Dưới đèn đọc sách

Như một thành ngữ, 'Dưới đèn đọc sách' được coi là biểu tượng của sự trau dồi tri thức, khai sáng đạo lý, chuyên cần học tập giờ đã lui vào quá vãng của một thời đèn sách xưa kia.

Công nghệ hiện đại tạo ra nhiều cách tiếp thu kiến thức cũng giống như thức ăn nhanh vậy, rất phổ biến, nhiều người ưa dùng, phù hợp với nhịp sống khẩn trương. Cùng với sự phai nhạt của biểu tượng “Dưới đèn đọc sách” thì thuật ngữ “Sách gối đầu giường” cũng ít ai nhắc đến.

Không ít người cho rằng văn hóa đọc đã mai một. Đúng vậy, nếu chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài. Song, việc đọc vẫn thịnh hành, chiếm một lượng thời gian không nhỏ của đời người, chỉ là bây giờ người ta ít cầm tờ báo hay quyển sách nữa mà thay vào đấy là máy tính, điện thoại thông minh, sách điện tử,...

Khác nữa là nội dung đọc. Thay vì cái cảnh mỗi sáng ở quán cà phê, trong công viên, trên xe buýt,... mọi người cầm tờ báo đọc thì bây giờ họ lướt Web, vẫn đọc và còn đọc nhiều hơn, kể cả về số lượng người đọc. Nhưng ít ai cầm sách theo nghĩa đích thực để đọc những tác phẩm văn chương từng làm nên văn minh và nhân văn nhân loại nữa. Điều này là có thực.

Hãy xem trẻ em ngày nay đọc gì. Một thời những truyện tranh nước ngoài xâm nhập vào ta, “làm mưa, làm gió” thị trường sách trẻ em mà trong đó chứa không ít điều nhảm nhí, vô bổ. Cái thế hệ đọc những chuyện đó giờ đã trưởng thành và hãy xem cái cách mà họ hành xử với đạo lý truyền thống cũng như tiếp thụ văn minh như thế nào? Cũng có phần thất vọng!

Những cuốn sách làm nên sự giàu có tâm hồn và lòng nhân bản mà tuổi thơ cần đọc thì giờ trẻ em không đọc nữa. Ai còn nhớ “Không gia đình”, “Chuyện cổ Grim”,... hay “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”, “Cô bé 20”,... mà từng làm tuổi thơ của chúng ta say mê và rung động.

Đã từ lâu, không phải chỉ bây giờ, có nhiều giáo viên dạy văn phổ thông mà không hề biết đến những tác phẩm nổi tiếng, để đời như “Những người khốn khổ”, “Trăm năm cô đơn” hay “Chiến tranh và hòa bình”, “Con đường đau khổ”,... Ngay cả các tác phẩm được trích giảng trong nhà trường họ cũng không đọc hết tác phẩm đó.

“Biết mười, dạy một” đã là điều không tưởng. Những người thầy đó làm sao định hướng và truyền cảm hứng say mê văn học cho lớp trẻ được. Mà, văn học là sự chuyển tải đạo lý, di dưỡng tinh thần, bồi đắp những giá trị nhân văn, kể cả tri thức và kỹ năng sống. Hệ quả của chuyện này ra sao, chúng ta đã rõ!

Trong một thời gian rất dài của lịch sử nước ta, tiến thân phần nhiều là do con đường khoa bảng, khi ấy, sách là chữ thánh hiền, người đọc sách là nhân vật được xã hội và gia đình trọng vọng, coi là tầng lớp trí thức, khác hẳn với tầng lớp “chân lấm tay bùn”.

Quan niệm đương thời và trở thành giáo huấn “Thi trung hữu ngọc”, trong sách có ngọc và có cả nhà vàng, người ngọc là có thật, người đọc sách, tiếp thu tri thức và giúp đời, làm nên sự nghiệp qua con đường “dưới đèn đọc sách”.

Không ít tấm gương được đưa vào sách khai tâm của trẻ em như người đi thả trâu vẫn treo một túi sách ở sừng trâu, bắt đom đóm làm đèn đọc sách, hoặc buộc tóc treo lên xà nhà để đọc sách, chống ngủ gật,... những con người đó đều trở thành những người phi phàm, hiểu biết rộng, trụ cột của quốc gia. Bây giờ, quan chức có thể tiến thân bằng bằng giả thì cần gì đọc sách nữa! Gương sáng người xưa theo văn hóa đọc đã mai một đi rồi!

Đọc sách, thực chất là một sự giải trí thanh cao, đặc biệt với sách văn chương, đòi hỏi người đọc phải có vốn tri thức và sự am hiểu nhất định để tiếp thu và rồi chính sách sẽ làm dày hơn vốn tri thức cũng như sự am hiểu đối nhân, xử thế.

Hơn nữa, đọc sách tốn nhiều thời gian mà hiện tại những phương tiện nghe nhìn phục vụ cho giải trí đã chiếm hết thời gian rồi, còn đâu để “dưới đèn đọc sách” nữa. Đó là một trong những nguyên nhân làm người ta ít đọc. Thật đáng buồn khi chứng kiến những tủ sách từng là “kho báu”, là niềm tự hào của gia chủ, là biểu tượng của một gia đình trí thức giờ chỉ là hàng đồng nát, giấy vụn mà thôi. Không một cuốn sách ra đời gây chấn động làng văn nữa mà tiểu thuyết 3 xu xuất hiện trở lại như những món ăn nhanh.

Cũng như thực phẩm ăn nhanh giờ thì người ta phát hiện ra những tác hại của nó đối với dạ dày và cơ thể, cần hạn chế bớt đi và cần ăn chậm lại, hay nói cách khác, sống chậm để mà tiếp thu những giá trị sống thực của con người.

Đọc sách cũng là một cách sống chậm và nhiều người đã nhận ra điều đó. Sách – thứ thực phẩm tinh thần khó cái gì có thể thay thế! Chẳng thế mà ở Mỹ, một nước công nghiệp hiện đại, nhịp sống khẩn trương, cựu Tổng thống Obama mới đây chỉ ra 19 cuốn sách trong năm 2019 nên đọc, trong đó, phần không nhỏ là các tiểu thuyết văn chương.

Phaly

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/duoi-den-doc-sach-488200.html