Đuổi theo Putin: Trump muốn vượt qua Sarmat Nga

Nga đi trước Mỹ một bước về vũ khí – nhưng ai sẽ là người đến 'đích' trước?

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết với tiêu đề và phụ đề trên của hai chuyên gia quân sự Nga Viktor Sokirko và Vladislav Shurygin về cuộc chạy đua vũ trang Nga- Mỹ. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 14/7/2020, cách hành văn có hơi bỗ bã một chút, xin bạn đọc thông cảm.

1. Viktor Sokirko

Trên ảnh: phóng tên lửa “Sarmat” (Ảnh: Global Look Press)

Trên ảnh: phóng tên lửa “Sarmat” (Ảnh: Global Look Press)

Vladimir Putin rất thích “chèn” vào các bài phát biểu của mình một cụm từ rằng trong nhiều lĩnh vực Nga đã và cần phải “đi trước một bước”.

Ông dùng câu nói có cánh này cho cả lĩnh vực cung cấp các dịch vụ vũ trụ, giáo dục, và, dĩ nhiên, cả về lĩnh vực vũ khí- trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

Xét về mặt nguyên tắc, đó là một cách giải thích bình thường để nêu bật quan điểm của nhà lãnh đạo một trong những cường quốc thế giới đang muốn lấy lại vị trí xứng đáng trên trường quốc tế và đồng thời cũng phải đảm bảo được sự bất khả xâm phạm (an ninh) của mình.

Do đó, đối với chúng ta (người Nga), pháo vẫn được coi trọng hơn bơ và những người về hưu Nga đành phải tự hào về những loại vũ khí tốt nhất trên thế giới, chứ chưa phải là đã được hãnh diện với cái khoản trợ cấp “còm” khốn khổ cho những ngày tháng tuổi già sau nhiều năm trời lao động cống hiến. Nhưng thôi, đó là một chủ đề khác.

“Cuộc chạy đua vũ trang” trong thời kỳ “Chiến tranh Lạnh” giữa Liên Xô và Phương Tây (chủ yếu là Mỹ), đã không đi vào cõi Quên lãng, và vẫn không biến mất– vào thời điểm nay, “công cuộc” sản xuất các loại vũ khí mới đối với nhiều quốc gia vẫn là nền tảng để đảm bảo an ninh và duy trì ảnh hưởng của mình đối với nền chính trị thế giới.

Sự cân bằng về (sức mạnh) vũ khí giữa Liên Xô và Hoa Kỳ đã từng đạt được vào một số thời điểm nhất định trong quá khứ đã không còn nữa.

Thời kỳ đầu, cán cân sức mạnh nghiêng về phía người Mỹ- nguyên nhân chính là do Liên Xô sụp đổ, nhưng không lâu sau đó, Nga lại đã gây bất ngờ cho nhiều nước vì củng cố được sức mạnh quân sự của mình và cho “trình làng” một số loại vũ khí mới nhất, trong đó có các tổ hợp tên lửa và cả vũ khí siêu thanh (M>5). Và quả thực, trong những lĩnh vực này, Nga đúng là đã “đi trước một bước” thật.

2. Vladislav Shurygin

— Hoa Kỳ hiện đang ở vị trí của kẻ chạy đuổi theo, cả chạy theo Nga lẫn Trung Quốc. Mỹ phải công khai thừa nhận Quân đội Nga là thế lực quân sự mạnh thứ hai trên thế giới và Trung Quốc- thứ ba.

Mới khoảng 10 năm trước thôi, họ kiên quyết "không nhận ra thực tế này” và không thèm coi cả Nga và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh của mình trong lĩnh vực quân sự.

Quân đội Mỹ hiện giờ chưa có thêm những tiềm năng tấn công mới, và theo quán tính, vẫn cứ nghĩ rằng mình có thể duy trì được vai trò lãnh đạo cả thế giới bằng các “lưỡi lê cũ” của các tàu sân bay, xe tăng “Abrams”, các máy bay tiêm kích F-16, các máy bay ném bom B-52 và B-1.

Tuy nhiên, chúng ta không nên ngây thơ - ngân sách quân sự của Mỹ năm 2020 là 750 tỷ USD, tương đương với chi tiêu quốc phòng của tất cả các nước trên thế giới cộng lại và gấp 16 lần ngân sách quốc phòng của Nga (Nga đứng thứ 7 về chi tiêu quân sự trên thế giới - SP).

Và nếu Nga có một số lượng lớn xe tăng và pháo, bây giờ thì cộng thêm một số vũ khí siêu thanh nữa, thì điều đó cũng không có nghĩa là Nga đã vượt trội hoàn toàn so với đối phương tiềm năng.

