Dưới tán rừng Mù Cang Chải: [Bài II] Tưng bừng mùa hoa

Trong những ngày đông rừng Mù Cang Chải ủ ê chìm ngập mây mù và giá lạnh. Cây cối như tích trữ năng lượng để mùa xuân tới tưng bừng nở hoa…

 Cánh đồng hoa cải dầu xã Nậm Khắt.

Cánh đồng hoa cải dầu xã Nậm Khắt.

Trận mưa tuyết đêm 23/1/2016 khiến toàn bộ núi rừng Mù Cang Chải chìm ngập trong màu tang băng giá.

Đợt rét đã quật ngã 1.388 con gia súc, làm chết 500 thùng ong của người dân Mù Cang Chải, nhiều gia đình nuôi ong ở xã Nậm Khắt, Púng Luông, Kim Nọi, Mồ Dề… trắng tay không còn một đàn ong.

Gia đình anh Giàng A Khày ở xã Nậm Khắt có gần 100 thùng ong sau rét chết không còn một mống, còn gia đình anh Nguyễn Văn Toản ở xã Dế Xu Phình sau nhiều năm gây dựng được 300 thùng tất cả đều chết sạch. Trị giá mỗi thùng ong bình quân 2 - 3 triệu đồng thì cả trăm triệu đồng của hai hộ nuôi ong này đã tan thành mây khói.

Rét đã làm nhiều khu rừng sơn tra xơ xác vì tuyết, người dân lo lắng sẽ mất mùa sơn tra vì đàn ong cùng nhiều loài côn trùng thụ phấn cho hoa đã chết gần hết.

Nhưng họ không thể ngờ rằng chính trận mưa tuyết đã ủ sức sống mãnh liệt cho cây cỏ để mùa xuân tới người ta bất chợt nhìn lên các sườn núi hoa nở rực rỡ, tưng bừng muôn loài hoa. Hoa đào và hoa tớ dầy rực hồng quanh các thôn bản và trên các sườn núi, hoa sơn tra trắng đục như mây khắp núi rừng cùng muôn loài hoa khoe sắc.

Trước khi mùa đông đến, người dân Mù Cang Chải đưa đàn ong vào rừng tránh rét cũng là để đón mùa hoa khi mùa xuân tới. Phó chủ tịch xã Nậm Khắt Lý A Sử cho biết, sau trận rét năm 2016 đàn ong của Nậm Khắt chết khá nhiều, bà con cố gắng phục hồi, đến nay toàn xã có 2.049 đàn, nhiều nhất thôn Lả Khắt có 539 đàn, hai thôn Cáng Dông và Xua Lông mỗi thôn trên 300 đàn. Mỗi tổ một năm thu 4 lít mật, tính ra Nậm Khắt một năm thu trên 8.000 lít mật ong…

Khu nuôi ong trên rừng của gia đình Giàng A Chẩu.

Mù Cang Chải hiện có khoảng 10.000 đàn ong, mỗi năm thu chừng 40.000 lít mật ong rừng, điều đó đã làm tôi kinh ngạc và ngờ rằng có điều gì không thật ở đây? Trang A Páo - cán bộ Ban quản lý rừng - bảo tôi: Cháu dẫn chú lên khu nuôi ong của gia đình Giàng A Chầu trên núi cách đây chừng hai cây số để chú tận mắt nhìn thấy đàn ong nhà ông Chầu nuôi trong rừng như thế nào.

Con đường ngược núi tôi đã kể kỳ trước, dốc như sống mũi ngựa, ngoằn nghèo chui qua những bụi cây rừng khiến mặt mũi tôi bị cào xây xước.

Giàng A Chầu bảo vệ tiểu khu 358, khoảnh 6 nằm trên độ cao gần 2.000m. Đây là khu rừng tái sinh nhưng cây khá dày, ông dựng một ngôi nhà nhỏ để trông đàn ong hơn 40 tổ. Nhìn dòng chữ ghi trên vách thì ông Chầu mới di chuyển đàn ong lên rừng cách đây vài tháng. Đàn ong được đặt dưới các gốc cây, trên mỗi tổ đều đậy tấm Fibro xi măng chống mưa làm ướt tổ.

Vào đầu mùa đông hoa rừng không nhiều như mùa xuân và mùa hạ, cuối thu hoa đã bớt dần nhưng đàn ong vẫn cần mẫn đi về. Páo bảo tôi: Mùa xuân nắng ấm chú lên đây nghe ong bay rì rào như gió thổi, cả bầu trời đen đặc ong.

Nói rồi Páo nhấc một cầu ong trong tổ giơ lên cho tôi xem rồi bảo: Tổ này chủ nhà lấy cách đây gần hai tháng, họ để lại khá nhiều mật dự trữ cho đàn ong sống qua mùa đông. Trên Mù Cang Chải không gia đình nào nuôi ong bằng đường, họ nuôi ong bằng hoa rừng. Cứ nhìn mật ong là biết hoa nào, hoa lúa và hoa cải thì mật ong màu vàng, hoa sơn tra thì màu nâu nhạt, hoa trà rừng thì màu trắng đục, hoa thảo quả thì đỏ sậm nom rất bắt mắt…

Lại nhớ mùa hoa cải vàng năm 2017 tôi lên Nậm Khắt cả cánh đồng nhuộm toàn một màu hoa cải vàng rực rỡ trong nắng. Đẹp đến mê hồn, mỗi ngày có cả trăm người đến đây chụp ảnh. Trưởng phòng Nông nghiệp Phạm Tiến Lâm chính là con trai chị Phạm Thị Tiến đã hy sinh vì màu xanh của rừng, năm đó anh mới mấy tháng tuổi.

