Đuối nước - hiểm họa đe dọa hàng nghìn trẻ em

Thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu sự quan tâm và cả sự đầu tư khiến hàng nghìn trẻ đang phải đối mặt với nguy cơ bị đuối nước mỗi ngày.

Mỗi ngày có 5-6 trẻ chết đuối

Mới đây, sáng 28.5, tin từ xã Quảng Sơn (huyện Đăk G’Long, tỉnh Đăk Nông) cho biết, hai anh em là cháu H.L. Ng (SN 2010) và H.P.T (SN 2013, trú tại thôn 1A, xã Quảng Sơn) ra ao chơi và bị đuối nước tử vong.

Ngày 23.5, ông Vi Văn Chín – Chủ tịch UBND xã Châu Thôn, huyện Quế Phong (Nghệ An) - cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 2 chị em họ là cháu Hoa (SN 2007) và cháu Châu (SN 2008) tử vong. Theo lời kể, có 3 cháu rủ nhau đi soi nhái về cải thiện bữa ăn thì 1 cháu bị rơi xuống ao, một cháu khác nhảy xuống cứu cũng tử vong.

Trẻ em nông thôn vui chơi, bơi lội ở sông suối, ao hồ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Ngày 12.5, tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 anh em họ tử vong. Trước đó, 2 em đã cùng 3 trẻ khác rủ nhau đi tắm ở ao nước sâu.

Còn ngày 9.5, ông Nguyễn Ngọc Minh - Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy Đức cho biết, trên địa bàn xã Đăk Buk So (huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông) vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 4 học sinh tử vong, 2 em khác nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Thông tin từ địa phương cho biết sau giờ học 6 em học sinh đã rủ nhau ra hồ tại thôn 1, xã Đăk Buk So để chơi. Trong khi chơi có một em bị trượt chân rơi xuống hồ, 5 em còn lại đã nhảy xuống cứu nhưng tất cả các em không biết bơi nên đều bị đuối nước.

Ngày 1.5, có 4 học sinh tại xã Hương Liên, (Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) cùng đi bơi và 3 em bị đuối nước tử vong, chỉ cứu được 1 em. Cùng ngày, 2 học sinh ở Quảng Ngãi đã gặp nạn khi tắm biển và tử vong.

Trẻ em không nên bơi lội ở những nơi sông suối, ao hồ, có vùng nước xoáy nguy hiểm (ảnh minh họa).

"Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, trong đó mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm 6% trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 40% trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước”.

Bà Nguyễn Thị Hà –
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

Theo số liệu thống kê, trong các loại hình tai nạn thương tích, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi. Vài năm gần đây, trung bình hàng năm ở Việt Nam có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước, tức là mỗi ngày có khoảng 5-6 trẻ chết do đuối nước.

Ứng phó còn lúng túng

Trong nhiều năm nay, cứ mỗi lần hè về, nỗi lo về đuối nước trẻ em lại được cảnh báo. Các cấp, các ngành được kêu gọi vào cuộc để phòng chống đuối nước cho trẻ. Tuy nhiên, hàng ngày, hàng tháng chúng ta vẫn thấy các tin tức thương tâm về đuối nước trẻ em. Nhiều gia đình cùng lúc mất đi 2-3 đứa trẻ.

Trước đó, theo báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH, mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.000 trẻ em gặp phải các tai nạn thương tích. Trong giai đoạn 2013-2015, số trẻ em tử vong do đuối nước dao động trong khoảng 3.500 em/năm. Những năm gần đây con số này đã giảm xuống còn khoảng hơn 2.800 trẻ/năm. Mặc dù số trẻ bị tử vong do đuối nước có giảm nhưng con số vẫn còn rất lớn.

Lý giải cho việc dù địa phương có nhiều chương trình hành động, nhưng trẻ em bị đuối nước tử vong vẫn còn cao, ông Nguyễn Trọng An – chuyên gia về trẻ em cho rằng: “Điều quan trọng không phải chỉ là dạy bơi, mà còn phải dạy cho trẻ những kỹ năng ở dưới nước an toàn. Ví dụ đi bơi ở ao, hồ thì phải có áo phao. Chỉ đi bơi khi có người lớn giám sát trên bờ. Khi gặp bất trắc thì phải xử lý, cấp cứu, cứu nạn thế nào. Cha mẹ, nhà trường phải chủ động hướng dẫn cho các em tìm đến những địa chỉ bơi lội an toàn, tránh xa những nơi sông suối, ao hồ, có vùng nước xoáy, nguy cơ cao. Chứ chỉ cấm thì càng khiến các em tò mò, kích thích chinh phục” – ông An nói.

Thêm vào đó, ông An cũng cho rằng các bộ, ngành có liên quan không nên chỉ dừng lại ở việc thí điểm dạy bơi, mà cần nâng lên thành một môn học chính khóa bắt buộc với trẻ em ở bậc tiểu học. Trong bộ môn bơi, cần dạy cả những kỹ năng xử lý khi ở dưới nước, kỹ năng cấp cứu khi xảy ra tai nạn, cách lựa chọn bể bơi, nơi bơi an toàn… Có như vậy mới giảm được tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước một cách triệt để.

Hàng năm ở Việt Nam có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước.

Mới đây trong lễ phát động toàn quốc phòng, chống đuối nước trẻ em, bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: “Việc dạy bơi, học bơi là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cần phải có giải pháp để xóa bỏ các nguy cơ đuối nước trẻ em. Vì thực tế, nhiều trẻ biết bơi vẫn gặp tai nạn đuối nước bởi không có hồ bơi an toàn, phải bơi ở sông hồ, suối sâu, dòng chảy dữ. Các em cũng thường đi bơi không có phao bơi, áo phao, đồ bảo hộ, không có người lớn giám hộ. Ngoài ra, những ao tù, hố nước, hố xây dựng ngay cạnh nhà, khu vui chơi cũng là những cái bẫy nguy hiểm khiến trẻ em bị nạn” - bà Hà nói.