Tổng thống Donald Trump sau khi thừa nhận rằng ngân sách quân sự Mỹ năm nay đạt mức cao nhất trong toàn bộ lịch sử chi tiêu quốc phòng của nước này đã lập luận rằng như vậy là cần thiết để tiến hành một cuộc “đấu tranh mạnh mẽ hơn chống lại Nga và Trung Quốc”.

Theo học thuyết của D.Trump, thì chính những quốc gia này (Nga và Trung Quốc) đang là mối đe dọa lớn nhất đối với các lợi ích của Mỹ.

Lầu Năm Góc sẽ chi rất nhiều tiền không chỉ cho việc xây dựng mới và duy trì các căn cứ quân sự, huấn luyện bộ đội, mà còn cả cho việc sản xuất vũ khí, trong đó có cả những mẫu vũ khí mới nhất.

D. Trump, tất nhiên, cũng là một “cán bộ tuyên truyền và cổ động” có hạng, trong các “lĩnh vực” như đưa ra các tuyên bố về ưu thế và sự vĩ đại của Mỹ, thì có lẽ, ông còn trên tài Putin.

Nhưng ở đây có một điểm cần lưu ý là V.Putin “dọa thế giới” bằng những mẫu vũ khí hoặc đã được chế tạo, hoặc là đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Còn với D. Trump, thì trong các bài phát biểu hùng biện của mình, giả định nhiều hơn là sự kiện. Được khích lệ bởi lần phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Crew Dragon, ông tuyên bố Hoa Kỳ sẽ sớm có “loại vũ khí vĩ đại nhất” và kết luận rằng “không thể trở thành số một trên Trái đất nếu chỉ là số hai trong Vũ trụ”.

Ông nói: “Chúng ta (Mỹ) sẽ làm cho cả thế giới này phải ghen tỵ và sẽ sớm đáp xuống Sao Hỏa, chúng ta sẽ có những mẫu vũ khí vĩ đại nhất trong lịch sử”- những câu phát biểu trên của D.Trump đã phủ một cái bóng đen lên đầu giám đốc “Roscosmos” (Cơ quan vũ trụ Nga) Dmitry Rogozin- người cũng vừa mới khoe kế hoạch chinh phục Mặt Trăng và đổ bộ lên Sao Hỏa của Nga.

Hiện giờ vẫn còn nhiều điểm đáng nghi vì không có các bằng chứng xác thực quanh khẳng định chắc nịch của D. Trump rằng các chuyên gia Mỹ đang chế tạo một kiểu tên lửa siêu thanh có tốc độ nhanh gấp 17 lần tốc độ tất cả các tên lửa tương tự hiện có trên thế giới.

Theo D. Trump thì Mỹ hiện đang có những phát minh mà không một ai có thể hình dung nổi. Đến đây thì có lẽ nên “làm dịu” bầu không khí căng thẳng vì vũ khí để dẫn lại một câu chuyện tiếu lâm khá cũ nhưng có lẽ có liên quan ít nhiều như sau:

Tại Hội nghị quốc tế tập hợp các bác sỹ giỏi nhất trên thế giới, một vị giáo sư Trường Đại học Y Texas (Mỹ) lên diễn đàn trình bày những thành tựu của nền khoa học Mỹ, và để dẫn chứng, ông lấy ví dụ trường hợp một người đàn ông Mỹ khi ngã từ tòa nhà chọc trời xuống đã tiếp đất mạnh đến nỗi đôi mắt bị bắn tung ra ngoài.

Tuy nhiên, nhờ có tiêm thuốc, tiêm vắc-xin, tiến hành các cuộc phẫu thuật cực kỳ phức tạp, làm một đôi mắt mới từ gỗ gụ ... - nên anh ta vẫn sống và sống tốt, thậm chí còn giành được chức vô địch trong trong một cuộc thi bắn cung quốc gia.

Đến lượt vị giáo sư người Nga lên phát biểu, ông chỉ kể rằng có một tay muzich (nông dân) Nga ngã lộn cổ từ máy cắt cỏ xuống và lưỡi dao máy cắt có đã lia trúng và cắt phăng “cái ấy” của anh ta.

Tuy nhiên, tay y sỹ của trạm y tế thôn lại rất bình tĩnh, anh này cắt ngay một núm vú trong bầu vú của một con bò sữa đang gặm cỏ gần đỏ, “khâu lại”, tiêm thêm một mũi- và thế là tay nông dân Nga này sau đó còn có được thêm ba đứa con nữa.

Ông giáo sư người Mỹ điên tiết: ‘Làm sao lại có thể như vậy được! Ai là người chứng kiến chuyện này? Câu trả lời của giáo sư Nga: "Vâng, chính cái lão gàn với đôi mắt bằng gỗ của các vị đã nhìn thấy !".

