Đường đi của 'tử thần'

Ô nhiễm đâu chỉ có ở thành phố lớn? Ở ngay bản Mỷ đây, ô nhiễm đang giết dần, giết mòn sự sống của những người dân bản Mỷ, những đứa trẻ hình hài dị dạng ra đời, những cặp vợ chồng không có khả năng sinh sản, trẻ em mắc bệnh ngoài da, đường ruột, còn người lớn thì ung thư, suy gan, suy thận...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tháo đôi dép cao gót, Mỷ nhón những bước chân trên con đường đất bé xíu, men theo bờ ruộng bậc thang để về nhà. Mùi thơm của lúa mới trổ bông thật ngọt ngào, bên triền đồi những nương ngô xen lẫn cây ăn quả reo vui, đón chào Mỷ đã về nhà.

Mỷ nhớ thằng Páo, thằng Chu rồi cả cái Sinh, những đứa trẻ miền sơn cước lớn lên mạnh mẽ như cây cỏ dại kia rồi sẽ là học sinh của Mỷ. Mỷ sẽ dạy dỗ chúng nó thành người tốt, Mỷ sẽ đem cái chữ về giúp bản làng thoát khỏi “bóng ma” của cái đói, cái nghèo đã ôm lấy bản làng từ bao đời nay…

“Vị cứu tinh” - tử thần thầm lặng

Từ ngày Mỷ về làm cô giáo cắm bản, cuối tuần là Mỷ lại vác gùi lên nhà học sinh để hỏi han, động viên bố mẹ cho chúng đi học cái chữ, kiến thức như học sinh dưới xuôi. Tuần này Mỷ đến nhà thằng Dua. Thằng Dua nghỉ học không có lý do, đã ba ngày rồi mà không thấy nó đến lớp. Nhà nó ở xa nhất lại là hộ nghèo của bản nên có lẽ bố nó lại bắt nó ở nhà đi nương, làm rẫy cũng nên. Nghĩ vậy, Mỷ mua mấy gói muối, mì chính, mì tôm cho vào gùi, Mỷ phải đến đó để xin bố mẹ Dua cho nó được đi học.

Bố mẹ của Dua chỉ hơn Mỷ 4 tuổi nhưng đã có với nhau ba mặt con, mẹ nó chưa kịp dứt sữa cho đứa em thì lại có thai tiếp đứa nữa. Cuộc sống của nhà nó cứ quanh quẩn trong tình trạng “thiếu đói”, nhất là mùa giáp hạt. Lúc đó thằng Dua lại nghỉ học ở nhà đi kiếm việc làm thêm cùng bố nó, chẳng trách cuộc sống đói nghèo cứ đeo đẳng nhà nó mãi chẳng chịu buông tha.

Lần này, bố thằng Dua bắt nó ở nhà đi xách nước cho bố nó phun thuốc sâu thuê cho mấy người Kinh làm trang trại dưới xã. Ngoài hiên nhà, mấy chai thuốc sâu vứt chỏng chơ. Cạnh đó mẹ thằng Dua đang sục rửa mấy lọ thuốc sâu vừa dùng hết để tận dụng làm nền nhà, tránh mối mọt ăn xông lên gỗ. Dưới làn nước đục ngầu hòa lẫn tàn dư của mấy chai thuốc sâu, thằng Dua với lũ em vẫn hồn nhiên ngụp lặn, tiếng cười vang vọng của một khoảng trời mà Mỷ thấy xót xa.

Chuyện dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ chẳng còn là chuyện hiếm ở bản làng của Mỷ. Bố Mỷ kể, mấy năm trở lại đây, giá ngô tụt dốc thê thảm, làm ra bao nhiêu cũng chẳng đủ bù lỗ tiền mua ngô giống, công vun xới, thu hoạch nên bà con vay mượn tiền của mấy chủ đầu tư ở dưới trung tâm xã để mua giống cây ăn quả, chuyển đổi cây trồng với hy vọng sẽ có thu nhập tốt hơn.

