Đường ảnh hưởng thế nào đến não bộ?

Chúng ta có xu hướng thích các món ngọt và hầu hết các món này đều 'ngon khó cưỡng'. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều đường trong chế độ ăn hàng ngày có thể dẫn đến tăng cân, béo phì, tiểu đường tuýp 2 và thậm chí là sâu răng.

Điều đáng nói, đường có tác động lớn đến não bộ của chúng ta. Theo các chuyên gia thần kinh học, chế độ ăn có nhiều đường và gây béo phì làm thay đổi não bộ con người hiện nay.

Nói cách khác, việc hấp thu đường làm thay đổi hành vi và sự thay đổi của não bộ cũng ảnh hưởng đến các yếu tố khác trong đời sống.

Thức ăn chứa nhiều đường làm tăng viêm nhiễm trong cơ thể - Ảnh minh họa

Cơ thể chúng ta cần đường - glucose để hoạt động. Từ glucose xuất phát từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là “ngọt”. Glucose cung cấp năng lượng cho các tế bào cấu thành cơ thể chúng ta, trong đó có cả các tế bào thần kinh (neuron).

Tổ tiên của con người phát hiện rằng các món ăn ngọt là nguồn cung cấp năng lượng tốt và mang lại sự dễ chịu; còn các vị đắng, chua có thể là biểu hiện của thực phẩm còn sống, có chứa chất độc hay đã bị hư thối và có thể gây bệnh.

Để đảm bảo sự tồn tại của mình, con người có hệ thống não bộ bẩm sinh với đặc điểm là yêu thích thức ăn ngọt vì đây là nguồn năng lượng nhiên liệu cho cơ thể.

Các thức ăn ngọt làm cho hệ thống chuyển hóa dopamine của não bộ được kích hoạt.

Dopamine là chất trong não được phóng thích bởi các tế bào thần kinh, đưa ra tín hiệu về tình huống hay điều kiện tích cực nào đó. Khi được kích hoạt, hệ thống này thúc đẩy các hành vi, làm cho chúng ta thực hiện lại các hành động này.

Mức dopamine sẽ tăng cao do tiêu thụ đồ ngọt, thúc đẩy não bộ chúng ta nhanh chóng biết cách tìm đến với các món này nhiều hơn nữa.

Ngày nay, xung quanh chúng ta luôn tràn ngập các món ăn ngọt chứa nhiều năng lượng. Và điều không may là não chúng ta vẫn hoạt động tương tự như đã nói ở trên và não rất thích đường.

Điều gì xảy ra khi hấp thu quá nhiều đường?

Khi ăn ngọt, chúng ta sẽ dần bị nghiện đồ ngọt như cơ chế đã giải thích. Ngoài nhu cầu cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể, nhiều người tìm đến đồ ngọt do thèm ăn; nhất là khi bị căng thẳng, đói bụng hay thậm chí khi vừa trông thấy một món đồ ăn ngon, hấp dẫn được bày ở đâu đó.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những gì chúng ta ăn vào ảnh hưởng đến khả năng “cự tuyệt” lại sự cám dỗ của những món ăn đó, điều này giải thích tại sao thay đổi chế độ ăn rất khó khăn với nhiều người.

Người thường xuyên có chế độ ăn nhiều chất béo, đường sẽ thèm đồ ăn vặt nhiều hơn kể cả khi không hề đói bụng. Từ đó, các chuyên gia nhấn mạnh rằng thường xuyên tiêu thụ đồ ngọt có thể làm khuếch đại việc thèm ăn, tạo ra vòng lẩn quẩn - ăn hoài không dứt các món ăn đó.

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường còn tác động đến hồi hải mã - trung tâm trí nhớ quan trọng của chúng ta. Các nghiên cứu trên vật thử đều phát hiện ăn nhiều đồ ngọt thì khả năng ghi nhớ sẽ kém hơn. Lý do là đồ ngọt làm giảm tế bào thần kinh mới được sinh ra vốn cần thiết cho sự mã hóa trí nhớ và làm tăng các hóa chất có liên quan đến viêm nhiễm.

Làm gì để bảo vệ não bộ khỏi đường?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị giới hạn việc hấp thu đường ở mức 5% lượng calori đưa vào cơ thể hàng ngày - tức khoảng 25g đường (tương đương 6 muỗng cà phê nhỏ).

Theo thống kê, người Canada hấp thu trung bình 85 g đường mỗi ngày (tức khoảng 20 muỗng cà phê nhỏ) và việc hấp thu này gây ra nhiều thay đổi lớn cho não bộ, cơ thể.

Điều quan trọng là khả năng linh hoạt, dẻo dai của tế bào thần kinh não do phép não bộ tái thiếp lập khi cắt giảm hấp thu đường và thể dục, vận động cũng tăng cường cho quá trình này.

Ngoài ra, các thực phẩm giàu chất béo omega-3 (có nhiều trong các loại đậu và các loại hạt) cũng có tác dụng bảo vệ tế bào não và thúc đẩy các hóa chất cần thiết cho sự hình thành các neuron mới.

Đức Hòa

(theo Reader’s Digest)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//yhocsuckhoe/2020/01/13/1252d0/