Đuối nước và nỗi lo hè đến

2000 trẻ em mất đi sinh mạng mỗi năm do đuối nước ở Việt Nam. Những con số này khiến Việt Nam có tỷ lệ đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Báo cáo thống kê của Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB-XH chỉ ra rằng đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em và người chưa thành niên tại Việt Nam.

Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2015 có khoảng có khoảng 3000 trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2016, số trẻ em tử vong do đuối nước khoảng 2.110 em.

 Hàng xóm bàng hoàng khi hay tin hai anh em ruột tử vong do đuối nước ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền vào chiều ngày 18/4 vừa rồi.

Hàng xóm bàng hoàng khi hay tin hai anh em ruột tử vong do đuối nước ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền vào chiều ngày 18/4 vừa rồi.

Trong khi các cơ quan ban ngành đang tìm kiếm giải pháp hạn chế tình trạng đuối nước thì những cái chết thương tâm về đuối nước vẫn cứ diễn ra hằng ngày.

Cách đây vài hôm, trên địa bàn Thừa Thiên-Huế đã có 3 trẻ chết đuối. Những nạn nhân này đang trong độ tuổi đi học. Chiều 18/4 hai anh em ruột trong một gia đình ở xã Phong Hải, huyện Phong Điền ra biển tắm, nhưng không may cả hai bị sóng cuốn trôi. Nhiều giờ sau người dân tìm thấy thi thể hai em, rồi đưa về lo hậu sự. Một nỗi đau quá lớn bủa vây đến gia đình. Hai em mất khi chỉ chưa tròn 10 tuổi.

Khi vụ việc hai em diễn ra thì cách đó không lâu, trưa cùng ngày tại biển huyện Phú Vang, lực lượng tìm kiếm và người dân cũng đã tìm thấy thi thể một em học sinh khác chết đuối do tắm biển.

Hè đến, những nỗi lo về đuối nước cứ thế bủa vây gia đình, xã hội. Những cái chết về đuối nước cứ tăng lên, hôm này tỉnh này có người bị, hôm sau tỉnh, thành khác có người bị. Đa phần đều rơi vào độ tuổi học sinh.

Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin, trong vòng chưa đầy 20 ngày từ 6, 11, 25/3 đã có 6 trẻ Gia Lai chết đuối. Những cái chết của các em đều giống nhau, nắng nóng đi chơi gặp ao, hồ nhảy xuống tắm, bất ngờ vào phải vùng nước sâu rồi gặp nạn.

Việt Nam đã có rất nhiều những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhưng rồi tình trạng đuối nước vẫn cứ ở mức cao. Thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2015 cho thấy tỷ lệ đuối nước ở Việt Nam cao thứ hai trên thế giới.

Trung bình mỗi năm ở Việt Nam có 2000 trẻ tử vong do đuối nước. Tuy nhiên có một số thời điểm con số này chưa chính xác vì một số địa phương không báo cáo, và chậm báo cáo. Năm 2016, đã có 14 địa phương không báo cáo; năm 2017, tất cả 63 địa phương đều có báo cáo về tai nạn thương tích, nhưng chỉ có 48 địa phương ghi chép tốt và báo cáo đúng thời hạn. Còn hàng chục địa phương báo cáo số liệu chưa chính xác, số liệu chênh lệch giữa tổng số mắc, chết.

Dù chưa chính xác về số liệu, nhưng trung bình 2000 trẻ tử vong do đuối nước một năm cũng là con số quá cao và đáng báo động. Những cái chết do đuối nước và đặt biệt là chết một lúc 8-9 em trong một hồ, ao là hồi chuông đáng báo động về tình trạng này.

Báo chí liên tục đưa tin về những cái chết liên quan đến đuối nước, hầu như tháng nào cũng có một vài trường hợp. Tuy nhiên, đỉnh điểm nhất vẫn là những tháng vào hè, trời nóng bức, các em không đến trường, thiếu sự giám sát. Vậy, biện pháp nào cho việc giảm những cái chết đau lòng mỗi khi hè đến.

Cứ sau một vài cái chết đau lòng của trẻ em liên quan đến sông nước thì lại thấy một số nơi dạy bơi, tập kỹ năng khi xuống nước cho các em. Nhưng rồi được một vài hôm sau lại đâu vào đó. Chưa có một giải pháp, một biện pháp cụ thể dài hơi để khắc phục, hạn chế đuối nước ở trẻ em.

Nhiều người đưa ra ý kiến là đưa môn bơi vào thành môn chính trong giáo trình. Bộ GD&ĐT cũng đang tính toán để đưa bộ môn này vào chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, kỹ năng dạy của thầy cô và cơ sở hạ tầng là điểm hạn chế trong việc thực hiện bộ môn này. Nhiều thầy cô giáo cho rằng sẽ đánh giá học sinh như thế nào khi đưa môn bơi vào học chính; đánh giá đạt hay không đạt. Và đối với những em sợ nước, thể chất yếu thì đánh giá thế nào?

Trong khi người lớn vẫn cứ loay hoay với các biện pháp để hạn chế tình trạng đuối nước thì những cái chết cứ đến với các em bất kể thời điểm.

Để rồi, khi một mùa hè lại đến thì nỗi lo đó càng chất chứa.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/duoi-nuoc-va-noi-lo-he-den-162142.html