Dưới chân Tam Đảo

Tam Đảo là tên một huyện cũng là một dãy núi với địa danh du lịch nổi tiếng ở miền Bắc. Nếu chúng ta đã chán với Thị trấn Tam Đảo trong biển mây thì hãy du ngoạn một vòng quanh dưới chân núi. Những vẻ đẹp mới lạ, các món ăn dân dã ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), huyện Đại Từ (Thái Nguyên) và huyện Sơn Dương(Tuyên Quang) sẽ khiến mọi người mê say.

Hồ Xạ Hương trong sương sớm dưới chân dãy Tam Đảo.

Vĩnh Phúc

Đến chân núi Tam Đảo phía tỉnh Vĩnh Phúc chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc những hồ nước ngọt. Có thể kể đến đó là hồ Xạ Hương, hồ Làng Hà, hồ Bản Long, hồ Thanh Lanh. Bốn mùa hồ nước trong xanh phẳng lặng in hình bóng núi, mây trời. Du khách sẽ tìm thấy cảm giác thanh bình của miền sơn cước khi dạo bộ xung quanh những hồ nước.

Không chỉ là có những hồ nước ngọt tuyệt sắc, dưới chân núi Tam Đảo nơi đây còn có thác nước đẹp. Các khe suối chảy ra núi Tam Đảo đã hình thành lên thác Ba Ao. Đây là một thác nước được các bạn trẻ thuộc nhóm phượt ở Hà Nội đi trekking quanh Tam Đảo phát hiện ra vài năm trước.

Để tới được thác Ba Ao, chúng tôi đã phải đi theo con đường mòn từ trung tâm huyện Tam Đảo. Du khách gửi xe ở nhà dân bên đường để tiếp tục cuốc bộ vài cây số nữa. Dòng nước chảy ra từ trên đỉnh núi qua những tảng đá nhấp nhô. Những tia nước nhỏ bắn tung tóe và điểm tận cùng nơi chân thác là hồ nước trong vắt, nhìn thấy tận đáy. Thác có 3 - 4 tầng với địa hình thoai thoải, nếu men qua các khe đá chúng ta sẽ có thể lên đến tận đỉnh. Thác như một dải lụa trắng giữa núi rừng Tam Đảo. Rất nhiều bạn khi tìm được tới thác đều có cảm nhận nó đẹp, hoang sơ và ấn tượng hơn nhiều so với thác Bạc vốn đã quen tên ở trên thị trấn Tam Đảo.

Sau một ngày lang thang ở các vùng hồ, thác nước nếu du khách muốn lưu lại thêm ở chân núi Tam Đảo thì nên tìm đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây chính là nơi bình yên, tĩnh tại để chúng ta tìm về với đạo Phật. Thiền Viện thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo là điểm dừng chân không thể tuyệt vời hơn. Đây là một nơi nghiên cứu đạo Phật lớn ở Việt Nam. Hàng trăm cư sĩ vẫn ngày đêm nghiên cứu các dòng thiền, Phật pháp khác nhau. Thiền viện còn thu nhận hàng trăm con nghiện game, hay các bạn trẻ bị trầm cảm, stress đến cai nghiện, hay lấy lại cân bằng cuộc sống.

Khi bước qua gần 100 bậc đá tới đại điện là chúng ta chính thức bước vào một thế giới khác. Thế giới của lòng nhân ái, của đạo Phật và những điều cao cả mà những bậc tu hành mong muốn. Nhiều bạn trẻ đã đến bên tảng đá với dòng chữ vô cùng ý nghĩa ở Thiền viện:

“Như tảng đá kiên cố gió thổi không lay động

Người trí tâm an định bất động trước khen chê”

Quanh Thiền viện có rất nhiều loại hoa với những cánh bướm đua nhau bay lượn. Nơi đây cũng có nhiều gian nhà với ghế đá, bàn đá cổ kính cho du khách nghỉ chân.

Thái Nguyên

Dưới chân núi Tam Đảo thuộc địa phận xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có một dòng suối chảy róc rách quanh năm. Dòng suối ấy chảy len lỏi qua một ma trận các tảng đá với tạo hình độc đáo.

Từ hồ Gò Miếu thuộc xóm Chuối, xã Ký Phú, du khách có thể bắt thuyền của dân để vào khám phá con suối độc đáo này. Có khối đá to bằng cả nhà xếp chồng lên nhau. Có tảng lại mang hình thù con gấu trúc đang ngồi sưởi ấm dưới ánh nắng ban mai. Xa xa chúng tôi lại thấy có tảng giống hình loài chim đại bàng đang vỗ cánh.

