Dưới chân núi Chư Yang Sin

Đúng một thập kỷ, chúng tôi mới trở lại vùng đất cao nguyên dưới chân núi Chư Yang Sin hùng vĩ. Đã qua một quãng thời gian dài, vật đổi sao dời, nhưng tôi vẫn nhận ra một Đắk Phơi đang được khoác lên mình 'chiếc áo mới', kết quả của 'cuộc đổi thay khó tin' - nói theo lời của nữ già làng H'Yiêng Dak Chắt. Trong không gian êm ả của một vùng quê từng bị bom đạn Mỹ cày xới năm nào, nay vang lên rộn rã tiếng máy cày, máy xay xát lúa và cả tiếng của trẻ nhỏ ê a học bài…

Cùng với công trình thủy lợi hồ chứa Ta Lông, hệ thống giao thông nội đồng ở Đắk Phơi được xây dựng sẽ giúp bà con nông dân thuận lợi trong canh tác. Ảnh: Đăng Anh

Đắk Phơi trong ký ức

Trong ký ức của bà H’Yiêng Dak Chắt (hay còn gọi là Amí Sơn, ở buôn Ýuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk LắK) - người từng có vinh dự được gặp Bác Hồ từ thời còn làm giao liên, gùi đạn dược, lương thực tiếp tế cho khu căn cứ cách mạng mang mật danh H10 - những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn còn vẹn nguyên. Bà bảo, bây giờ, khi nhắc đến quê hương Đắk Phơi, bà vẫn nhớ những thanh niên trai tráng ở các buôn M’nông xung phong vào rừng theo bộ đội đánh giặc, những cô gái giao liên gùi đạn dược, lương thực một thời xông pha lửa đạn như A’ma Nar, A’ma Đrông ở buôn Pai Ar, hay A’ma Du, A’ma P’lang, A’ma Oan ở buôn Liêng Kéh… Bà vẫn nhớ đến những năm tháng cùng đồng đội góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Cách đây đúng 54 năm, vào một buổi chiều cuối năm 1963, khi cô gái trẻ H’Yiêng Dak Chắt cùng chị em trong buôn bí mật gùi đạn, gạo, muối tiếp tế cho bộ đội trong khu căn cứ thì bất ngờ lọt vào ổ phục kích của địch. Nhiều người đã hy sinh, riêng H’Yiêng Dak Chắt bị trúng 3 phát đạn vào đầu và người, bị thương rất nặng. Rất may, bộ đội ta từ trong căn cứ đã ứng cứu kịp thời, đánh lui quân phục kích, cứu được nhiều người và đạn dược, trong đó có H’Yiêng Dak Chắt. Với tình trạng sức khỏe của H’Yiêng Dak Chắt và những cống hiến trước đây của chị, năm 1964, tổ chức quyết định bí mật đưa chị ra miền Bắc để chữa bệnh và học tập để sau này trở về phục vụ quê hương.

Trong những ngày tháng lưu lại Thủ đô, sau một thời gian được chăm sóc, sức khỏe của H’Yiêng Dak Chắt hồi phục, bà đã được bố trí đi học chữ ở một ngôi trường ngoại thành cùng nhiều chị em dân tộc thiểu số đến từ các vùng miền của Tổ quốc. Chính trong thời gian này, một vinh dự lớn đã đến, bà được gặp Bác Hồ. Bà bồi hồi nhớ lại: “Khi Bác Hồ từ phòng họp bước ra, mọi người ùa đến vây quanh. Bác thăm hỏi từng người. Thấy mình, Bác ân cần hỏi han về cuộc sống của bà con người Ê Đê, M’nông đang đồng cam cộng khổ với bộ đội đánh giặc…”.

Trong ngôi nhà khang trang của mình, bà H’Yiêng Dak Chắt như đắm chìm vào dòng hồi tưởng. “Và cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đó đã để lại cho mình một món quà quý giá, đó là tấm ảnh được chụp chung với Bác Hồ” – bà nói. Rồi bà vào buồng lấy bức ảnh, đưa ra cho chúng tôi xem: “Mình đứng sát với Bác Hồ phía bên trái đó. Bác nói: Cháu trẻ nhất trong đoàn, cháu lại đây với Bác. Cháu là người M’nông đầu tiên được chụp ảnh với Bác đấy... Lúc ấy, mình cảm thấy sung sướng lắm, muốn nói lời cảm ơn với Bác mà cũng không nói được. Đến bây giờ đã 53 năm rồi, nhưng mình vẫn thấy như mới hôm qua, vẫn thấy trong lòng có một con suối niềm vui đang dào dạt chảy…”.

Câu chuyện của bà H’Yiêng Dak Chắt vừa dứt, cũng là lúc những tia nắng hoàng hôn tắt dần. Đêm ở Đắk Phơi xuống khá nhanh. Tranh thủ thời gian, chúng tôi ra ngoài ngắm trời, ngắm đất. Trong bức tranh đen kịt một màu của đất trời, những ngôi nhà sàn tràn ngập ánh điện nhìn giống như những “con thuyền ánh sáng” đang buông neo nơi ngọn nguồn của dòng Sê Rê Pốk hùng vĩ chờ một ngày mới ở phía trước.

