Đuối nước là nguyên nhân đứng thứ hai của tử vong trẻ em

'Tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, các ca tử vong đều có thể phòng chống. Chúng tôi kêu gọi toàn thế giới chung tay bảo vệ trẻ em' - TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá, tỷ lệ trẻ em Việt Nam tử vong do tai nạn thương tích giảm 30% trong 10 năm song vẫn còn cao, cần sự tham gia của nhiều ngành, giáo dục, văn hóa và sự cam kết của Chính phủ, sự đóng góp của địa phương để giảm tỷ lệ này.

"Tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, các ca tử vong đều có thể phòng chống. Chúng tôi kêu gọi toàn thế giới chung tay bảo vệ trẻ em" - TS Kidong Park nói.

Mục tiêu đến năm 2025 là 90% trẻ em trong cả nước biết kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn, an toàn giao thông; 50% trẻ em biết bơi; 90% cha mẹ có kỹ năng phòng chống tai nạn. Ảnh minh họa

Mục tiêu đến năm 2025 là 90% trẻ em trong cả nước biết kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn, an toàn giao thông; 50% trẻ em biết bơi; 90% cha mẹ có kỹ năng phòng chống tai nạn. Ảnh minh họa

Tại Hội thảo góp ý Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các đối tác tổ chức ngày 29/10, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, tai nạn thương tích trẻ em đã giảm, song công tác phòng chống còn nhiều thách thức, kiến thức của cộng đồng và người chăm sóc trẻ còn hạn chế. Việc chuẩn bị cho chương trình tới là cơ hội tốt để rà soát công tác phòng chống, xác định nguyên nhân hàng đầu, học tập kinh nghiệm quốc tế.

Theo bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam (GHAI) cho biết theo báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu, mỗi năm trên toàn thế giới có 524.000 trường hợp tử vong trẻ em dưới 15 tuổi do tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, hàng chục triệu trẻ em cần được chăm sóc tại bệnh viện. 95% tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Đuối nước là nguyên nhân đứng thứ hai của tử vong trẻ em.

GHAI đồng hành cùng Bộ LĐ-TB&XH thí điểm triển khai chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tại tỉnh Sóc Trăng.

Từ năm 2018, GHAI đồng hành cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành, 8 tỉnh thí điểm triển khai chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em. Với khoản hỗ trợ 2,4 triệu USD, chương trình đã đào tạo hơn 13.300 trẻ em học bơi, hơn 17.000 trẻ em học kĩ năng an toàn trong môi trường nước và nâng cao năng lực quản lý, điều phối chương trình và các chiến dịch truyền thông qui mô.

Thay mặt cho Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ, GHAI khẳng định trong 2 năm tới tiếp tục hỗ trợ bổ sung 1,6 triệu USD dành riêng cho chương trình phòng chống đuối nước. Đồng thời, GHAI sẽ mở rộng phạm vi thực hiện chương trình tại 12 tỉnh.

"Mục tiêu của chúng tôi là dạy bơi an toàn cho ít nhất 20.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 48.000 trẻ em và đào tạo kĩ năng an toàn cho hơn 35.000 phụ huynh, giáo viên" - bà Huyền thông tin.

Dự thảo Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 là 90% trẻ em trong cả nước biết kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn, an toàn giao thông; 50% trẻ em biết bơi; 90% cha mẹ có kỹ năng phòng chống tai nạn. Toàn bộ tỉnh, thành có kế hoạch và tổ chức thí điểm dạy bơi cho học sinh. Đến năm 2030, các chỉ số này tăng thêm 5-10%.

Ngoài ra, tỷ suất trẻ bị tai nạn, thương tích giảm xuống 550/100.000; 7 triệu gia đình đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn, 12.000 trường học an toàn.

M.Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/duoi-nuoc-la-nguyen-nhan-dung-thu-hai-cua-tu-vong-tre-em-20201030080106846.htm