Đường đến chức vô địch giải đua xe địa hình Việt Nam của VĐV Hàn Quốc

Sau 12 năm liên tiếp tham gia tranh tài, cuối cùng VĐV người Hàn Quốc Lee Jonhun cũng đạt được ước mơ giành ngôi quán quân tại giải đua xe địa hình Việt Nam, tổ chức ngày 11-12/12.

- Lee, nhả tời!

- Cuộn lại!

- Lên!

Ngô Mạnh Quân hô lớn những câu ngắn gọn, liên tục làm động tác tay để ra hiệu. Ngay gần đó, một phụ nữ Việt cũng hét lớn để phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hàn. Lee Jonhun cầm lái, vừa tập trung theo dõi chỉ dẫn, kiên định đạp ga, bẻ lái để đưa chiếc ôtô ra khỏi địa hình suối cạn.

Sống ở Hà Nội đã nhiều năm, có vợ người Việt nhưng Lee Jonhun vẫn chưa thông thạo tiếng Việt. Đây là lần thứ 12 người đàn ông 55 tuổi đến từ xứ Kim Chi tham gia tranh tài tại các giải đua xe địa hình khác nhau ở Việt Nam.

Tiếng hò reo cổ vũ vang dội cả khu vực đường đua số 10 - bài thi đặc biệt chỉ dành cho đội xe đua mở rộng. Mặc dù bị quá 20 giây và không được tính điểm cộng nhưng chiến mã của Lee Jonhun vẫn trở thành chiếc xe duy nhất vượt qua bài thi và cán đích.

Phóng viên Zing theo chân người đàn ông Hàn Quốc và tay đua Ngô Mạnh Quân từ những giây phút đầu tham dự cuộc thi mà không thể ngờ rằng, xe của cặp VĐV này sau đó giành chức vô địch.

Đua đêm trong rừng sâu 8 tiếng

"Lee, hút thuốc không?", người đàn ông có tên Nam Vũ chậm rãi đưa điếu thuốc cho tay đua ngoại quốc rồi ra hiệu. Họ bắt đầu làm ấm người trước khi tiến xe vào khu rừng.

Hơn 50 chiếc xe đua hạng nâng cao và mở rộng được chia làm 6 đội, cùng thực hiện bài thi Adventure - Đồng đội.

19h45, trời tối đen như mực. Đoàn xe địa hình xếp thành hàng dài, có chiếc đi theo cổng vào chỉ dẫn của ban tổ chức, có đội tự mở đường để rút ngắn thời gian chờ đợi. Ánh sáng duy nhất trong hành trình này là đèn pha ôtô hoặc đèn pin cá nhân.

Đây được xem là một trong những bài thi đặc biệt nhất tại giải đua xe địa hình Việt Nam (VOC 2021). Không tính tốc độ, các đội xe chỉ hoàn thành bài thi khi tất cả thành viên của nhóm về đích trước thời gian quy định. Các VĐV có những người không biết nhau từ trước nhưng cùng hỗ trợ để vượt qua bài thi và về đích trong khoảng thời gian từ 20h đến 4h sáng ngày hôm sau.

Trước giờ xuất phát 1 tiếng, ban tổ chức công bố định vị của 3 điểm check-in mà các đội phải đi qua. Mỗi xe có sổ hành trình riêng, khi về đích, trong sổ phải có đủ chữ ký xác nhận của trọng tài tại các điểm check-in.

"Mỗi đội có một chiến thuật xếp xe riêng. Tôi thuộc đội 4, có 8 xe tất cả. Xe khỏe nhất của Lee Jonhun sẽ đi đầu rồi tới xe nặng nhất. Phía sau là các hạng xe kích cỡ tương đương hoặc xe có tời đi kèm. Trong trường hợp gặp địa hình khó hoặc có trục trặc các xe sẽ kéo nhau", anh Nam Vũ thuật lại trong khi đang kiểm tra địa hình trên bản đồ.