Có mấy anh cán bộ khuyến nông của huyện với xã xuống tập huấn cho mấy lần về cách trồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn nhưng toàn ngôn ngữ chuyên môn, ngồi học cả ngày mà chẳng tiếp thu được gì nhiều nên bà con lại trồng cây theo kinh nghiệm ông cha để lại. Cây giống mới mà không được chăm sóc đúng cách, quả cho thu hoạch xấu mã, không bán được giá cao.

Mấy người bán thuốc bảo vệ thực vật bày cho cách vừa nhanh, vừa rẻ lại hiệu quả trông thấy như bón phân NPK, phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ quả, thuốc tẩy mã… Cây lớn đến đâu có thuốc giữ đến đó, thành quả cho thu hoạch cứ đẹp mỡ màng, giá cao nên người bản Mỷ vui mừng lắm, coi đó là “vị cứu tinh” để giữ thành quả bao nhiêu tháng ngày dày công vun trồng mà không biết mình đang reo giắc “tử thần” ngày ngày trên triền núi một cách “hồn nhiên”.

Cái giá cho sự thiếu hiểu biết

Bố thằng Páo tới xin Mỷ cho Páo nghỉ mấy ngày để nhà nó làm lễ cúng xua đuổi tà ma. Nghe kể, chẳng hiểu sao mà hai lần rồi mẹ thằng Páo có em bé mà chỉ được vài tháng là lại hỏng. Thầy cúng bảo nhà nó có con ma xấu, bắt người nhà nó đi nên phải làm lễ để xua đuổi con ma đi, tục lệ bao đời ở bản Mỷ là vậy. Chẳng phải nhà thằng Páo mới nhờ thầy cúng, dạo gần đây Mỷ thường xuyên nghe thấy tiếng gõ lọc cọc, tiếng mõ đập leng keng ở mấy nhà xung quanh.

Bố kể cho Mỷ nghe chuyện nhà ông Giàng, ông Thào, anh Tếnh có đứa con tự dưng bị mẩn ngứa, tiêu chảy mãi không khỏi, đi bệnh viện thì đỡ mà về nhà lại bị trở lại. Rồi chuyện nhà chị Chấn, đã ba năm rồi, uống bao nhiêu cây thuốc trên rừng mà chẳng có con. Nhà anh Tống kế bên nhà Mỷ thì sinh ra đứa con đầu bé tí, chỉ nằm khóc cười một chỗ… Mỷ sợ quá, một bản làng bé xíu mà biết bao chuyện tai ương, bệnh tật ập đến, nguyên nhân là do đâu?

Người dân bản Mỷ làm đơn kiến nghị lên UBND xã và huyện, một đoàn kiểm tra của trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra mẫu nước, mẫu đất. Kết quả là nguồn nước của bản Mỷ bị ô nhiễm, họ thu nhặt ở đầu nguồn con suối mà cả bản Mỷ hai bao tải vỏ các chai thuốc diệt cỏ, trừ sâu, bảo vệ thực vật...

Từ bao lâu nay, đường đi của những chai thuốc “tử thần” đó là từ trên các triền đồi, ngấm thẳng xuống lòng đất, vào các mạch nước ngầm rồi chảy ra đầu nguồn con suối, người bản Mỷ bao năm vẫn lấy nước suối để ăn, để tắm rửa thậm chí là vứt bỏ các chai thuốc đó, mặc kệ nó trôi theo dòng nước về đâu thì về.

Người dân bản Mỷ chỉ nghĩ rằng thuốc đó có hại khi đi theo đường ăn uống vào người chứ mấy ai đủ kiến thức để nhận biết rằng theo thời gian, tàn dư của các chất độc hại đó sẽ theo không khí, nguồn nước tấn công con người ta từ từ, từng bước từ bên trong để rồi gây ra biết bao hệ quả đau buồn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh sản, nòi giống, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình.