Để phòng chống tai nạn đuối nước, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã thí điểm các mô hình dạy bơi an toàn cho trẻ em với tiêu chí: “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, “Trường học an toàn”, nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, thực tế triển khai không hề đơn giản.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, toàn huyện có khoảng 44.000 trẻ em, tuy nhiên mới có khoảng 10% trẻ em biết bơi. Với đặc thù là huyện ven biển, sông hồ nhiều nên việc quản lý, phòng chống đuối nước của trẻ em gặp rất nhiều khó khăn. “Mặc dù Huyện ủy, Phòng Giáo dục đã có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dạy bơi cho học sinh nhưng thực tế còn nhiều hạn chế. Kinh phí hạn chế, chưa tìm được sự phối hợp liên kết giữa các đơn vị ở địa phương” – bà Nguyệt nói.

Cụ thể theo bà Nguyệt, hiện tại huyện đang thí điểm 2 mô hình xây dựng bể bơi lắp ghép dạy bơi cho học sinh, tuy nhiên không phải trường nào, địa phương nào cũng đồng ý. Nếu không được đồng ý xây dựng bể bơi trong trường học, xây ngoài thì kinh phí thuê mặt bằng, tiền điện, tiền nước sẽ rất đắt. Điều này khiến cho việc xã hội hóa gặp khó khăn. Các em khó tiếp cận vì phải di chuyển xa.

“Quan trọng nhất theo tôi, để xã hội hóa thành công hoạt động dạy bơi, các địa phương cần phải đồng lòng, chung tay thực hiện. Tiếp đó mới đề cập tới việc dạy bơi, dạy kỹ năng, dạy cách xử lý khi bơi. Đồng thời cha mẹ cũng cần chung tay quản lý, giám sát. Có vậy các tai nạn liên quan tới đuối nước mới giảm được” - bà Nguyệt nói.

Nhân rộng mô hình dạy bơi tư nhân xã hội hóa

“Việc phòng chống tai nạn đuối nước và chương trình dạy bơi cho trẻ em đã được toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, các giải pháp còn chưa đi đúng hướng bởi không có sự thay đổi về quan điểm. Chúng ta vẫn chỉ hô hào học bơi, dạy bơi chứ chưa đưa ra được biện pháp thực hiện hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước thì kêu thiếu tiền, trường học thì kêu thiếu giáo viên, thiếu không gian làm bể bơi, bị động về kinh phí… Chủ trương đưa dạy bơi vào trong nhà trường là không chính xác. Hiện nay, chỉ có số ít nhà trường có điều kiện dạy bơi được cho học sinh, vì thế cần nhân rộng mô hình dạy bơi tư nhân hoặc kêu gọi xã hội hóa dạy bơi trong trường học”.

TS.Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm E-Bơi (Hà Nội)

Cha mẹ hãy giúp con học cách sống an toàn

“Hiện nay, các nội dung dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn chưa được quan tâm nhiều trong các chương trình giáo dục ở trường, lớp. Đó cũng là lý do mà cứ nghỉ hè là lại xảy ra những vụ trẻ em gặp tai nạn thương tích, đuối nước. Ngoài ra, nhiều phụ huynh vẫn còn tâm lý tập trung nhồi nhét kiến thức cho con. Nghỉ hè, thay vì cho con tham gia các khóa học trải nghiệm, nâng cao kỹ năng tự phục vụ, rèn luyện ngưỡng chịu đựng, xử lý các tình huống khi không có bố mẹ…, thì nhiều gia đình lại tìm đến các lớp học thêm văn, toán, ngoại ngữ để bồi dưỡng thêm cho con. Trước khi bắt con học giỏi, cha mẹ hãy giúp con học được cách sống an toàn”.

Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh –
Viện trưởng Viện Phát triển giáo dục và trí tuệ Việt

Cấp cứu người đuối nước phải đúng cách

Để cứu nạn nhân đuối nước thì người cứu bắt buộc phải biết bơi. Tuy nhiên, nếu vùng nước sâu, xoáy, chảy mạnh thì không nên nhảy xuống mà nên kêu cứu nhờ hỗ trợ. Tìm cách quẳng dây, gậy để người đuối nước bám vào. Còn nếu người biết bơi nhảy xuống cứu nên tiếp cận người đuối nước từ đằng sau, túm áo, tóc họ để đưa họ vào bờ. Không tiếp cận từ đằng trước, khi đó người đuối nước còn tỉnh có thể hoảng loạn bám vào người cứu, khiến cả hai chìm xuống.

Nếu đưa nạn nhân đuối nước lên bờ thì ngay lập tức cần kiểm tra hơi thở. Nếu nạn nhân còn thở thì đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn, quan sát nhịp thở và gọi cấp cứu. Còn nếu nạn nhân đã ngừng thở thì không vác nạn nhân lên vai để chạy với hy vọng tống nước ra ngoài mà nên thổi hơi liên tục cho nạn nhân. Quy trình hồi sinh tim phổi, ép ngực theo nguyên tắc: 30 lần ép ngực thì 5 lần thổi ngạt, làm liên tục cho đến khi nạn nhân tỉnh hoặc đội cứu hộ đến.

Bác sĩ Lương Quốc Chính, (Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai)

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/xa-hoi/duoi-nuoc-hiem-hoa-de-doa-hang-nghin-tre-em-881339.html