Dưới nắng hạn, thầy và trò vùng cao Quảng Bình đào giếng tìm nước

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều địa phương miền núi tỉnh Quảng Bình rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Nhiều khe suối cạn nước, các giếng khoan thì nhiễm phèn không thể sử dụng, người dân phải lặn lội đi hàng chục cây số để xách từng can, từng xô nước từ suối xa về nhà. Nhiều nơi đã đào giếng ngay giữa suối để tìm nước, nạo vét các khe suối đầu nguồn rồi dẫn nước về bản làng, thậm chí đào giếng ngay giữa khe để tìm nước ngầm.

Các thầy giáo vùng cao đào giếng giữa khe tìm nước sinh hoạt cho học sinh

Các thầy giáo vùng cao đào giếng giữa khe tìm nước sinh hoạt cho học sinh

Dưới cái nắng gay gắt ở vùng cao xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, các thầy, cô giáo ở trường phổ thông dân tộc bán trú, tiểu học và trung học cơ sở Lâm Thủy lặn lội đi tìm nguồn nước sinh hoạt cho học sinh. Năm nay, nắng nóng kéo dài, hạn hán đến sớm, khe suối cạn trơ đáy. Đi tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, ăn uống cho hơn 400 học sinh, với hơn 1 nửa là học sinh bán trú, các thầy, cô giáo đã đào 1 cái giếng ngay giữa con suối cạnh trường để lấy nước sinh hoạt.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Hiển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Thủy cho biết, những năm trước, thời điểm này học sinh đã nghỉ hè; năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh trở lại trường từ tháng 4. Hạn hán đến sớm, thầy cô giáo cố gắng dẫn nước từ các con suối về trong khu nội trú cho các em sử dụng.

Cái giếng giữa suối tạm thời giải quyết nước sinh hoạt cho học sinh bán trú.

Cái giếng được đào giữa lòng khe Vàng cạnh trường. Hệ thống dây điện, máy bơm nước được lắp đặt để hút nước và dẫn nước theo đường ống 300m đưa vào bể chứa trong trường. Theo thầy giáo Nguyễn Thanh Hiển, nhờ cái giếng này mà tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hơn 200 học sinh tiểu học và THCS tại bán trú được giải quyết tạm thời.

"Chúng tôi làm 1 cái giếng cách trường gần 300m, giếng giữa lòng khe rồi kéo dây điện xuống, sử dụng 2 máy bơm nước vào trong bể. Nhà trường có 1 bể 50 m3, từ đó đưa lên các khu nhà vệ sinh để tắm rửa, khu cấp dưỡng để nấu ăn cho học sinh, nước nấu ăn phải được lọc qua máy lọc", thầy Nguyễn Thanh Hiển cho hay.

Hạn hán nghiêm trọng tại xã miền núi Lâm Thủy.

Xã Lâm Thủy có gần 10 khe, suối cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân các bản nhưng hiện giờ nước khe suối cũng đã cạn. Việc thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô luôn xảy ra ở xã Lâm Thủy trong nhiều năm nay. Anh Hồ Văn Do, ở bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, năm nay, nguồn nước suối cung cấp cho toàn bản Xà Khía đã cạn kiệt từ tháng 4.

"Từ tháng 3 đến giờ chưa có mưa, mưa không nổi. Mấy hộ ở đây có vòi nước tự bắt đầu nguồn, mà trên nguồn giờ khô hạn nên nước không chảy về nổi, khô hạn thì phải dùng can, chai nhựa đi qua suối xa lấy nước để đem về nhà sử dụng. Ở đây có 1 vòi nước nhỏ kéo đầu nguồn mà mấy hộ cùng sử dụng, giặt giũ, tắm rửa ở đây hết", anh Hồ Văn Do nói.

Một cái giếng được đào ngay giữa lòng suối đề tìm nước.

Ông Hồ Văn Bày, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, chưa năm nào nắng hạn căng thẳng như năm nay, mới đầu mùa mà các con khe đều cạn trơ đáy. Bà con giờ phải xách can nhựa đi xa hơn mấy cây số để lấy nước mang về ăn uống. Theo ông Hồ Văn Bày, người dân địa phương chủ yếu sử dụng nước từ khe suối, một số hộ có giếng khoan nhưng nguồn nước này bị nhiễm phèn.

"Nước sinh hoạt chủ yếu dựa vào khe suối. Mấy năm trước nước khe dồi dào hơn, nhưng những năm trở lại đây thì nước khe càng ít đi. Bà con mong muốn huyện đầu tư cho nước sạch về tận thôn, bản, có công trình nào đó lấy nguồn nước từ khe về tận thôn, mỗi nhà làm 1 bể chứa nước", Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy cho hay.

Nhiều con suối cạn nước, trơ đáy.

Nắng nóng gay gắt, tỉnh Quảng Bình đang tập trung chống hạn. Mùa khô năm nay ít mưa, hạn hán kéo dài, mặn xâm nhập diễn ra sớm hơn mọi năm. Một số nơi đã tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước, ngăn mặn; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến tưới tiêu cho vụ sản xuất Hè Thu.

Nhiều khe suối cạn kiệt nước.

Từ 5- 10 hộ ở bản Xà Khía cùng dùng chung 1 vòi nước dẫn từ thượng nguồn về bản.

Bể chứa nước sinh hoạt tại trường bán trú

Ông Trần Công Thuật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: "Tập trung chống hạn, đảm bảo nước để sản xuất vụ Hè Thu và phòng chống cháy rừng. Nhiệm vụ này năm nào cũng phải làm nhưng năm nay dự báo nắng nóng kéo dài, hạn hán gay gắt. Như trước đây, chúng ta chủ động được nước, nhưng năm nay chưa biết được hồ đập có đảm bảo được 100% nước hay không cho nên không được chủ quan"./.

Thanh Hiếu/VOV-miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/duoi-nang-han-thay-va-tro-vung-cao-quang-binh-dao-gieng-tim-nuoc-1062072.vov