Có mặt trong giải đua VOC nhiều năm, anh Nam Vũ bình tĩnh với những kinh nghiệm mình có được. Tuy nhiên mỗi năm sẽ luôn có những bất ngờ riêng bởi ngoài ban tổ chức, tất cả các VĐV đều không rõ địa hình của bài thi này như nào hoặc họ sẽ gặp phải thử thách gì. Yếu tố bất ngờ trở thành sức hấp dẫn lớn nhất cho bài thi Adventure trong đêm.

- Xe 405 của Lee, Quân nghe rõ trả lời! Bãi lầy phía trước một số xe yếu không thể lên được, hai anh thúc xe lên dốc rồi dùng dây cáp kéo các xe sau qua giúp.

- Nghe rõ!

Ngô Mạnh Quân - chã (phụ lái) của xe 405 đáp lại mạch lạc trong bộ đàm. Sau điểm check-in 1, toàn bộ đoàn xe phải đi qua bãi sình lầy để leo lên dốc. Một vài thành viên không ngần ngại lội xuống chỉ dẫn đường đi cho lái chính. Bùn ngập quá đầu gối họ, bắn tung tóe mỗi lần xe vào ga.

Đội số 4 vào rừng sau cùng nhưng khi tới bãi lầy, thấy một số xe của nhóm khác vẫn chưa lên được dốc, Lee Jonhun và chã Quân đề xuất ở lại hỗ trợ các nhóm khác rồi sẽ đuổi theo đoàn.

Lúc này đã tới nửa đêm. Cả một vùng rộng lớn giữa rừng mù mịt hơi nước bốc lên do sức nóng của động cơ, giữa tiếng hò kéo xe hòa lẫn với mùi bùn, mùi cỏ bị ủi gãy.

Nước tràn vào trong, xe chết máy, thụt hố, vỡ kính, hỏng đèn... là hàng loạt những khó khăn các VĐV gặp phải suốt 8 tiếng trong rừng. Những đội theo sau vừa quan sát bản đồ, vừa lần theo vết xe, vết bùn mà những đội đi trước để lại.

Khi Lee Jonhun và chã Quân ở lại hỗ trợ các xe đi sau, xe của VĐV Nam Vũ trở thành hoa tiêu dẫn đoàn cho cả tổ 4. Chã Hoàng Minh Hùng xuống xe, vừa điều phối hướng đi cho lái chính, vừa soi đèn tìm đường. Từ bùn đất của các xe trước, vệt bánh để lại, biển báo bị giấu đi... đều trở thành dấu vết để định hướng trong khu rừng. Đến ngã ba, sau khi phát hiện lối đi, chã Hùng lập tức nhặt những cành cây khô chặn lối còn lại, tạo dấu hiệu để các xe đi sau biết được hướng rẽ.

3h49, tất cả 8 xe của đội 4 về đích, hoàn thành bài thi đêm. Tiếng hò reo vui mừng cạnh đống lửa cùng những lời chúc mừng phấn khởi hâm nóng bầu không khí khi chỉ còn 10 phút nữa là hết giờ thi đấu.

Chức vô địch đầu tiên của tay đua Hàn Quốc

Kết thúc bài thi Adventure trong đêm, các VĐV chỉ có chưa đầy 4 tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi trước khi bước vào lượt thi đấu tiếp theo trong buổi sáng 12/12. "Suối cạn", "Dốc tử thần" là những cái tên in hằn trong tâm trí những tay đua. Năm 2020, tại bài thi Suối cạn dành riêng cho xe hạng mở rộng, các đội đều không thể về đích bởi độ khó nhằn. Đến 2021, những tay đua lần đầu tiên yêu cầu ban tổ chức giữ nguyên địa hình năm trước để tiếp tục chinh phục thử thách này lần thứ hai.

