Đuổi học học sinh là phản giáo dục

Trước việc Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Thanh Hóa) kỷ luật đuổi học học sinh vì nói xấu giáo viên, nhà trường trên mạng xã hội, các chuyên gia tâm lý cho rằng đây là hình thức phản giáo dục.

Quyết định kỷ luật học sinh của Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trãi (TP. Thanh Hóa) - Ảnh: Minh Hải

Hạ sách trong ứng xử

Là một người vừa hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, vừa hành nghề tham vấn tâm lý, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương nhìn nhận: “Trong giáo dục, đuổi học trò ra khỏi vòng tay người thầy, nhà trường là một hạ sách trong các cách ứng xử. Đuổi học học sinh là cách nhanh nhất để chúng ta chối bỏ trách nhiệm của nghiệp trồng người”.

Theo ông Dũng, chối bỏ trách nhiệm vì có thể sợ ảnh hưởng đến thành tích chung của cá nhân, ngôi trường hay tập thể đó. Nếu vì thành tích chung mà bỏ một vài cá thể thì hoàn toàn không được. Nếu trường tốt, thầy cô tốt thì mọi lời nói xấu chỉ là vô hại. Bởi cộng đồng luôn có cách đánh giá khác những gì học sinh nói theo cảm tính hay trực giác của chúng.

Ông Dũng phân tích, về mặt thông tin mà phản ánh qua trang cá nhân thì đâu phải thông tin chính thống, đâu phải bằng văn bản mà chỉ như câu chuyện “ngồi lê đôi mách” mà như thế cũng không thể cấu thành hình phạt cho đứa trẻ. Chúng ta đã làm hết mọi cách chưa, đã tham vấn tâm lý cho các em chưa, có đồng hành trước khi đưa ra giải pháp chưa?..

Đứa trẻ trong giai đoạn này cần được cảm hóa, cần được yêu thương hơn là những hình phạt. Hình phạt chỉ có tác dụng khi ở trong một trại giam. Không bao giờ chấp nhận chuyện đuổi học học trò cho dù với bất cứ lý do nào. Giáo dục không phải là quan tòa hay quân đội để kết án, sa thải, trục xuất, mà là môi trường để cảm hóa, người thầy thành công là người thầy cảm hóa được học trò .

“Nếu đuổi học là phương cách được vận dụng một cách dễ dãi thì đâu là bản lĩnh hay sự kiên nhẫn của nhà trường, thầy cô. Những học sinh "có vấn đề" càng cần chúng ta yêu thương gấp bội. Chúng ta đối xử với học trò hôm nay thế nào thì xã hội sẽ thừa hưởng gấp trăm lần trong tương lai. Hôm nay không yêu thương, không cảm hóa thì sau này các em cũng làm sao biết yêu thương và cảm hóa người khác, bởi vì chính các em đã từng bị chối bỏ”, ông Dũng khẳng định.

Không giải quyết được gốc của vấn đề

Còn theo tiến sĩ xã hội học, chuyên gia tham vấn tâm lý Phạm Thị Thúy, khi học sinh làm sai điều gì phải tìm nguyên nhân sai ở đâu và giải quyết nguyên nhân đó. Chẳng hạn không phải tự nhiên mà các em lại nói xấu thầy cô trên mạng xã hội, vậy thì lý do tại sao học sinh lại bất bình với giáo viên đó?,…

“Mục đích giáo dục là giúp học trò hoàn thiện bản thân, mà nếu cứ trẻ làm sai và đuổi các em thì chúng ta đang chối từ trách nhiệm giáo dục của chính mình. Trường nào mà đuổi học học sinh là đang vô trách nhiệm với hoạt động giáo dục của mình”, bà Thúy nhấn mạnh.

Theo bà Thúy trong câu chuyện này, chúng ta nên đặt ra câu hỏi, “đuổi học học sinh thì các em đi về đâu và ai sẽ dạy dỗ các em?", "gia đình và các em đó sẽ như thế nào?", "giáo dục thì sẽ giáo dục ai?".Vì nếu trẻ ngoan hiền mới đến trường thì những đứa trẻ còn lại ai sẽ là người giáo dục?

“Chính vì thế, đuổi học học sinh là hình thức phản giáo dục, tiêu cực và không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Làm cho trẻ thêm bất mãn với nhà trường, cha mẹ thêm bất lực với con cái và quan trọng hơn là đẩy các em đó vào nguy hiểm cho tương lai của chính các em và của cả xã hội”, bà Thúy nói.

Cần dành nhiều thời gian thuyết phục, giảng dạy hơn kỷ luật

Ở trường nào cũng thường xuyên phải giải quyết những vi phạm nội quy của học sinh. Học sinh mắc lỗi nhiều lắm, nhẹ có, nặng có. Sửa lỗi cho học sinh là bổn phận của thầy cô giáo. Có nhiều cách giáo dục để học sinh nhận ra lỗi lầm và sửa lỗi để tiến bộ. Kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc hạnh kiểm, đuổi học có thời hạn...) là một biện pháp. Quy chế của ngành giáo dục quy định cụ thể việc kỷ luật học sinh. Khi cần thiết các trường đều vận dụng rất cẩn thận với tinh thần “kỷ luật là một biện pháp giáo dục”. Tuy vậy, việc áp dụng kỷ luật không nên làm ngay, làm nhanh... Thông thường, để có kết quả tích cực, học sinh thật sự nhận ra lỗi và quyết tâm sửa lỗi, thầy cô giáo mất nhiều thời gian, công sức giảng giải, thuyết phục học sinh. Sau công việc này nhiều khi không cần áp dụng kỷ luật hoặc nếu cần thì mức kỷ luật cũng rất nhẹ.

Khó nhất là trường hợp học sinh xúc phạm danh dự thầy cô giáo. Học sinh giận thầy cô, không tin vào thầy cô... dẫn đến có hành vi xúc phạm danh dự thầy cô của mình. Học sinh sai thì rõ rồi. Giáo dục bằng biện pháp thuyết phục học sinh được không? Ai làm việc này? Tôi nghĩ, và trong thực tế, thầy cô giáo của những học sinh mắc lỗi này kìm nén một chút, kiên trì một chút để thuyết phục học sinh, rất có thể thành công... Thậm chí thành công bất ngờ, hơn cả sự mong đợi!
Dẫu sao nói thì dễ còn làm thì khó vô cùng. Nhưng tôi thy vọng các em học sinh mắc lỗi lớn vừa rồi sớm chân thành xin lỗi các thầy cô giáo Sửa lỗi để thành người tử tế

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội)

Tuệ Nguyễn (ghi)

Hoa Nữ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/duoi-hoc-hoc-sinh-la-phan-giao-duc-1019275.html