Đường biên giới của hợp tác và phát triển, cầu nối của tình đoàn kết, hữu nghị hai nước Việt Nam – Trung Quốc

Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, nhân dân hai nước có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950, việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ đã được lãnh đạo hai Đảng, hai nước quan tâm và coi là một trong những trọng tâm, ưu tiên cần được thúc đẩy giải quyết trong quan hệ hai nước.

Trải qua thăng trầm, biến cố của lịch sử, với quyết tâm và nỗ lực của hai bên, sau 6 vòng đàm phán cấp Chính phủ và 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên, ngày 30/12/1999, hai nước đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Đây là dấu mốc hết sức quan trọng, tạo nền tảng để vào ngày 31/12/2008, sau hơn 8 năm tiến hành phân giới cắm mốc trên thực địa, hai bên tuyên bố hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền. Ngày 18/11/2009, đại diện Chính phủ hai nước đã ký Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 14/7/2010, 3 văn kiện pháp lý trên chính thức có hiệu lực.

Việc ký kết Hiệp ước biên giới, hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền đã chính thức khép lại quá trình 36 năm đàm phán hoạch định biên giới và phân giới cắm mốc trên thực địa của hai nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc, với tư cách là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền đã tự mình hoạch định được đường biên giới trên đất liền một cách khoa học, hoàn chỉnh, chính xác, được đánh dấu bằng hệ thống mốc giới chính quy, hiện đại, dễ nhận biết và được ghi nhận trong các điều ước quốc tế có giá trị pháp lý, có giá trị mãi mãi cho hai quốc gia, dân tộc, thêm cơ sở quan trọng cho quan hệ hữu nghị và tạo thêm điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu hợp tác giữa hai nước. Kết quả này cũng đã thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm thiện chí của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc, kết quả của những đóng góp hết sức lớn lao của các thế hệ cán bộ tham gia trực tiếp vào công tác giải quyết vấn đề biên giới đất liền Việt - Trung.

Trên cơ sở thực thi các điều ước quốc tế về biên giới kể trên, với nỗ lực và sự hợp tác của hai bên, tình hình biên giới trên đất liền Việt - Trung được duy trì ổn định, đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững, an ninh trật tự tại khu vực biên giới được bảo đảm.

Giao lưu hữu nghị và hợp tác giữa 7 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày càng hiệu quả và đạt nhiều kết quả thực chất. Hợp tác kinh tế - thương mại tại khu vực biên giới phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 2010 kim ngạch thương mại hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung chỉ đạt 7,6 tỷ USD thì năm 2017 đã tăng lên gần 40 tỷ USD, chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng. Công tác mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới được tích cực thúc đẩy nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương càng ngày càng tăng giữa hai nước; trong 10 năm qua đã có gần 110 triệu lượt người và gần 12 triệu lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hai bên đang tích cực triển khai Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên, Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân.

Với tất cả kết quả đó, có thể khẳng định đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc không chỉ đóng vai trò xác định ranh giới lãnh thổ của mỗi nước mà đã thực sự là đường biên giới của hợp tác và phát triển và là cầu nối của tình đoàn kết, hữu nghị hai nước và góp phần mở rộng hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực.

Nhìn lại quá trình đàm phán và ký kết Hiệp ước biên giới, cắm mốc trên thực địa trên đất liền, cũng như Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000, có thể rút ra nhiều bài học và kinh nghiệm có ý nghĩa để chúng ta tiếp tục xử lý tốt vấn đề tồn tại còn lại.

Trước hết, chủ quyền, biên giới, lãnh thổ quốc gia luôn là vấn đề thiêng liêng, quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Do vậy, kết quả giải quyết công bằng hợp lý vấn đề biên giới trên đất liền cho thấy, hai bên đã kiên trì nguyên tắc mang tính chất nền tảng, phương châm công bằng hợp lý, tôn trọng lẫn nhau, quan tâm hợp lý đến lợi ích của nhau trên cơ sở căn cứ pháp lý đã thỏa thuận, luật pháp quốc tế và những nguyên tắc giải quyết các vấn đề cụ thể. Đây là kinh nghiệm quý báu của hai nước trong việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.

Tiếp đến, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước đã từng bước được giải quyết.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các lực lượng trực tiếp tham gia công tác quản lý biên giới ở cả trung ương, địa phương và sự giúp đỡ của nhân dân trong việc triển khai nghiêm túc và hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, kịp thời giải quyết ổn thỏa các vấn đề nảy sinh góp phần bảo vệ, củng cố vững chắc đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới, thúc đẩy giao lưu và hợp tác tại khu vực biên giới. Công tác phối hợp quản lý biên giới của hai bên thời gian qua luôn được lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá là điểm sáng trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Đông Hưng, Trung Quốc tham quan cột mốc 1369 tại Việt Nam.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một hết sức coi trọng việc duy trì quan hệ láng giềng hữu nghị, sẵn sàng cùng Trung Quốc đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đi vào chiều sâu. Trên tinh thần đó, với mong muốn tiếp tục phối hợp với phía Trung Quốc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới, trong thời gian tới, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phối hợp làm tốt các công việc sau:

Một là, tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của cơ chế Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, cơ chế đại diện biên giới, thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế hợp tác và cơ sở pháp lý cho công tác quản lý biên giới của hai bên, nhất là các quy trình về xử lý vấn đề phát sinh và xây dựng công trình biên giới; kịp thời trao đổi và ứng phó hiệu quả, sáng tạo, linh hoạt với những vấn đề, thách thức mới nổi tại khu vực biên giới đất liền Việt - Trung. Tích cực trao đổi và chuẩn bị tốt để triển khai công tác kiểm tra liên hợp biên giới theo quy định của Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Nghị định thư phân giới cắm mốc.

Hai là, tiếp tục thúc đẩy hợp tác tại khu vực biên giới, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch; tăng cường hợp tác về cửa khẩu, đẩy nhanh việc mở, nâng cấp các cặp cửa khẩu mà hai bên đã thống nhất; hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực biên giới như kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, cầu biên giới; áp dụng các biện pháp thuận lợi hóa thông quan, từng bước quy phạm hoạt động tại các lối mở, đường qua lại tại khu vực biên giới; ngăn ngừa và phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự tại khu vực biên giới.

Ba là, tiếp tục thúc đẩy giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương biên giới, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, mở rộng hơn nữa các lĩnh vực hợp tác; tích cực nghiên cứu các biện pháp tăng cường quản lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho lao động thời vụ tại khu vực biên giới hai nước./.

Phạm Bình Minh

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/nghiep-vu-cong-tac-tuyen-giao/duong-bien-gioi-cua-hop-tac-va-phat-trien-cau-noi-cua-tinh-doan-ket-huu-nghi-hai-nuoc-viet-nam-trung-quoc-129640