắm đò rơi vào đò ngang.

Đò ngang tức là chèo thuyền ngang từ bờ bên này sang bờ bên kia và ngược lại, thường do người địa phương đảm nhiệm. Tùy theo khúc sông và địa lý giao thông, các bến đò ngang hình thành, song ít nhất một huyện ăn theo bờ một con sông có một bến đò lớn, nằm kề đường liên huyện hay tỉnh lộ, rồi vài ba làng có một bến đò ngang loại nhỏ.

Những bến nhỏ thường không cố định, ít nhất trong hai mươi năm, hoặc có thể ít hơn, do địa hình con sông thay đổi. Để người từ xa có thể tìm được ra bến đò ngang, người ta thường trồng một cây đa to ở bến đò (cả hai bên bờ), những bến đò lớn còn được xây một giang đình, tức là đình ven sông, một ngôi nhà công cộng cho khách dừng chân, quanh đó là vài ba quán nước mái lá tạm bợ.

Vào mùa nước to, ngày xưa thường là tháng bảy, tháng tám âm lịch, sông trở nên mênh mông, nhiều đò ngang phải tạm dừng khi qua sông rất nguy hiểm. Ở sông Hồng, tuy lượng khách qua sông nhiều, nhưng bến đò ngang rất ít, do bình thường sông luôn rộng và nước lớn. Lênh đênh trên ba cây số sông nước quả là liều mạng, nên người ta chỉ chọn vài quãng lòng sông hẹp làm bến đò.

Trong thời bao cấp có một đò ngang sông Hồng, quãng Đông Anh và bên này bờ khoảng Hàng Than. Mùa cạn bờ sông trở nên rất cao, từ mép nước tới bờ dốc thẳng tới hai, ba mươi thước, rất vất vả cho người gánh gồng buôn bán và xe thồ.

Những bến đò ngang đóng vai trò quan trọng trong giao thông các địa phương ngày xưa, nhưng hơn thế nó là hình ảnh rất thơ mộng, những cuộc tình qua một chuyến đò. Người lái đò được coi như người chở cái gì hơn thế, hơn là chở con người và hàng hóa. Ông Bảo Sinh có bài thơ:

Chèo đò đón khách ở đầm Vân Long, Ninh Bình. Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

"Cũng cùng một chuyến đò ngang,

Người thì ở lại người toan đi về.

Lái đò nửa tỉnh nửa mê,

Đi về chẳng biết mình về hay sang".

Trừ những chợ phiên, đò ngang ngày thường cũng vắng người. Đôi khi đò đã qua sông, lại phải đợi kha khá khách rồi mới quay trở lại, khi đò thưa khách phải chờ và hò đò sang đón mình, cũng là một khoảnh khắc nên thơ khác.

Đò dọc bao gồm hai loại. Một là những gia đình ngư dân sống lang thang trên sông, đôi khi họ có thở thuê, nhưng căn bản sống bằng chài lưới hoặc lấy cát. Hai là có những đò chỉ dùng để vận tải hàng hóa và hành khách đi dọc theo các bến sông đến các vùng miền, trong đó bao gồm cả những gia đình chuyên buôn bán miền ngược miền xuôi bằng đò dọc. Ca dao có câu:

“Gió đâu gió mát sau lưng,

Bụng đâu bụng nhớ người dưng thế này".

Câu ấy chính là chỉ người đi đò dọc xuôi theo chiều gió, và chợt nhớ đến một khuôn mặt đáng yêu nào đó từng gặp ở một bến xa lạ.

Phan Cẩm Thượng / Zenbooks, NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duong-di-loi-lai-cua-nguoi-viet-xua-post1165368.html