Nhìn chung, trong các tuyên bố của D.Trump tuy có khá nhiều trí tưởng tượng về việc chế tạo các “siêu- siêu tên lửa”, nhưng cũng có nhiều thứ (tên lửa) trên thực tế quả thực là có thể tấn công bất kỳ một mục tiêu nào trên lãnh thổ Nga.

Đó là, lấy ví dụ cụ thể, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới với cái tên viết tắt là GBSD (Ground based strategic deterrent - kiềm chế chiến lược trên mặt đất).

Kiểu tên lửa này sẽ thay thế 450 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa LGM-30G Minuteman III được đưa vào trang bị từ những năm 1970 và hiện đang trực chiến tại ba căn cứ của Không quân Hoa Kỳ- những tên lửa này dù đã được hiện đại hóa- cải tiến nhiều lần nhưng đã lạc hậu và việc tiếp tục sử dụng chúng đã bị coi là không còn phù hợp nữa.

Tên lửa mới này của Mỹ được cho là đối thủ cạnh tranh rất xứng tầm với tổ hợp tên lửa Nga RS-28 “Sarmat”.

Phóng tên lửa LGM-30G Minuteman III ngày 8/6/1994.++

` Các tính năng kỹ- chiến thuật cụ thể của GBSD không được công bố ầm ỹ (D.Trump khác với V. Putin ở chỗ là ông không tỏ ra quan tâm thái quá đến những vũ khí mới của mình), nhưng các chuyên gia đã nói tới những ưu thế của nó trước “Sarmat”.

Xét theo các tính năng kỹ- chiến thuật của tên lửa Nga, chúng ta được biết là với tầm bắn 16.000- 18.000 km, một quả tên lửa “Sarmat” khi tấn công kẻ thù tiềm năng sẽ tách thành mười (hoặc nhiều hơn, trong đó có cả các khối tác chiến giả) khối tác chiến siêu thanh tự dẫn – những khối tác chiến này công kích mục tiêu theo những quỹ đạo không thể dự đoán trước để đảm bảo chắc chắn chọc thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương.

Có thể khẳng định rằng sức mạnh của GBSD Mỹ sẽ tương đương với “Sarmat” Nga, nhưng nó sẽ xuất hiện muộn hơn - theo các kế hoạch của Lầu Năm Góc thì những GBSD đầu tiên của dự án này sẽ được đưa vào trực chiến trong năm 2027 và chúng sẽ thay thế hoàn toàn các Minuteman III trước năm 2036. Và đúng là ở đây, Putin lại “đi trước một bước”.

Tổng thống của chúng ta (Nga) đã từng nói: “Trong trang bị của quân đội các nước hàng đầu thế giới, dĩ nhiên, sẽ xuất hiện (các mẫu vũ khí như Nga-ND). Nhưng đến thời điểm đó, chúng ta lại đã có một cái gì khác rồi”.

Như Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Aleksey Krivoruchko vừa tuyên bố thì các tên lửa “Sarmat” sản xuất hàng loạt đầu tiên sẽ được đưa vào trang bị cho Bộ đội Tên lửa Chiến lược Nga vào năm 2021, còn hiện nay- những tổ hợp này đang trực chiến thử nghiệm và kiểm trả tại một trong các trung đoàn của Binh đoàn (sư đoàn) Tên lửa Chiến lược Uzhur (tức Sư đoàn Tên lửa số 62 đóng quân tại khu Krasnaiarsk – Sibiri).

Khi chạy đuổi theo “Sarmat”, Mỹ còn phải cạnh tranh về tốc độ với “Avangard”, “Zircon” và “Kinzhal” của Nga. Vũ khí siêu thanh của Putin – đúng là một cơn đau đầu đối với Tổng thống Mỹ Trump, tuy nhiên, D. Trump cũng đang tràn trề hy vọng sẽ phục thù được trong một cuộc đua marathon lâu dài hơn.

Vì thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi khoản chi phi cho riêng việc chế tạo các tên lửa chiến lược Mỹ cũng đã lên tới 85 tỷ đô la cho đến cuối năm 2020 và tổng số tiền chi cho dự án này dự kiến có thể lên tới một nghìn tỷ đô la.

Đuổi theo, tất nhiên, bao giờ cũng tốn kém hơn. Nhân đây, cũng nên nhắc thêm một ý là ngân sách quân sự của Nga, theo chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Xergey Shoigu, thì trong năm nay (2020) đã tụt xuống vị trí thứ chín trong bảng xếp hạng thế giới, mặc dù đã tăng tới 6,6% (so với 2019).

Có lẽ người Mỹ nên nghĩ tới một cách chi tiêu nào đó hợp lý hơn chăng?

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/duoi-theo-putin-trump-muon-vuot-qua-sarmat-nga-3413574/