Dưới hiên thưởng một tách trà

Dẫu chưa cầu kỳ, tỉ mỉ như trà đạo ở Nhật Bản hay Trung Quốc nhưng người Việt từ lâu đã coi 'chén trà là đầu câu chuyện'. Cuốn sách 'Dưới mái hiên nhà' của hai tác giả Nguyễn Việt Bắc - Lê Ngọc Linh mang đến những câu chuyện thú vị về trà, khiến người đọc nhận ra rằng, thưởng trà không nhất thiết phải cầu kỳ. Không cần dụng cụ pha trà đặc biệt, cũng không nhất thiết phải lễ nghi rườm rà, mà chỉ cần vài lá chè tươi được pha với sự trọng thị thì tích (ấm) nước chè tươi bình dị vẫn hàm chứa ý nghĩa cao khiết.

Đó chính là cách mà các tác giả cuốn sách từng thực hiện khi tiếp phái đoàn thuộc Hiệp hội Nghiên cứu trà đạo Nhật Bản sang thăm Việt Nam.

Để tiếp đãi khách, các tác giả đã dùng 15 lá chè xếp ngay ngắn trong đĩa, chậm rãi và cẩn trọng vò lá chè rồi cho vào ấm đồng, rót nước lạnh để tráng trà, thêm một lượt nước sôi để “làm lông trà”, sau đó ấm trà mới chính thức được rót nước sôi để ủ trong 5 phút. Trong 5 phút chờ trà ngấu ấy, thú uống nước chè tươi bình dị của người Việt được giới thiệu đến phái đoàn Nhật Bản, để rồi khi tiệc trà kết thúc, có vị khách Nhật đã hỏi xin 15 chiếc lá chè để pha mời bạn bè khi trở về nước. Thì ra, “khi tự ta có nghi lễ, thì dù là thứ mạt trà quý giá mà họ đã mang sang hay một vài lá chè tươi bản xứ, dù là trà đạo hay một tích nước chè xanh đều có thể truyền tải sự tôn nghiêm và kính ngưỡng của mình tới bất cứ ai cho dù họ là quý nhân trong trà đạo xứ Phù Tang”.

Nghi thức thưởng trà không theo khuôn thước nào cả. Bởi, “uống trà, là uống nước, là đúng nghĩa vậy thôi”. Điều quan trọng là người dùng trà luôn phải biết bản thân đang ở đâu, “đối ẩm” với ai để không nhầm lẫn bối cảnh thì “tiệc trà” mới có ý nghĩa. Khi đó, dẫu là ấm trà cầu kỳ hưởng thụ lúc thanh nhàn với tri âm hay râm ran chuyện đồng áng bên nồi lớn chè tươi đều có sự thú vị riêng.

Cuốn sách “Dưới mái hiên nhà” mang đến lời khuyên “đừng gò mình phải tuân theo những quy định khắt khe của trà đạo, của “uống trà chuẩn kiểu” mà hãy “thuận theo tự nhiên” để thưởng thức trà theo cách của bạn”. Cuốn sách cũng giúp bạn đọc có những khoảng lặng “đun nước, pha trà và chiều chuộng các giác quan của mình” giữa chuỗi ngày công việc áp lực và vội vã bằng cách mang tới những thông tin thú vị để độc giả biết cách chọn ấm chén, phân biệt một số loại trà phổ biến ở Việt Nam hiện nay, học cách “dệt hương” cho trà từ các loài hoa quen thuộc, các kỹ thuật pha và thưởng thức trà...

Như một bài hát có bè trầm, bổng, “Dưới mái hiên nhà” được kể bằng giọng đàn ông mạnh mẽ, hơi ngang tàng và đôi lúc có chút cố chấp, cực đoan của Việt Bắc, xen kẽ những trang viết dịu dàng, thủ thỉ đầy nữ tính của Ngọc Linh. Họ là cặp vợ chồng đã 10 năm lăn lộn với trà, từ đam mê trở thành thợ trà, và nay là cặp tác giả viết về trà. “Dưới mái hiên nhà” do Thái Hà Books và NXB Hà Nội liên kết xuất bản.

Vân Lam

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/988698/duoi-hien-thuong-mot-tach-tra