Ở phía thượng nguồn của dòng suối là một bãi đá vô cùng đồ sộ. Ở đây có một khu đá màu Nồi Đồng. Theo truyền thuyết từ ngàn xưa, đây là nơi chiếc nồi đồng nổi lên. Nay dấu tích còn lại là một vũng nước trong xanh được bao quanh bằng những khối đá vàng xám giống hệt màu đồng thau.

Có những địa điểm chúng tôi khám phá được người dân bản địa đặt có cái tên Bãi Cối, Đá Cọc. Sở dĩ nó được người dân đặt tên như vậy vì xung quanh khu vực này có hàng trăm khối đá nhọn hoắt như những chiếc cọc đâm thẳng lên trời xanh.

Ở xóm Chuối, xã Ký Phú người dân vẫn có thói quen đi săn cá suối. Ở những máng nước sâu, trong vắt của con suối dưới chân Tam Đảo thường có một số loại cá sinh sống. Chốc chốc, nhưng con cá nho nhỏ lại bị lọt lưới và nằm gọn trong giỏ của người đi săn. Cá suối ở đây chỉ to bằng 2 - 3 ngón tay, nhưng một số người đã từng ăn đều khen rằng, khi nướng lên sẽ có vị rất ngon, thơm và chắc thịt, không như cá nuôi trong ao, hồ.

Điều thú vị với những du khách là có thể mượn giỏ của người săn cá để thử hành nghề bên suối và lưu lại những bức ảnh độc đáo. Chúng tôi đã có bữa trưa muộn rất thú vị với món cá suối nướng và đĩa thịt trâu xào rau muống. Đến Đại Từ, đi thăm suối và ma trận đá xong mà không cá suối nướng thì quả thực du khách sẽ rất hối tiếc khi đã trở về Hà Nội.

Tuyên Quang

Chúng tôi tiếp tục đến Sơn Dương (Tuyên Quang) đã tìm vẻ đẹp mới.

“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi

Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”

Mảnh đất Sơn Dương, Tuyên Quang ngay dưới chân núi Tam Đảo bây giờ vẫn còn giữ được những rừng cọ. Cảnh sắc còn ấn tượng, nên thơ y như cụ Tố Hữu đã viết khi cây cọ được mọc lên giữa những cánh đồng lúa và xa xa là đồi chè xanh tươi.

Hai bên đoạn quốc lộ 2C dài đến cả chục cây số thuộc huyện Sơn Dương đâu đâu chúng tôi cũng thấy rừng cọ mọc ngay trên cánh đồng lúa xanh tốt. Mỗi đoạn bờ, góc ruộng lúa có địa hình tương đối bằng phẳng người ta đều tận dụng trồng cọ. Những tán cọ như che chở, bầu bạn ngày đêm cùng cây lúa. Cuối cùng nỗi mong chờ thú vị bao lâu nay chúng tôi cũng được thỏa khi xa xa trên những quả đồi cây chè đã xuất hiện.

Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ấy thực sự như hương hoa ngào ngạt dâng lên cuộc đời của kẻ lữ khách. Nét đẹp ấy sao mà bình dị, lặng lẽ, nhưng cũng trường tồn biết bao.

Thậm chí ở xã Nam Sơn, Sơn Dương còn có hẳn một thôn đặt tên là thôn Cây Cọ. Từ lũ trẻ con cho đến các cụ già 80 - 90 tuổi, cây cọ đã in hình bóng trong tâm hồn.. Cây cọ rất dễ sống, sức sống lại bền bỉ hầu như không cần bàn tay chăm bón của con người. Dân bảo nhau giữ lấy rừng cọ như giữ đất, giữ làng. Người ta đã kết hợp trồng xen canh cây lúa, cây ngô và giữ lại rừng cọ không chỉ để tăng thêm thu nhập cho bà con, mà còn để giữ cảnh quan của một vẻ đẹp truyền thống nơi quê mình.

Cây cọ thật đặc biệt. Một năm cây cọ chỉ ra đúng 12 lá, ứng với 12 tháng. Tất cả những bộ phận trên cây cọ đều có thể sử dụng được. Lá cọ lợp nhà, chắn vách, làm chổi, làm quạt. Búp cọ khâu nón, đan áo tơi, làm dây thừng. Thân cọ làm cột nhà, cột điện, thân cầu khỉ, máng nước, máng lợn. Ngày trước thân cọ còn dùng làm câu đối mộc thiếp vàng đẹp vô cùng, chỉ nhà giàu mới mua nổi. Cuống cọ làm rui mè, lạt buộc, rào dậu hoặc thay tre đan rọ lợn, lồng gà. Cọ còn chế biến được nhiều món ẩm thực ngon, hấp dẫn như cơm nắm lá cọ, cọ luộn, cọ om thịt hoặc om cá, tằm cọ...

văn hải

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/duoi-chan-tam-dao-626955.ldo