'Đuổi học 1 năm là sự bất lực của giáo dục, cần bỏ hình phạt này'

Những ngày qua tôi thấy các phụ huynh xôn xao bàn tán về chuyện sắp tới sẽ không còn hình thức kỷ luật học sinh là đuổi học 1 năm.

Nhiều phụ huynh lo lắng không còn biện pháp kỷ luật cứng rắn để răn đe sẽ khiến học sinh “nhờn luật”.

Tuy nhiên, ở góc độ một nhà quản lý giáo dục, tôi rất ủng hộ việc phải bỏ quy định đuổi học học sinh 1 năm khi các em mắc lỗi và cũng không khó để chúng ta giáo dục tốt những học sinh cá biệt.

Hơn ai hết, nhà trường chính là nơi phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của những hành vi vi phạm của học sinh để có biện pháp giáo dục thích hợp, giúp học sinh tiến bộ chứ không phải các em làm sai là đuổi học.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bản chất của việc đình chỉ học một thời gian hay đuổi học thì cũng là hình thức kéo dài thời gian kỷ luật để các em có thời gian suy ngẫm lại lỗi lầm của mình và rút kinh nghiệm. Đó cũng là thời gian giúp các em có điều kiện cùng với gia đình, nhà trường giáo dục thay đổi nhưng chúng ta lại quên làm công tác tư vấn tâm lý học đường khiến đa số những học sinh sau khi bị đuổi học khó hòa nhập với các bạn.

Việc tạm dừng học tập trên lớp dưới 2 tuần thay vì đuổi học thì thôi thấy là cần thiết mà vẫn đảm bảo quyền học tập của học sinh thay vì đuổi học các em 1 năm.

Bởi lẽ nhà trường là cơ sở giáo dục đặc thù không phải là cơ quan hành pháp, chỉ coi trọng các hình phạt nghiêm khắc mà quên rằng vì sao các em làm như vậy. Nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục để giúp học sinh thay đổi tích cực, đó mới là điều quan trọng”.

Hơn nữa theo tôi, việc đưa ra quyết định đuổi học 1 năm với các em dường như là bước đường cùng, là quyết định cuối sau rất nhiều nỗ lực từ phía nhà trường, gia đình nhằm giúp đỡ các em sửa sai mà vẫn không thành công. Hình thức kỷ luật đuổi học 1 năm với các em là quá nặng.

Có lẽ, hơn ai hết, các bậc phụ huynh đều thấy rằng việc nuôi, dạy một học sinh nên người mới là điều khó còn đẩy trách nhiệm giáo dục học sinh cho xã hội lại là câu chuyện đơn giản.

Câu hỏi đặt ra là sau khi rời khỏi môi trường giáo dục lành mạnh, ai là người giúp đỡ, dạy dỗ các em trở thành những người tốt, có ích cho xã hội hay thả nổi các em?

Học sinh là tuổi cắp sách đến trường, tất nhiên các con sẽ nhiều khi có cử chỉ, hành động, lời nói không đúng chuẩn, cần phải giáo dục, nhưng thế mới cần đến nhà trường.

Nếu đuổi học thì vô hình trung nhà trường đuổi các em ra khỏi môi trường giáo dục. Đó là hình phạt nặng, thể hiện sự bất lực trong việc giáo dục các em.

Trong khi hiện nay học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống, từ hoàn cảnh gia đình. Nhiều em có hoàn cảnh rất đặc biệt như cha mẹ thường xuyên cãi nhau, đánh nhau, ly hôn, phải ở với ông bà hoặc cha mẹ mải lo làm ăn không có thời gian quan tâm, dạy dỗ con cái.

Những trường hợp như trên rất cần sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, giáo dục từ các thầy cô giáo trong nhà trường. Nếu học sinh có sai phạm mà bị buộc thôi học 1 năm là một hình thức đẩy các em vào bước đường cùng. Và rất có thể sau 1 năm đó, chúng ta còn khó dạy em học sinh đó hơn.

Tôi nghĩ khi học sinh vi phạm, điều quan trọng nhất đối với người có trách nhiệm là tìm hiểu nguyên nhân sai phạm để từ đó có biện pháp giáo dục phù hợp để các em nhận ra cái sai và không bao giờ tái phạm.

Quy định về xử lý kỷ luật học sinh theo Thông tư 08 các hình thức kỷ luật chưa hướng tới mục đích để học sinh tự giác nhận thức khuyết điểm và có cơ hội khắc phục, sửa chữa.

Dự thảo thông tư về kỷ luật trong đó xóa bỏ hình thức đuổi học 1 năm sẽ xóa bỏ các kiểu xử phạt tiêu cực, xúc phạm nhân phẩm học sinh, tăng cường đưa ra các giải pháp giúp học sinh điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm.

Trong đó, quan trọng nhất là các nhà trường không "đứng ngoài" mà vẫn phải phối hợp với gia đình học sinh và địa phương có kế hoạch hỗ trợ giáo dục học sinh, giám sát quá trình thực hiện của học sinh.

Với những học sinh cá biệt đa số các em đều sống rất nội tâm nên cũng không quá khó để giáo dục các em nếu chúng ta làm tốt việc tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.

Trong quá trình kỷ luật bằng những hình thức kỷ luật tích cực, trường sẽ có bộ phận theo dõi, giúp đỡ và dùng biện pháp giáo dục tích cực để “chuyển hóa” học sinh chứ không thả nổi học sinh sau khi đình chỉ, khiển trách các em như trước đây. Đó chính là cách chúng ta kéo những học sinh cá biệt lại gần thay vì việc đẩy các em ra xa và đó cũng chính là sứ mệnh của cơ sở giáo dục.

Cô Lê Thị Loan - Học viện Quản lý Giáo dục

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/van-hoa-hoc-duong/duoi-hoc-1-nam-la-su-bat-luc-cua-giao-duc-toi-ung-ho-bo-hinh-phat-nay-264301.html