Ô nhiễm đâu chỉ có ở thành phố lớn? Ở ngay bản Mỷ đây, ô nhiễm đang giết dần, giết mòn sự sống của những người dân bản Mỷ, những đứa trẻ hình hài dị dạng ra đời, những cặp vợ chồng không có khả năng sinh sản, trẻ em mắc bệnh ngoài da, đường ruột, còn người lớn thì ung thư, suy gan, suy thận...

Tất cả chỉ bởi chữ “lợi nhuận”, bởi sự kém hiểu biết mà gây nên biết bao tai ương, hậu quả không những nhãn tiền mà còn là mãi mãi về sau. Biết bao giờ triền đồi kia không còn phủ trắng những giọt sương thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ? Biết bao giờ đầu nguồn con suối, con sông kia không còn ô nhiễm? Biết bao giờ không khí mới trong lành? Và biết bao giờ mới thôi kết thúc những đại dịch, những căn bệnh thế kỷ, con người sống khỏe mạnh hơn?

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Từ ngày có đoàn kiểm tra về bản lấy mẫu nước xét nghiệm, con cháu mình bị ảnh hưởng trực tiếp, dân bản gần như tỉnh ngộ khi biết tác hại của việc dùng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách. Nghe anh cán bộ khuyến nông của xã nói tới đây, mỗi bản sẽ có một hoặc hai bể thu, chứa vỏ và tàn dư của thuốc bảo vệ thực vật để các cơ quan chức năng đem đi tiêu hủy đúng cách. Ai không tuân thủ sẽ bị phạt tiền thật nặng nên dân bản Mỷ thực hiện nghiêm túc lắm.

Lâu rồi, Mỷ cũng không thấy bọn nhỏ phải đi viện vì bị tiêu chảy hay viêm ruột, cũng chẳng còn mấy khi nghe tiếng leng keng của các thầy cúng nữa. Bản làng Mỷ học cách chăm sóc cây, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, nhà nào trồng cây theo VietGap sẽ được Nhà nước bao tiêu đầu ra nên ai cũng phấn khởi lắm, không còn cảnh bị tiểu thương ép giá, chủ đầu tư thúc giục trả nợ mà túng quá làm liều như trước nữa.

Mỷ mơ mộng về một ngày, cây ăn trái của bản Mỷ sẽ có mặt tại các hệ thống siêu thị trên cả nước, thậm chí còn được xuất khẩu sang Úc, Mỹ, châu Âu không chừng. Mỷ viết đơn xin ứng cử Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ bản, Mỷ mong với chức trách của mình, với sứ mệnh của mình, những đứa trẻ - những cây cỏ dại bản Mỷ sẽ được học kiến thức, học văn hóa, học cách làm ăn kinh tế và trở thành những tấm gương điển hình của phong trào thi đua phấn đấu làm kinh tế giỏi.

Rồi đây những con đường bê tông vào tận cổng từng nhà thay thế cho những con đường đất sình lầy mỗi khi mưa xuống, bụi mù mỗi khi nắng lên như bây giờ… Mỷ chỉ mong mỗi người dân mình mỗi ngày bớt đi một túi nilon, từ chối dùng một hộp nhựa, trồng thêm một cây xanh hay đơn giản là ủng hộ những quả xoài, quả nhãn… tuy không được bóng bẩy cho lắm nhưng ngon - sạch - an toàn, để người dân bản Mỷ nói riêng và người nông dân cả nước nói chung cảm thấy ấm lòng hơn.

Mỷ tin sau cơn bĩ cực rồi sẽ tới hồi thái lai, nguồn nước ở khắp đất nước mình rồi sẽ trong lành như con suối đầu nguồn bản Mỷ, người dân mình rồi sẽ hạnh phúc như người dân bản Mỷ.

Tú Linh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/duong-di-cua-tu-than-476783.html