Đuổi việc giáo viên đánh, véo tai học sinh có 'oan'?

Sau khi nhận hình thức kỷ luật buộc thôi việc vì hành vi đánh học sinh, cô N.H.H, giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) đã gửi đơn 'khẩn thiết xin cứu xét' tới các ban, ngành liên quan.

Sau khi có quyết định buộc thôi việc vì hành vi đánh, kéo tai học trò xuất hiện trong clip quay lén, cô N.H.H. (giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú, TP.HCM) đã gửi đơn "khẩn thiết xin cứu xét" lên Bộ GD&ĐT. Đơn cũng được cô gửi lên lãnh đạo quận Tân Phú - nơi ra quyết định kỷ luật; Thành ủy TP.HCM và UBND TP.HCM.

Theo đơn "cứu xét", cô H. nhận sai và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, theo cô, quyết định buộc thôi việc cô là quá nặng, chưa công tâm, chưa xem xét toàn diện mọi vấn đề, ngọn nguồn sự việc. Cô mong muốn được xem xét lại hình thức kỷ luật vì đuổi việc là quá nặng. Trước đó, ngày 22/10, UBND quận Tân Phú đã ra quyết định buộc thôi việc đối với cô N.H.H do đã có những hành vi bạo hành học sinh.

Hình ảnh cô N.H.H véo tai, đánh học sinh trong lớp được camera ghi lại.

Hình ảnh cô N.H.H véo tai, đánh học sinh trong lớp được camera ghi lại.

Sự việc cụ thể như sau, tối 5/10, phụ huynh lớp 2/11, trường tiểu học Phan Chu Trinh cung cấp cho báo chí đoạn video ghi lại hình ảnh cô giáo lớp 2/11 liên tục đánh, tát tai, véo tai và mắng chửi học sinh trong 4 ngày cuối tháng 8.

Trong khi cô giáo N.H.H gửi đơn cho rằng hình thức kỷ luật là nặng, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc đánh học sinh trên lớp là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Trước đó, trường hợp một giáo viên đánh học sinh trong lớp học xảy ra tại trường Tiểu học Quán Toan (Hải Phòng) hồi tháng 5 vừa qua cũng nhận hình thức buộc thôi việc.

Lấy dẫn chứng từ nhiều vụ việc giáo viên đánh học sinh trong thời gian qua, bị lên án, một số giáo viên bị buộc thôi việc, GS. Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trước hết, giáo viên đánh học sinh là không thể chấp nhận được, bởi điều này không được phép và không thể lấy lý do để biện minh. Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản nêu rõ nghiêm cấm và xử phạt đối với giáo viên đánh học sinh.

"Đã có biết bao nhiêu trường hợp giáo viên vi phạm đánh học sinh, bị kỷ luật nặng mà báo đài đăng tải rất nhiều nhưng vẫn có giáo viên vi phạm. Ngành giáo dục hiện nay có hơn một triệu giáo viên, cũng không tránh khỏi một bộ phận nhỏ có tư tưởng lệch lạc được phạt đánh học sinh, dù ít, nhưng gây ảnh hưởng đến ngành. Vì thế, cũng cần loại bỏ những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, không xứng đáng làm giáo viên" - GS. Phạm Minh Hạc chia sẻ.

Dưới góc độ quy định của pháp luật, theo Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hiện nay, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của Bộ GD&ĐT. Trong các hình thức kỷ luật đó, không có hình thức nào cho phép giáo viên được phép đánh đập, chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của học sinh.

Bởi vậy, mọi hành vi đánh, xúc phạm cho em đều là những hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất mức độ của anh vì tùy thuộc vào hậu quả mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Cũng theo luật sư Cường, trường hợp giáo viên đánh học sinh trên lớp học tuy chưa đủ truy cứu trách nhiệm hình sự (theo tỷ lệ thương tật), nhưng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của luật viên chức. Ngoài ra, hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ tiến hành xem xét kỷ luật viên chức theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo Điều 4, Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỉ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường hoàn trả của viên chức quy định: "Viên chức bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm pháp luật trong các trường hợp sau: 1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của viên chức và những việc viên chức không được làm quy định tại Luật viên chức; 2. Vi phạm các nghĩa vụ khác cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập...".

Tại Điều 9 Nghị định 27/2012/NĐ-CP có quy định về hình thức kỷ luật đối với viên chức như sau: Viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách; Cảnh cáo; Buộc thôi việc.

Ngô Hoàng Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/duoi-viec-giao-vien-danh-veo-tai-hoc-sinh-co-oan-20191024215527712.htm