Lâm bảo tôi: Xã Nậm Khắt nằm trên độ cao 1.300 - 1.400m, nên chỉ cấy được một vụ, đây là năm đầu tiên Công ty Thịnh Đạt đưa cây cải dầu trồng trên đất một vụ… Nắng hanh hanh càng khiến hoa cải vàng thêm rực rỡ, nghe tiếng ong bay ríu rít mà thấy vui lây.

Tăng Văn Thuận (giữa) đang hướng dẫn cách chụp bao hoa cho người làm thuê

Trở lại Nậm Khắt lần này, nơi thung lũng hoa cải năm nào giờ đã thay bằng thung lũng hoa hồng. Đỗ Xuân Công là người trồng hoa ở Mê Linh (Hà Nội) lên Nậm Khắt thuê đất trồng hoa. Chuyện về Công rất dài sẽ kể vào dịp khác, năm 2001 anh lên thành phố Sơn La thuê 3ha đất trồng hoa.

Tuy nhiên, anh vẫn mơ ước một vùng đất với điều kiện đất đai và khí hậu tương tự như Sa Pa để mở rộng diện tích trồng những giống hoa quý đang được thị trường ưa chuộng.

Khi lên xã Ngọc Chiến, huyện Mường La tìm đất thuê trồng hoa nhưng không thành, từ Ngọc Chiến anh sang Nậm Khắt, khi đặt chân tới đây, nhìn vùng đất khá bằng phẳng lại nằm trên độ cao 1.400m quanh năm giá lạnh anh đã thốt lên: Nậm Khắt là Sa Pa thứ hai đây rồi… Thế là anh quyết định kêu gọi thêm 7 người bạn trồng hoa ở các nơi tới đây thành lập HTX hoa Nậm Khắt.

Tháng 10/2019 anh đã hoàn thành việc thương thảo thuê 10ha đất ruộng một vụ của người dân với giá 35 triệu/ha/năm, thời gian thuê 10 năm trên cánh đồng 30ha được quy hoạch trồng hoa cao cấp ở xã Nậm Khắt.

HTX hoa Nậm Khắt chính thức ra đời ngày 26/11/2019 do anh Đỗ Xuân Công làm giám đốc, cánh đồng hoa được khởi công xây dựng ngay trong ngày thành lập. Cuộc dồn điền từ những thửa ruộng bậc thang bé như lòng bàn tay thành các ô ruộng lớn được máy móc đánh thành các luống hoa thẳng tắp.

Lần này tôi lên Nậm Khắt nghe nói Đỗ Xuân Công đã chuyển sang Sơn La, đảm nhận chức giám đốc hợp tác xã là Trần Văn Vĩ. Anh cũng là một trong những người đầu tiên lên Nậm Khắt thuê đất trồng hoa. Vốn ít nói, anh cho biết mình đã thuê 3ha trồng hoa, từ cuối năm ngoái đến nay đã bán 2 lứa hoa, được hơn 20 vạn bông. Do hoa Nậm khắt không kém gì hoa Sa Pa nên các đầu mối mua hoa khắp nơi đến đặt, nên có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Cạnh khu đất trồng hoa của Trần Văn Vĩ là khu đất trồng tỏi của Nguyễn Xuân Thiện sinh năm 1986. Do mê mảnh đất Nậm Khắt đến nỗi anh “bê” luôn cả vợ và hai con lên Nậm Khắt thuê đất trồng tỏi. Hôm tôi lên anh đi vắng chỉ vợ anh ở nhà, chị Nguyễn Thị Kim Thư, chị cho biết gia đình đã thuê gần 3 ha đất trồng tỏi cô đơn và tỏi Phù Yên. Hiện đang sản xuất giống, tổng số vốn đầu tư khoảng một tỷ rồi. Vợ chồng chị đang phối hợp với một người ở Hà Nội dự kiến sẽ thuê thêm 10ha đất nữa để trồng tỏi.

Cánh đồng tỏi của gia đình Nguyễn Thị Kim Thư.

Cách con đường là cánh đồng hoa của Tăng Văn Thuận, gia đình Thuận thuê 2,2ha đất ở thôn Nậm Khắt để trồng hoa. Thật không thể tin nổi chàng thanh niên mới 24 tuổi lại có “máu” làm giàu đến như vậy, anh đưa vợ và hai con nhỏ lên mảnh đất mùa đông lạnh như kem để sống và trồng hoa.

Anh bảo: Vợ tôi bận trông hai con nhỏ, tôi phải thuê thêm 7 người để làm làm cỏ, cắt tỉa và chụp bao cho hoa... Tính ra mỗi ngày tiền công thuê lao động hết khoảng một triệu đồng, từ năm ngoái đến nay gia đình anh đã thu 3 lứa hoa, mỗi lứa 5 vạn bông được khoảng 300 triệu rồi.

Cánh đồng hoa Nậm Khắt với diện tích 19,7ha, trồng đủ các loài hoa hồng với rất nhiều màu sắc, hoa ở đây bông to, cánh dày, tươi lâu nên người chơi hoa mê mẩn. Thuận bảo: Năm ngoái giá hoa cao, nhưng năm nay do dịch Covid-19, giá chỉ còn 1.800 - 2.000 đồng/bông nên cũng hơi oải, nhưng được cái có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu…

Thái Sinh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ii-tung-bung-mua-hoa-d278109.html