Với địa hình lòng chảo là một con suối hẹp, cây cối um tùm và bùn lầy, các giống (lái chính) và chã (lái phụ) phải cùng phối hợp, sử dụng các phương tiện hỗ trợ như mỏ neo, dây tời, thang... để vượt qua thử thách. Mỗi đội có 25 phút để hoàn thành bài thi và cán đích. Trong trường hợp xe mắc kẹt, không thể thoát hiểm, quá giờ, cán quá số cọc quy định... đều bị tính là DNF (Did Not Finish - không hoàn thành).

Chiếc xe của Lee Jonhun và chã Ngô Mạnh Quân tiến vào đường đua trong tiếng hò reo cổ vũ của khán giả xung quanh. Năm 2021, ban tổ chức VOC triển khai thi cùng lúc 6 bài thi liên tiếp nhằm đảm bảo thời gian cho giải. Trong thời điểm đường 10 mở đấu, đây trở thành một trong những điểm đua thu hút đông khán giả nhất của cuộc thi bởi tính hấp dẫn của độ khó.

- Lee, ra tời!

- Hết lái!

- Lên đi!

Chã Quân hét lớn để chỉ dẫn sau khi bổ phần mỏ neo xuống đất để lấy điểm kéo cho xe. Những cuộc hội thoại giữa Lee và chã Quân luôn ngắn gọn trong mọi bài thi. Là người Hàn Quốc, vốn ngôn ngữ tiếng Việt của Lee Jonhun "có hạn". Nhiều lúc không hiểu, ông phải tập trung vào những cử chỉ minh họa của chã Quân rồi dựa vào kinh nghiệm của mình để ứng phó với tình hình.

- Chị Vân vào đi!

Ban trọng tài gọi loa, chị Bùi Thị Vân (vợ của Lee Jonhun) được đặc cách lại đường biên để trở thành phiên dịch trong tình thế cấp bách. Theo chồng suốt 12 năm thi đấu, chị Vân luôn trở thành người hỗ trợ đắc lực trong những tình huống dở khóc dở cười như vậy.

"Chồng tôi theo đuổi đam mê của anh ấy, tôi không cảm thấy phiền mà ngược lại rất ủng hộ. Có điều thi đến 12 năm rồi mà cao nhất chỉ tới giải nhì. Thỉnh thoảng anh phân vân có nên tiếp tục tham gia các giải đấu, tôi lại cổ vũ anh, còn sức khỏe là còn tham gia hết mình", chị Vân chia sẻ.

Đường đua số 5 Dốc tử thần được xem là bài thi có độ khó cao với các VĐV nhưng lại rất mãn nhãn với khán giả. Lee Jonhun và chã Quân cũng hoàn tất kiểm tra máy móc rồi bước vào đường đua.

Trước mặt chiếc xe 405 là con dốc cao, đổ nghiêng 45 độ và một hố nước sâu ngay phía dưới. Chiếc xe chắc lái, từ từ đi xuống. Chã Quân chạy lên trước, dùng dây cáp quấn quanh thân cây làm điểm tựa để kéo xe lên. Thời gian anh chạy bên dưới đường đua còn nhiều hơn ngồi cạnh lái chính. Như đã có tính toán kỹ lưỡng từ trước, chã Quân và Lee Jonhun không cần trao đổi thêm trong lúc thi đấu. Cùng nhau thi đấu từ rất nhiều năm trước đó, họ được ví như cặp bài trùng bởi sự ăn ý nhịp nhàng.

"Với cá nhân tôi khi thi đấu thì chã phải thật linh hoạt, vừa phối hợp được với nhau lại vừa độc lập làm tốt phần việc của mình. Tôi và Lee nói ít, hiểu nhiều. Hoặc vì anh ấy không thể nói tiếng Việt, tôi thì không biết tiếng Hàn nên muốn cũng chẳng cãi nhau được", chã Quân nhận định.

Trong bài thi Adventure buổi đêm, sau khi chủ động ở lại giúp đỡ xe các đội khác qua điểm khó, Lee Jonhun và chã Quân được bình chọn là đội giành giải Cống hiến của cuộc thi. Chung cuộc, thêm một món quà cho VĐV Hàn Quốc, ông giành cúp vô địch hạng mở rộng với tổng điểm các vòng thi cao nhất.