ưBất giác, chúng tôi nhớ lại những tâm sự của bà H’Yiêng Dak Chắt: Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều nhà cửa của người dân Đắk Phơi bị giặc đốt cháy thành tro bụi, nhưng không một người dân nào nản chí mà vẫn kiên cường bám trụ, tăng gia sản xuất để tiếp tế lương thực, nuôi dưỡng bộ đội, nổi dậy phá ấp chiến lược, tham gia các cuộc đấu tranh chính trị. Trải qua cuộc kháng chiến, hàng trăm người con ưu tú trên mảnh đất này đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Năm 1977, xã Đắk Phơi vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…

Bừng sáng cao nguyên

Chúng tôi cũng nhớ những lời giản dị mà những bậc cao niên cùng ở buôn Ýuk đã tâm sự trong khi nhâm nhi ly rượu cùng khách phương xa. Nói về tiến trình xóa nghèo, khởi giàu ở Đắk Phơi, họ cùng có chung nhận định rằng, trong kháng chiến, nhân dân Đắk Phơi đã có nhiều đóng góp cho công cuộc thống nhất đất nước. Nay, đồng bào các dân tộc ở Đắk Phơi phải đoàn kết một lòng để xây dựng quê hương giàu đẹp. Đúng như nữ già làng H’Yiêng Dak Chắt cũng như lãnh đạo tỉnh, huyện vẫn nói, trong kháng chiến có biết bao khó khăn, hiểm nguy mà người Đắk Phơi vẫn bám trụ kiên cường, thì thời bình khó khăn mấy cũng phải vượt qua.

Đưa chúng tôi đi dọc con đường đất đỏ trườn qua những đồi cà phê, vườn điều, anh nông dân chịu thương chịu khó có tên là Y’Minh, chủ một cơ ngơi đáng nể gồm vườn điều và 3 rẫy cà phê ở buôn Liêng Kéh, chia sẻ: “Đất đai ở đây màu mỡ lắm. Nhưng trước kia, kỹ thuật và sự đầu tư của bà con còn yếu nên năng suất điều và cà phê không bằng những nơi khác. Bây giờ, khoảng trống đó đã được lấp đầy”…

Trẻ em ở Đắk Phơi đang học chữ. Ảnh: Đăng Anh

Quả như lời anh Y’Minh, lần đầu tiên đến Đắk Phơi vào năm 2007, chúng tôi đã có buổi “điều nghiên” tình hình sản xuất của một số hộ dân nơi đây và nhận ra một thực tế có thể xem là “rào cản nội tại” của con đường đi lên của xã. Đơn cử, tại buôn Liêng Keh, trong số 3 chủ gia đình, khi được hỏi: “Có vay vốn ngân hàng để mua phân đầu tư cho việc trồng cà phê và tiêu không?”, tất cả đều trả lời: “Mình không ưng! Mình chỉ làm cỏ là được rồi. Nó có nước trời nuôi rồi mà!”.

“Nhưng bây giờ, không còn chuyện đó. Ở Đắk Phơi, đa số hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo, điện thắp sáng được Nhà nước đầu tư kéo về hầu hết các thôn, buôn. Đặc biệt, buôn Liêng Keh là một trong những buôn có nhiều gia đình chính sách nhất xã, bà con không ỷ lại Nhà nước mà phát huy nội lực vươn lên, nên cả buôn không có gia đình nào thuộc diện hộ nghèo, đời sống một số gia đình khá, giàu…” - Anh Y’Minh nói như “phản ứng” lại những câu chuyện buồn mà chúng tôi “chiếu” lại từ ký ức.

Chúng tôi vui lây với cái vui của anh Y’Minh, vì không chỉ có sự nỗ lực của người dân địa phương mà anh là một điển hình, 10 năm qua, sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều cấp đối với xã anh hùng Đắk Phơi là rất lớn. Thực tế, sự chuyển mình của xã miền núi này đã được đánh dấu bằng những dấu mốc quan trọng: Người dân đã xóa bỏ được tập tục đốt rừng làm nương rẫy, biết làm lúa 2 vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa vào những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Hiện toàn xã có gần 60 héc-ta điều và ca cao, hơn 120 héc-ta cây ăn quả, 540 héc-ta cà phê, 520 héc-ta sắn cao sản, 521 héc-ta ngô lai và gần 240 héc-ta lúa nước và còn hàng trăm hộ nhận khoán trồng rừng, hằng năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng/hộ. Khi đời sống vật chất của gần 1.300 hộ dân (với 5 dân tộc M’nông, Mông, Tày, Nùng và Kinh) sinh sống trên 11 thôn, buôn được cải thiện, đồng bào ngày càng chăm lo đến việc học hành của con cái. Trên địa bàn xã, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học, trong xã hiện có 3 trường học từ mầm non đến trung học cơ sở với trên 1.000 học sinh...

Hơn một ngày ở Đắk Phơi trôi qua thật nhanh. Chia tay bà H’Yiêng Dak Chắt, anh Y’Minh cùng những con người chân chất một thủa kiên trung với cách mạng, trên đỉnh đèo, chúng tôi ngoái nhìn lại, Đắk Phơi chỉ còn là một chấm mờ ở phía xa. Hai bên đường, những vạt cúc quỳ vẫn vàng rực reo vui và hương của hoa cà phê. Chúng tôi tin rằng, với nội lực của mình, Đắk Phơi sẽ ngày càng đi lên, xứng đáng một xã giàu truyền thống cách mạng.

Nguyễn Đăng Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/duoi-chan-nui-chu-yang-sin/