Đường dây bán người đi biển vẫn lộng hành: Khó xử lý vì tội phạm 'tinh vi'?

Cuối tháng 3.2017, hai PV Thanh Niên trong vai người lao động lang thang tại Bến xe Miền Tây (TP.HCM) đi xin việc.

Lao động bị nhốt trong phòng đều có người canh giữ nghiêm ngặt - Ảnh: Công Nguyên

Ngay lập tức, một nhóm tài xế xe ôm nhào tới mời chào “việc nhẹ lương cao”, rồi chở bán vào một trung tâm giới thiệu việc làm tại Q.6. Trung tâm này đem hai PV bán cho bà Loan (một trong nhiều đường dây bán lao động đi biển tại khu vực cảng cá Cát Lở, TP.Vũng Tàu).

Tại đây, bà Loan bắt hai PV ký giấy vay nợ và đem nhốt trong phòng trọ, có người canh gác để chờ ngày tiếp tục bán cho các tàu đi đánh bắt hải sản trên biển. Sau đó, các PV được giải cứu cùng các lao động bị bán khác tại đây. Từ ngày 28 - 31.3, Thanh Niên đăng tải loạt bài điều tra Bóc trần đường dây bán lao động đi biển.

Sau loạt bài điều ra của Thanh Niên, ngày 13.4, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến bài “bán lao động đi biển”. Phó thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan, chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, báo cáo kết quả lên Thủ tướng.

Đã gần 9 tháng trôi qua, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, tại khu vực cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu) vẫn có người gọi điện tố cáo một số đường dây bán lao động đi biển hoạt động, nhiều lao động bị lừa từ TP.HCM và các tỉnh đưa về TP.Vũng Tàu, bị ép ký giấy vay nợ, đem nhốt lại, chờ ngày bán cho các chủ tàu đi biển đánh bắt cá.

Trả lời Thanh Niên ngày 27.12, đại tá Đào Quang Hiển, Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết “cò ghe” trên địa bàn hoạt động vẫn còn nhiều, tạo thành những đường dây liên tỉnh, hoạt động có tổ chức và kín đáo. Chỉ khi có bị hại tố cáo thì lực lượng chức năng mới điều tra, phát hiện và xử lý. Thời gian qua, có nhiều “cò ghe” bị lực lượng biên phòng bắt và chuyển giao cơ quan công an điều tra theo thẩm quyền, nhưng nạn “cò ghe” vẫn còn hoạt động nhiều ở địa phương. Đại tá Hiển đề xuất: “Để xử lý triệt để nạn “cò ghe” bắt ép người lao động thì cần cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc ngăn chặn”.

Trong khi đó, đại tá Lê Tôi Sủng, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nói “rất khó xử lý các “cò ghe” hoạt động hiện nay”. Theo đại tá Sủng, để đối phó với cơ quan công an, “cò ghe” thường yêu cầu người lao động ký thỏa thuận đi biển. Ngoài ra, “cò ghe” còn làm tạm trú, tạm vắng cho ngư dân để hợp thức hóa việc bắt giữ người trái pháp luật.

Công Nguyên - Nguyễn Long

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/viet-nam/duong-day-ban-nguoi-di-bien-van-long-hanh-kho-xu-ly-vi-toi-pham-tinh-vi-918103.html