Đường 250 tỷ mới xong đã nứt toác: Kể cả vô tình...

Ông Hưng cho rằng, tư vấn thiết kế cũng có phần trách nhiệm trong khi ông Hoàng nói, sự cố xảy ra không thể nói do khách quan hay chủ quan mà...

Xung quanh xôn xao vụ đường 250 tỷ đồng vừa hoàn thành đã nứt toác sau trận mưa, ngày 6/9, theo thông tin trên báo Dân Trí, ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) cho biết, hiện tượng sụt lún được phát hiện vào trưa ngày 3/9, đến ngày 4/9 thì đường bị sụt thẳng đứng trong phạm vi khoảng 40m với độ sâu khoảng 60-80cm, nay vị trí sụt đã phát triển sâu xuống 120cm.

Nói về điểm bất thường trong sự cố này, ông Hưng cho rằng, thông thường, khi đường bị sụt trượt thì sẽ phải đẩy trồi, nghĩa là đường bị sụt ở giữa thì 2 bên đường sẽ bị đẩy trồi lên, nhưng ở sự cố này không có hiện tượng đó, mái taluy vẫn còn nguyên hiện trạng, đường bị sụt theo phương thẳng đứng và ngày càng phát triển sâu xuống hơn.

"Nhận định ban đầu của chúng tôi là địa chất khu vực này có vấn đề phức tạp, khi mưa xuống thì mạch nước ngầm dâng lên có thể gây tác động làm phần nền đắp bị sụt xuống. Hiện đường tiếp tục sụt lún xuống theo phương thẳng đứng.

Sau sự cố, chúng tôi cũng đi tìm hiểu và điều tra dân sinh thì được biết khu vực này có 1 con suối và mạch nước ngầm, cách đây nhiều năm người dân từng đào 3 hồ nước sâu từ 4-5m nhằm chứa nước tưới cà phê. Người dân cũng phản ánh, cách đây khoảng 7-10 năm những hồ chứa nước này đã được lấp lại để canh tác. Vì vậy, khi thực hiện dự án rất khó để phát hiện ra những ao hồ chứ nước này từng tồn tại", ông Hưng cho biết.

Vết nứt tại tuyến tránh Chư Sê ngày càng sâu thêm, tới sáng 6/9, chỗ sâu nhất lên tới 1,2m. Ảnh: TNO

Vết nứt tại tuyến tránh Chư Sê ngày càng sâu thêm, tới sáng 6/9, chỗ sâu nhất lên tới 1,2m. Ảnh: TNO

Giải thích về việc không phát hiện ra 3 hồ chứa nước từng tồn tại và hệ thống nước ngầm ở khu vực này, vị Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 6 cho rằng, người dân thông tin những hồ chứa nước đã được lấp từ rất lâu và người dân đang canh tác như địa hình bằng phẳng từ rất lâu rồi, vì thế bằng mắt thường không thể phát hiện được.

Cũng theo vị Phó giám đốc này, tư vấn thiết kế đã làm đúng quy trình, nhưng có thể có những sơ suất và không lường trước được những vấn đề theo trực quan, chưa đánh giá đầy đủ.

"Tôi cho rằng kể cả do vô tình thì tư vấn thiết kế cũng có phần trách nhiệm. Hiện công trình chưa bàn giao, vì vậy hiện nay trách nhiệm đương nhiên thuộc Ban Quản lý dự án và các đơn vị tham gia thực hiện dự án. Sau khi có số liệu khoan địa chất và số liệu khảo sát thì chúng tôi sẽ đánh giá nguyên nhân dẫn tới hư hỏng và xem xét trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan", ông Hưng cho biết thêm.

Trong khi đó, nói về việc này, cùng ngày, ông Vũ Hữu Hoàng - Giám đốc Công ty CP Thiết kế cầu đường, thuộc TEDI cho rằng, trong phân công của liên danh, dự án do công ty thiết kế nhưng phần khảo sát địa chất là do Công ty CP Tư vấn 8 thực hiện.

Sau khi được cung cấp các số liệu khảo sát địa chất thì Công ty CP Thiết kế cầu đường thiết kế đường theo số liệu khảo sát, theo các quy trình, quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật.

"Theo tôi, với địa hình ở khu vực và dựa trên những kết quả khảo sát của anh em kỹ sư đi tuyến về miêu tả thì để phát hiện có gì bất thường ở bên dưới lòng đất là vô cùng khó. Đây là điều kiện địa chất đồng nhất, trừ trường hợp phải có thông tin rất cụ thể.

Tôi mới về phụ trách công ty được 3 năm, nhưng chưa từng gặp sự cố dự án nào như tại dự án này. Ở đây không thể nói là nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, sự cố xảy ra như thế này thì có nhiều nguyên nhân, muốn xác định được thì phải khảo sát, điều tra", ông Hoàng nói.

Hiện tượng nứt gãy được phát hiện từ ngày 3.9 và có dấu hiệu tiếp tục gia tăng. Ảnh: TNO

Như đã đưa tin, dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh huyện Chư Sê (Gia Lai) vừa hoàn thành được 3 tháng đã bị lún sâu, mặt đường rách toạc với nhiều vết nứt, có vết sâu gần 1 m. Các vết nứt to chạy dọc tim đường. Nhiều tấm kè chống sạt hai bên đường bị đánh sạt, trôi đi.

Dự án có tổng vốn gần 250 tỷ đồng, thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng. Tổng chiều dài hơn 10,8 km; thi công vào tháng 5/2018; hoàn thành vào tháng 6/2019.

Dự án này do Ban Quản lý dự án 6 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Chia sẻ trên báo Đất Việt, GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học GTVT cho biết, nguyên nhân chính ở đây là do điều tra địa chất chưa được đầy đủ dẫn đến thiết kế, thi công sai.

Theo GS.TS Bùi Xuân Cậy, đất ở Gia Lai hay một vài tỉnh trong miền Nam chủ yếu là đất sét nên khi trời mưa nhiều sẽ dẫn đến tình trạng trượt nền đường. Khi thấy hiện tượng này, cơ quan chuyên môn phải kịp thời sửa chữa, tránh để lâu sẽ nguy hiểm cho người đi đường.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, cùng ngày, GS.TSKH Nguyễn Xuân Trục - nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù ông chưa đến đoạn đường đó nhưng về cơ bản, tình trạng sụt lún đường chủ yếu là do nền đường được làm trên đất yếu, không được xử lý kỹ về lớp móng.

Mai Thùy (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-250-ty-moi-xong-da-nut-toac-ke-ca-vo-tinh-3387114/