"Người tôi phải nói cảm ơn đầu tiên là Mạnh Quân - bạn đồng hành của tôi. Chúng tôi không thể giao tiếp nhiều bởi sự khác nhau về ngôn ngữ nhưng Quân luôn kiên nhẫn để phối hợp cùng nhau. Chúng tôi đã có nhiều năm thi đấu chung. Cá nhân tôi đến nay cũng là 12 năm tham gia giải đấu ở Việt Nam, cuối cùng giấc mơ vô địch đã thành hiện thực", ông Lee Jonhun vui mừng nói. Tay đua Hàn Quốc cũng không quên dành cái ôm thật chặt cho vợ của mình bởi những sự động viên từ chị. "Chiếc cúp lần này là món quà tôi dành cho cô ấy", ông xúc động nói.

Không thể thiếu các tay đua nữ và những tình huống bất ngờ

Theo anh Phạm Thành Lê (đại diện ban tổ chức VOC 2021), mọi năm giải đấu được tổ chức trong khoảng tháng 6 đến tháng 9. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giải đấu lùi xuống cuối năm và phải trước đó một tháng, ban tổ chức VOC mới bắt đầu lên kế hoạch thi đấu. "Nhìn chung cũng rất may mắn khi giải đấu được tiếp nối, không phụ sự chờ mong của các VĐV và người đam mê bộ môn đua xe địa hình. Trước khi mở đấu, chúng tôi cũng làm xét nghiệm Covid-19 cho tất cả thành viên tham gia giải để đảm bảo an toàn chung", anh Lê nói.

Những tình huống DNF bất ngờ gây cười như sụt hố khi qua cầu ở bài số 9, rơi biển số xe trong đường đua số 2, hỏng đề, bị lật... cũng trở thành điểm nhấn trong giải đấu. Trong 2 ngày diễn ra giải đấu có hơn 70 đội xe, 140 tay đua từ cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Trong mùa giải lần thứ 13 này, 6 bài thi diễn ra cùng lúc trên 6 đường đua thay vì chỉ 4 bài như trước đây để giảm thiểu thời gian chờ đợi giữa các bài thi cho các đội và hạn chế việc cắt bớt các bài thi do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết. Việc có 6 đường thi cùng lúc cũng giúp cho khán giả được chứng kiến nhiều hơn các màn trình diễn của những đội đua yêu thích.

Đặc biệt trong giải VOC 2021 đã xuất hiện những đội đua có tay lái nữ với tinh thần thi đấu hết mình. Trong đó lần đầu tiên trong 13 lần tổ chức VOC có một đội nữ tham gia bài thi Adventure ban đêm và về đích thành công. Và VĐV Nguyễn Hà Giang - lái chính của xe 114 đã giành giải nhất trên đường đua số 7.

"Tuy là phái nữ nhưng chúng tôi không ngại khó. Tôi tham gia đua xe địa hình vừa để thỏa mãn đam mê, cũng là để lan tỏa đam mê ấy đến với những chị em phụ nữ khác", chị Trần Thị Thanh Nga - VĐV xe 123 chia sẻ trước khi đưa ôtô vào đường đấu.

Kết thúc hai ngày thi đấu, giải đấu khép lại với những kỷ niệm đẹp và trải nghiệm mới lạ dành cho các VĐV. Một đường đua tạo được bất ngờ lớn như đường 7 với chiến thắng dành cho tay lái nữ, đường 10 lại một lần nữa chưa có đội nào chinh phục được và 100% đội cán đích an toàn trong bài thi đêm Adventure.

"Những điều nhỏ bé ấy cùng với tiếng cười, hò reo của khán giả trở thành kết quả tốt đẹp nhất mà ban tổ chức chúng tôi có được trong giải đấu lần thứ 13 này", anh Thành Lê nói.

Thạch Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duong-den-chuc-vo-dich-giai-dua-xe-dia-hinh-viet-nam-cua-vdv-han-quoc-post1283112.html