Đường cao tốc siêu thông minh, tự sạc điện cho ôtô tại TQ

Những con đường này trong tương lai sẽ trở thành bộ não, hệ thần kinh của cuộc cách mạng xe tự lái.

Những con đường cao tốc trong tương lai của Trung Quốc sẽ được lát bằng các tấm pin mặt trời, bộ cảm biến bản đồ và bộ nạp điện khi quốc gia này đang thử nghiệm hệ thống “cao tốc thông minh” nhằm đẩy nhanh quá trình thay đổi ngành vận tải toàn cầu.

Đường cao tốc thông minh được lắp pin mặt trời và các loại cảm biến tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Đường cao tốc thông minh được lắp pin mặt trời và các loại cảm biến tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Các bộ cảm biến được đặt bên dưới lớp bê tông trong suốt trên đoạn đường dài 1.080 m ở phía đông thành phố Tế Nam, Trung Quốc. Khoảng 45.000 phương tiện luân chuyển qua đây mỗi ngày. Tấm năng lượng mặt trời bên dưới cung cấp đủ điện để chiếu sáng cũng như 800 hộ dân xung quanh, theo tập đoàn phát triển giao thông Qilu.

Tập đoàn này không chỉ muốn cung cấp điện cho phương tiện mà còn muốn các con đường trở nên thông minh tương đương với phương tiện trong tương lai.

Chính phủ Trung Quốc mong muốn 10% xe hơi nước này được trang bị công nghệ tự lái hoàn toàn đến năm 2030. Qilu coi đó là cơ hội để nâng cấp hệ thống đường giao thông với bản đồ chính xác hơn, và tính năng sạc điện cho xe hơi.

“Những con đường cao tốc ngày nay chỉ được dùng để cho phương tiện lưu thông. Đó đã là thế hệ sản phẩm 1.0”, Zhou Young, Giám đốc công ty nói. “Chúng tôi đang tạo ra thế hệ 2.0, 3.0 bằng cách trang bị cho chúng bộ não và hệ thần kinh”.

Theo Bloomberg, giai đoạn đầu của kế hoạch này là xây dựng một hệ thống đường cao tốc xung quanh thành phố Tế Nam, trung tâm công nghiệp cũ với khoảng 7 triệu dân.

Con đường được làm 3 lớp, phủ bằng loại vật liệu cho phép ánh sáng mặt trời xuyên qua để tiếp cận các tấm pin mặt trời bên dưới. Lớp trên cùng cũng có khoảng trống để lắp đặt dây và cảm biến theo dõi nhiệt độ, lưu lượng giao thông và tải trọng.

Pin mặt trời bên dưới lớp bê tông trong suốt.

Pin mặt trời được lắp ở 2 làn đường, không tạo cảm giác khác biệt gì cho lái xe. Đoạn đường thử nghiệm hiện tại chưa đủ dài để cung cấp tính năng sạc không dây, theo Zhou. “Vệt mặt kỹ thuật, việc sạc cho phương tiện không phải vấn đề”, Zhou nói. “Phương tiện có thể sạc không dây cũng chưa được sử dụng trên phố”.

Qilu cũng chưa đưa ra khung thời gian để lắp đặt các bộ cảm biến truyền dữ liệu và sạc cho pin của xe điện. Tuổi thọ của con đường này ước tính khoảng 15 năm, tương đương với đường cao tốc phủ nhựa đường truyền thống.

“Đường cao tốc với pin mặt trời có tiềm năng lớn”, Xu Yingbo, nhà phân tích của Citic Securities nói. “Điểm cần lưu ý là chi phí và mức độ tin cậy”.

Năm 2016, công ty xây dựng của Pháp là Bouyguest SA thử nghiệm đoạn đường dài 1 km ở Na Uy với tấm pin mặt trời ở lớp trên cùng. Tuy nhiên, mục tiêu của họ là tạo ra điện, thay vì sạc cho xe điện.

Trung Quốc sẽ có khoảng 30 triệu phương tiện trang bị công nghệ tự lái nhiều cấp độ khác nhau cho đến năm 2025, theo Yu Kai - sáng lập Horizon Robotics.

Đoạn đường thử nghiệm tại Tế Nam có chi phí khoảng 7.000 tệ/mét vuông (1.113 USD), tổng chi phí 41 triệu tệ (6,5 triệu USD). Chi phí để có thể phát triển thương mại cho công nghệ này là khoảng 3.000 tệ/mét vuông (477 USD).

Màn hình hiển thị dữ liệu thu thập được từ các cảm biến bên dưới mặt đường.

Chi phí ban đầu cao là vì nhóm nghiên cứu và phát triển của Qilu tự sản xuất vật liệu bên trong phòng thí nghiệm của họ. Chi phí sẽ giảm xuống khi các linh kiện được sản xuất đại trà, theo Zhou. Theo Bloomberg, các nhà nghiên cứu khơi mào dự án này từ 10 năm trước. Quá trình thi công một phần của đoạn đường cao tốc sẽ kéo dài trong 55 ngày. Đoạn đường chính thức mở cửa cho phương tiện lưu thông vào tháng 12.

“Trong tương lai, khi xe hơi chạy trên đường, hệ thống đường sẽ giống như con người”, Zhou nói. Con đường sẽ cảm nhận xem phương tiện đó nặng bao nhiêu và cần những loại thông tin gì”. Qilu nói họ đang hợp tác với vài nhà sản xuất nội địa để phát triển công nghệ nhưng từ chối đưa thông tin cụ thể.

Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lượng xe điện bán ra toàn cầu. Năm 2015, họ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Các loại xe sử dụng năng lượng mới - gồm xe hybrid và xe điện toàn phần có thể vượt mốc doanh số 1 triệu chiếc vào năm nay, theo Hiệp hội Sản xuất Ôtô Trung Quốc.

Đường cao tốc thông minh tại Trung Quốc Đây được xem là hình mẫu cho việc xây dựng đường cao tốc trong tương lai tại Trung Quốc.

Đức Nam

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/duong-cao-toc-sieu-thong-minh-tu-sac-dien-cho-oto-tai-tq-post834181.html