Đường đi của hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài

Mới đây, Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn AEON về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam qua hệ thống phân phối của tập đoàn này đạt 500 triệu đô la Mỹ vào năm 2020 và 1 tỉ đô la vào năm 2025. Cam kết này của nhà bán lẻ Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tạo một cú hích gia tăng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Hàng Việt trong hệ thống phân phối của AEON. Ảnh: Quốc Hùng

Biên bản ghi nhớ nêu trên nằm trong kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp theo đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, tập đoàn bán lẻ AEON chính thức trở thành đối tác chiến lược của đề án, đánh một dấu mốc quan trọng trong những nỗ lực của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Bệ đỡ” xuất khẩu hàng Việt

Trên thực tế, từ khi chính thức bước vào thị trường Việt Nam năm 2011 cho đến nay, AEON đã có nhiều sự hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm đáp ứng những yêu cầu chất lượng khắt khe của các hệ thống phân phối nước ngoài. Đáng chú ý, sau hai năm liên tiếp tổ chức “Tuần hàng Việt Nam tại siêu thị AEON” (ở Nhật Bản), tính đến hết năm 2017 đã có sáu sản phẩm của Việt Nam (chè, cà phê, mì gói, gạo, bia, bánh tráng) với hơn 40 chủng loại được đưa vào hệ thống siêu thị AEON ở Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp cũng như cơ quan xúc tiến thương mại cho rằng việc hàng Việt Nam được đưa vào hệ thống bán lẻ lớn nhất của một thị trường khó tính đã giúp khẳng định về chất lượng.

Nhà bán lẻ hơn 250 tuổi này còn có hệ thống phân phối rộng khắp châu Á, do đó, hàng Việt đang có cơ hội được hỗ trợ để vào hệ thống phân phối của họ với hơn 14.000 cửa hàng tại châu lục. Bộ Công Thương cho rằng đây cũng được xem là phương thức rút ngắn các khâu trung gian để đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng các nước. Thời gian tới, bộ sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn với AEON trong việc tổ chức các tuần lễ trưng bày hàng Việt tại các trung tâm mua sắm của AEON ở các nước.

Theo đánh giá của AEON, thời gian gần đây, người tiêu dùng tại Nhật đã quan tâm hơn đến hàng Việt Nam. Tổng giám đốc AEON Việt Nam-ông Yasuo Nishitohge, cho rằng chất lượng hàng Việt đang ngày càng được cải thiện. Số lượng hàng Việt nhập vào thị trường Nhật Bản ngày càng tăng, trong đó, khá nhiều mặt hàng được ưa chuộng như cá tra, trái cây, thực phẩm, hàng may mặc, giày dép, đồ gia dụng... Riêng trong năm 2016, giá trị hàng Việt nhập khẩu vào hệ thống siêu thị của AEON vào khoảng 200 triệu đô la Mỹ. Kế hoạch sắp tới của AEON là đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị cung cấp hàng Việt đạt chất lượng và có giá cả phù hợp để đưa vào hệ thống phân phối của họ tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài.

Hỗ trợ sản xuất, cải thiện sản phẩm

Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương và tập đoàn AEON đặt ra những mục tiêu và con số rất cụ thể, đồng thời phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn của mỗi bên trong quá trình thực thi. Theo trang web của Bộ Công Thương, hai bên sẽ hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường trong và ngoài nước. Đáng chú ý, AEON còn cam kết hỗ trợ các nhà cung ứng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam từng bước nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý để đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa của AEON tại Nhật cũng như tại các thị trường Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... Có ý kiến tin tưởng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thông qua AEON sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Một điểm thuận lợi trong chương trình hợp tác này là nhà phân phối AEON đã phát triển nhiều điểm bán với các mô hình kinh doanh khác nhau, từ trung tâm mua sắm lớn (AEON Mall) đến siêu thị bách hóa (mô hình AEON Citi), và các cửa hàng tiện lợi (Ministop). Tại thị trường Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025 của AEON là mở được 20 trung tâm mua sắm lớn, khoảng 800 cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ và hàng trăm siêu thị. Do đó, bên cạnh hơn 2.000 nhà cung cấp trong nước hiện nay với hơn 40.000 mã sản phẩm đang được tiêu thụ, AEON đã lên kế hoạch gia tăng tỷ lệ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong toàn bộ hệ thống phân phối trong nước.

Tuy nhiên, theo AEON, để có thể đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của họ, nhất là ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong sản xuất để đáp ứng những yêu cầu khắt khe bao gồm chất lượng sản phẩm, giá thành xuất khẩu, bao bì, nhãn mác, kỹ thuật sản xuất từ khâu chọn lựa nguyên vật liệu đến khi thành phẩm. AEON cho rằng theo xu hướng tiêu dùng hiện nay, hàng hóa sẽ được truy xuất ngược lại quy trình sản xuất ở các nước sở tại nên doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đối với quy trình sản xuất.

Sản xuất nhãn hàng riêng tại Việt Nam

Một điểm đáng chú ý nữa đó là từ đầu năm 2018, AEON chính thức tìm kiếm đối tác sản xuất các sản phẩm mang nhãn hiệu Topvalu-nhãn hàng riêng của AEON trong hệ thống phân phối của họ. Topvalu đã được biết đến tại Nhật Bản là một trong số những nhãn hàng riêng lớn. Tại Việt Nam, dù đã có hơn 100 chủng loại sản phẩm được gắn nhãn Topvalu nhưng tất cả đều là hàng nhập khẩu. Do đó, việc AEON bắt đầu đưa nhãn hàng riêng này vào sản xuất ở Việt Nam cũng phần nào cho thấy năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước đã được nâng lên. Về phía các doanh nghiệp được chọn, đây là cơ hội tăng sản lượng, thay đổi quy trình quản lý sản xuất... để đáp ứng một chuẩn mực cao hơn không chỉ cho hàng tiêu thụ trong nước mà cho cả hàng xuất khẩu.

Quốc Hùng

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/280601/duong-di-cua-hang-viet-vao-he-thong-phan-phoi-nuoc-ngoai.html