'Đường dây nguội'

Đã nhiều năm nay, huyện Y cho công khai số điện thoại cá nhân của các đồng chí lãnh đạo địa phương; tạo điều kiện để cấp dưới, nhân viên thuộc quyền và người dân có thể liên lạc trực tiếp; hình thành 'đường giây nóng', giúp cán bộ chủ chốt nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cơ sở và quần chúng. Đây cũng là sáng kiến nhằm tăng cường và đa dạng hóa hình thức đối thoại cơ sở; hình thành, rèn luyện tác phong gần dân, sát dân cho cán bộ, đảng viên.

Chủ trương của cấp ủy, chính quyền là rất thiết thực và hợp lòng dân. Ấy vậy mà mấy hôm nay, ông chú ruột của tôi gọi điện “5 lần, 7 lượt” vào số điện thoại của một đồng chí lãnh đạo huyện, thì chỉ nhận lại một dạng phản hồi chủ yếu: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Nhiều lần khác là những tiếng đổ chuông, nhưng bên kia không có người bắt máy và cũng chẳng có ai gọi điện lại.

Biết chuyện đó, tôi bực mình, giọng gắt lên: “Nếu lãnh đạo quá bận bịu họp hành, xử lý công việc hành chính thì chả phải công khai số điện thoại để làm gì. Thế này thì gọi là “đường dây nguội”, chứ sao có thể xướng tên “đường dây nóng”?

Tỏ ý chia sẻ với tôi, ông chú tung hứng: “Mình sẽ lại tiếp tục gọi điện thoại, đến khi nào đồng chí ấy chịu nghe mới thôi. Chả lẽ gọi đến “cháy máy” lại không thể kết nối, thiết lập đường dây nóng?”. Nói rồi, chú cười xuề xòa: “Nói vui vậy thôi, chứ mình cũng phải chia sẻ với đặc thù công tác của người ta. Làm cán bộ thời buổi này, chỉ xử lý cho hết việc hành chính ở công sở cũng đã chiếm trọn quỹ thời gian mất rồi. Anh em thật sự vất vả lắm chứ chẳng chơi!”.

Chú tôi hiểu thực tế đó là bởi ông từng giữ cương vị cán bộ chủ chốt ở một cơ quan, giờ hưu trí nhưng vẫn hết sức quan tâm đến thế sự, muốn tham mưu với lãnh đạo địa phương mấy việc hữu ích, vì sự tiến bộ, phát triển của quê nhà. Thiện chí là vậy, nhưng thực thi nghe ra khó quá!

Với tinh thần xây dựng, chú tôi thẳng thắn nêu ý tưởng: “Nên chăng cán bộ địa phương không nhất thiết phải công khai số điện thoại mà giao cho cơ quan tiếp dân hình thành "đường giây nóng". Phải là đường dây nóng thật sự-cắt cử lực lượng thay nhau trực, lắng nghe và trả lời dân như kiểu bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng viễn thông. Khi có việc quá tầm, vượt thẩm quyền thì thì mới báo cáo với lãnh đạo địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời. Cách làm đó sẽ hợp lý hơn, bởi thực tế, cán bộ chủ trì, chủ chốt bận rất nhiều việc, sẽ không có đủ thời gian để nghe hết điện thoại của tất cả người dân.

Ông chú tôi luận thêm: “Một khi cán bộ đã chủ động cung cấp số điện thoại, bày tỏ mong muốn và nguyện vọng được lắng nghe dân nói. Ấy vậy mà khi dân gọi điện thoại lại không thể bắt máy, trả lời... thì đó là có lỗi với người gọi, với dân. Nếu khách quan không thật sự cho phép thì chẳng nên gượng ép triển khai các giải pháp không có tính khả thi. Đó là một cách tự hạ thấp uy tín của người lãnh đạo địa phương, làm giảm niềm tin trong dân đối với hệ thống chính trị”.

NGUYỄN TẤN TUÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/duong-day-nguoi-656081