Đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông: 'Liệu cơm gắp mắm'

Theo các đại biểu QH, phương án huy động vốn cho Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 vẫn là một bài toán khó.

Đã có những thay đổi lớn trong tờ trình Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S) mới nhất liên quan đến tuyến cao tốc Bắc - Nam được Chính phủ trình Quốc hội so với các dự thảo trước đó. Tên dự án đã được thay đổi từ “Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông” thành “Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020”.

Khó tăng tốc

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, trong giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ sẽ huy động nguồn lực để đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án, gồm 3 dự án đầu tư công, 8 dự án PPP cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, trong giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ sẽ huy động nguồn lực để đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án, gồm 3 dự án đầu tư công, 8 dự án PPP cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Dự án sẽ đi qua 32 tỉnh, thành phố với 1.372 km phải xây dựng đoạn Hà Nội - TP HCM, 150km đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau và được phân kỳ đầu tư. Như vậy Chính phủ đã lựa chọn phương án “liệu cơm gắp mắm”.

Hơn nữa, theo Bộ GTVT, từ Lạng Sơn đến Cà Mau hiện đã hình thành sẵn một số đoạn cao tốc. Hiện đã đưa vào khai thác 223km, đang thực hiện đầu tư 297km, đã xác định được nguồn vốn và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67km... Để nối thông tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ, Bộ GTVT đang lập dự án đầu tư cầu Mỹ Thuận 2 dài khoảng 7 km và kêu gọi nguồn vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc.

Đồng tình việc xây dựng dự án này, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, nếu làm sẽ hoàn thành được 3 đột phá chiến lược, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại. Tuy nhiên ông Ngân lưu ý cần tính thêm độ nhạy cảm, dễ phát sinh rủi ro như việc thực hiện giải phóng mặt bằng, lãi suất vay, thu phí, biến đổi khí hậu.

Giải “bài toán” vốn

Để thực hiện dự án trên, tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỉ đồng(tính theo mặt bằng giá quý 2/20170. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỉ đồng, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỉ đồng. Có 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT, 3 dự án còn lại gồm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2 theo hình thức đầu tư công.

Tuy nhiên, do đầu tư BOT còn nhiều bất cập, UB Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý các tồn tại cũ trước khi chốt đầu tư 8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam theo hình thức này.

Liên quan tới phương án tài chính của các hợp phần đầu tư theo hình thức PPP, đối với phần lợi nhuận của nhà đầu tư, Bộ GTVT đang tạm tính tỷ suất lợi nhuận khoảng 14%/năm cho phần vốn chủ sở hữu; 10,37%/năm cho phần vốn vay; mức thu giá dịch vụ là 1.500 đồng/PCU/km (bắt đầu từ thời điểm dự án đưa vào khai thác), dự kiến 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 12%. Với các yếu tố đầu vào này, các nhà đầu tư có thể hoàn vốn dự án trong thời gian dưới 24 năm.

Về phương án vốn, Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Hình thức BOT đang còn nhiều hạn chế, bất cập. Do vậy, UB Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể để xử lý các tồn tại cũ để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng này.

UB Kinh tế cũng cho biết có ý kiến đề xuất trong tổng số 55.000 tỉ đồng dự kiến cần bố trí 15.000 tỉ đồng cho dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Còn lại, nguồn vốn nhà nước hơn 40.000 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng cho dự án, trong đó dự kiến bố trí cho các dự án BOT hơn 27.000 tỉ đồng, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ngoài ra, trong bước nghiên cứu khả thi đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) lưu ý, các dự án đầu tư giao thông trước nay đều đội vốn, có thể gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Vì thế Chính phủ phải tính toán chi tiết hơn để thuyết phục được Quốc hội, cử tri đối với dự án này.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: Chọn phương án khác thì đấu thầu sẽ rất khó khăn

Ngân sách hiện nay rất khó khăn, đất nước trải dài từ Bắc vào Nam không phải nơi nào có điều kiện kinh tế giống nhau. Theo tuyến Bắc - Nam, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP HCM, Cần Thơ là những trung tâm kinh tế lớn cả nước. Trục quốc lộ 1 kết nối các địa phương này với nhau, dù thường xuyên nâng cấp nhưng nhiều đoạn tuyến đã quá tải, hoạt động vận tải hàng hóa ảnh hưởng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu cụm công nghiệp, nhưng địa phương cung cấp ngân sách lớn cho quốc gia. Chính phủ nguồn vốn ít nên cần tập trung dự án nào tạo đột phá. Muốn đất nước phát triển bền vững, để tỉnh giàu hỗ trợ tỉnh nghèo, ngân sách hỗ trợ các tỉnh khó khăn nên ủng hộ dự án này để có trục đường lớn phát triển kinh tế đất nước.

Hơn nữa, với dự án này, thu phí kín, đi bao nhiêu tính bấy nhiêu, giá bình quân 2.500 đồng/km, các cao tốc hiện nay đang thu 1500 đồng/km. giá bình quân cho cả vòng đời là 2.500 đồng nhưng nếu vừa làm xong đã thu ngay 2.500 đồng sẽ bất cập, dẫn đến xe đi đường cao tốc ít, dẫn đến lãng phí, ùn tắc quốc lộ 1. Bộ GTVT trình phương án thu phí 1500 đồng/km, khoảng 2-3 năm tăng 200-300 đồng, giai đoạn cuối cùng là 3.400 đồng/km. bình quân cả vòng đời chỉ là 2.500 đồng.

Bộ GTVT mong muốn Quốc hội ủng hộ vì như vậy mới biết thu phí như thế nào, đây là đầu ra của dự án, nếu đầu ra không rõ ràng nhà đầu tư không tham gia, nếu thống nhất được phương án nhà đầu tư sẽ biết được thu bao nhiêu. Nếu trình ra không rõ ràng khó thu hút được nhà đầu tư. Hiện nay theo quy định giá do Nhà nước quản lý, khi tăng lên phải xin, nếu mỗi lần tăng lại xin cơ quan NN gây khó khăn cho nhà đầu tư. Nếu Quốc hội thống nhất theo tờ trình của Chính phủ thì khả năng huy động được vốn sẽ khả thi, nếu chọn phương án khác việc đấu thầu sắp tới sẽ rất khó khăn.

Khắc Lãng ghi

Phan Nam

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/duong-bo-cao-toc-bac-nam-phia-dong-lieu-com-gap-mam-119883.html