Đường dẫu xa nhưng chân không mỏi

Nghe tôi kể về những chuyến xe xuyên đêm lên với các tỉnh vùng cao; những lần ngồi xe máy vượt dốc đến với các bản làng quanh năm mây phủ… nhiều người thường hỏi: Đi thế không sợ à? Lên những chỗ đó vất vả, khó khăn mà sao vẫn cứ đi? Thật khó để trả lời những câu hỏi này, bởi với người làm báo, những chuyến đi cũng chính là cơ hội để tiếp thêm năng lượng, thêm yêu đời, yêu nghề và có trách nhiệm với công việc đã chọn…

Lên đường - trách nhiệm và sự hào hứng

Báo Công Thương – nơi tôi gắn bó đã nhiều năm - là một trong số ít những cơ quan báo chí tham gia thực hiện Quyết định “Cấp báo, tạp chí cho vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” ngay từ những ngày đầu tiên. Chính vì vậy, mặc dù có nhiều ấn phẩm, nhưng Ban Biên tập Báo Công Thương luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho “Chuyên đề DTTS và Miền núi” của báo. Với các phóng viên thực hiện chuyên đề này, việc thường xuyên phải đi công tác ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình tác nghiệp. Bởi lẽ đây được xác định là cơ sở để phóng viên thâm nhập thực tế, có được những bài viết sinh động, phản ánh được sự đổi thay của đời sống đồng bào DTTS và miền núi; kịp thời ghi nhận những ý kiến phản biện về chính sách dành cho khu vực này…

Theo đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên đi công tác khi có sự kiện hoặc khi phóng viên đề xuất, Ban Biên tập luôn giải quyết rất nhanh chóng các thủ tục, từ việc gợi ý đề tài, cấp giấy đi đường, giấy giới thiệu đến thanh toán công tác phí… Với sự quan tâm của Ban Biên tập, những chuyến đi công tác không chỉ là trách nhiệm mà là hứng thú đối với mỗi phóng viên, trong đó có cá nhân tôi.

Tác giả (giữa) trong một chuyến công tác tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Tác giả (giữa) trong một chuyến công tác tại xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai

Thực tế, đường lên với các tỉnh vùng cao đến nay đã có nhiều cải thiện nhưng với các xã đặc biệt khó khăn, vẫn còn tương đối vất vả, nhất là vào mùa mưa lũ… Tuy nhiên, tình cảm của cán bộ địa phương, của đồng bào miền núi dành cho báo chí lại vô cùng đáng trân trọng. Bản thân tôi đã nhiều lần lên với các huyện, xã miền núi lúc khuya muộn do xe cộ trục trặc, nhưng chính quyền huyện, xã vẫn cử người đợi đón. Khi có nhu cầu đi cơ sở, cho dù công việc bận rộn, địa phương vẫn cắt cử người liên hệ, đưa đến tận nơi với lý do “đường lên bản xa xôi, lại không tiện xe cộ, nếu không có người đưa đi, nhà báo vất vả lắm đó”.

Nối dài những chuyến đi

Xuất phát từ tình cảm chân tình mà các địa phương miền núi dành cho người làm báo, nên cho dù đường xa, bụi bặm hay lầy lội… những phóng viên như tôi cũng cảm thấy thật ấm cúng. Mệt nhọc như tan biến khi giữa trưa nắng, được nhận từ tay đồng bào Rắc Lây (Ninh Thuận) quả dừa xiêm ngọt mát; thưởng thức bát canh gà nóng hổi từ tay bác trưởng bản người Mông (Yên Bái) trong buổi tối mưa phùn lạnh giá; nếm thử trái cam, trái bưởi đầu mùa được trồng bởi đồng bào Thái (Sơn La) năng động, tháo vát…

Đặc biệt, càng gần gũi với đồng bào, càng nhận ra tinh thần vươn lên mạnh mẽ của một bộ phận đồng bào trong việc phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và cộng đồng. Tại nhiều địa phương, trong quá trình tác nghiệp, tôi không khỏi khâm phục khi được tiếp cận với những chàng trai, cô gái người DTTS khởi nghiệp thành công bắt đầu từ 2 bàn tay trắng. Từ chỗ có số hộ nghèo lớn, chính quyền và nhân dân một số xã vùng cao đã đồng lòng đưa địa phương khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, về đích nông thôn mới…

Cũng nhờ tiếp xúc trực tiếp với cán bộ địa phương, lên đến tận bản, làng, cùng ăn, cùng ở với đồng bào, những phóng viên như chúng tôi có cơ hội hiểu hơn về khó khăn, hạn chế đang tồn tại ở khu vực miền núi, như: Vấn đề thiếu nước sạch sinh hoạt, thiếu đất sản xuất, quy hoạch vùng trồng nông sản chưa hợp lý, bà con gặp khó khăn trong tiếp cận khoa học kỹ thuật và nguồn vốn hỗ trợ sản xuất…Từ những tư liệu thực tế này, mỗi phóng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với việc thông tin trung thực, phản ánh kịp thời những mặt được cần phát huy, cũng như những bất cập còn tồn tại trong quá trình triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào.

Đi công tác, nhất là công tác ở vùng cao, chưa bao giờ là dễ dàng. Vậy nhưng, với người làm báo, đặc biệt là những người làm báo dành cho đồng bào DTTS, những chuyến đi vẫn đang được nối dài, để thêm yêu đất nước rộng dài; thêm ân tình với đồng bào các vùng miền của Tổ quốc.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/duong-dau-xa-nhung-chan-khong-moi-121187.html