'Dưới Cầu Giang Tô' truyện thơ lục bát chống phát xít

Dưới Cầu Giang Tô (1940) là truyện thơ, dài 324 câu, của thi sĩ Quỳnh Dao, tuy vẫn mang bút pháp trữ tình của phong trào Thơ Mới, song nội dung của nó đã phản ánh được thời cuộc xã hội lúc bấy giờ và như một lẽ tự nhiên đã nhập vào dòng văn học hiện thực cách mạng.

Trong phong trào Thơ Mới 1932-1945, Quỳnh Dao, tên thật Đinh Nho Diệm, sinh năm 1918, quê xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, là thi sĩ có tên tuổi với các tác phẩm tiêu biểu: Tập thơ văn Tiếng chuông chiều (in chung với Liêu Kỳ Lộc - Nhà in Thụy Ký, Hà Nội, 1937); Tập thơ Tơ trăng (Nhà in Asiatic, Hà Nội, 1939) và đặc biệt là Truyện thơ Dưới Cầu Giang Tô (Nhà in Minh Tâm, Hải Phòng, 1940).

Truyện thơ chống phát xít đầu tiên viết theo thể lục bát

Dưới Cầu Giang Tô (1940) là truyện thơ, dài 324 câu, của thi sĩ Quỳnh Dao, tuy vẫn mang bút pháp trữ tình của phong trào Thơ Mới, song nội dung của nó đã phản ánh được thời cuộc xã hội lúc bấy giờ và như một lẽ tự nhiên đã nhập vào dòng văn học hiện thực cách mạng.

Cốt truyện mô tả một mối tình say đắm của đôi trai gái Khánh Lang Vân - Bội Huyền, chàng ra trận bặt tin, nàng liều mỉnh quyết đi tìm người yêu và bị sa vào tay phát xít Nhật, phải giả vờ chịu chung chăn gối với tên tướng giặc “Tay quờ bao súng, tay vờ ôm nhau”, nhưng nàng đã không bắn trúng tên tướng giặc và đã bị chúng đưa về xử bắn bên cầu Giang Tô.

Sự chiến đấu hy sinh của họ trong thời kỳ chống phát xít Nhật ở Tây Hồ, Hàng Châu, Trung Quốc là hư cấu cả về nhân vật và địa danh, nhưng bối cảnh lịch sử là có thực, khi họa phát xít đang hoành hành khắp châu Âu và một phần lớn châu Á.

Ở thời điểm đó, năm 1940, tác giả đã sớm dự cảm được nguy cơ bọn phát xít Nhật sắp tràn sang Việt Nam dày xéo đất nước, và với ý thức một công dân có trách nhiệm trước tồn vong của Tổ quốc, Quỳnh Dao đã bất chấp hiểm nguy viết nên truyện thơ lục bát Dưới Cầu Giang Tô để thức tỉnh tinh thần dân tộc, kêu gọi nhân dân ta đứng lên chống phát xít Nhật.

Giấy chứng nhận Quỳnh Dao.

Giấy chứng nhận Quỳnh Dao.

Có thể nói Dưới Cầu Giang Tô là tác phẩm văn học chống phát xít công bố đầu tiên ở nước ta. Sau đó, dường như chỉ có hai tác phẩm thơ ca viết về đề tài này: Bài thơ Ly rượu thọ của Tố Hữu và bài hát Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi. Sự đàn áp khốc liệt của bọn Nhật, thậm chí cả trong sáng tác văn học, là một sự thật đau lòng đáng lên án, vì chính khi thi sĩ Quỳnh Dao bị giặc Nhật, Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò rồi vượt ngục thì truyện thơ Dưới Cầu Giang Tô đã bị đốt sạch.

Ngay trong Thư viện Quốc gia hiện nay cũng chỉ còn lại thư mục. May thay tác phẩm này vẫn còn sống mãi trong trí nhớ thuộc nằm lòng của gia đình thi sĩ (Bà Đinh Thị Phúc, em ruột Quỳnh Dao, đã đọc lại từng câu một để gia đình khôi phục gần như nguyên vẹn truyện thơ) và năm 1999 đã được nhà thơ Anh Chi đưa in trong tác phẩm sưu tầm nghiên cứu của mình (Văn phẩm Quỳnh Dao. Nxb Thanh niên, 1999). Đó chính là nguyên nhân khiến một thời gian dài chúng ta còn ít biết đến truyện thơ này.

Về thể loại văn học, Dưới Cầu Giang Tô là truyện thơ thể lục bát bằng chữ quốc ngữ xuất hiện sớm nhất ở Việt Nam, tiếp nối được truyền thống truyện thơ lục bát chữ Nôm, tiêu biểu là Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, khi viết tác phẩm này Quỳnh Dao đã thấm sâu ý tưởng về xây dựng một nền văn học chữ Quốc ngữ mà ông đã luôn cổ súy cho đến mãi về sau, như chính ông đã viết trong bài xã luận “Phải phổ thông học vấn cho toàn thể dân chúng” đăng trên Tạp chí Đông Tây do ông làm chủ bút (Tạp chí Đông Tây, số 2, Janvier, 1942).

Ngoài tiếng Việt (chữ quốc ngữ), thể thơ lục bát của truyện thơ Dưới Cầu Giang Tô còn mang đậm dấu ấn truyền thống ca dao, tục ngữ độc đáo trong dòng văn học dân gian Việt Nam, được nhà thơ Quỳnh Dao hết sức tôn thờ, đó là vần điệu.

Khi viết Dưới Cầu Giang Tô tác giả rất chú ý tuân thủ vần điệu; ông mở đầu truyện thơ với hàng loạt câu được gieo vần lục bát chuẩn mực một cách tuyệt đối, nhưng vẫn thanh thoát bay bổng, giàu nhịp điệu, không hề gợn một chút gì gò bó: Cả trời vừa chớm sang thu/ Cành lê một nửa lá đu đưa vàng…/ Sáng mai nay có một chàng/ Mang hồn thơ giữa đất Hàng Châu thu/ Bốn phương mây khói mịt mù/ Nước non còn dấu khách du phong trần/ Báo chương nổi tiếng xa gần/ Khách Lang Vân với những vần mơ say.

Mấy điều cảm nhận

Viết bài này, chúng tôi chưa thể đánh giá một cách đầy đủ về truyện thơ lục bát Dưới Cầu Giang Tô. Song nhân kỷ niệm 100 năm sinh của thi sĩ Quỳnh Dao (1918 - 2018), chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu để có thể bước đầu giới thiệu tác phẩm này qua một số cảm nhận.

Dưới Cầu Giang Tô có nhiều câu thơ mới lạ và hay, khắc họa được những hình ảnh đặc sắc đầy ấn tượng của hiện thực làm xúc động lòng người.

Đối với cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của bọn phát xít Nhật, thi sĩ Quỳnh Dao đã đưa người đọc tiếp cận được hình ảnh tận cùng của sự chết chóc đau thương: Đồng khô xương trắng phơi đầy/ Chiều sương nặng cánh diều bay tha mồi/ Và gần Thượng Hải chao ôi!/ Đỏ sông Dương Tử máu người Trung Hoa. Và hệ lụy của chiến tranh khiến không chỉ con người mà đất trời cũng phải sầu thảm: Mồ hoang đắp mảnh chiến bào/ Trăng rơi thấm đất lạnh vào hư không.

Và khi nói đến phong cảnh thiên nhiên tác giả đã khéo phối hợp được nhiều cảnh sắc trong cùng một câu thơ như: Cành hoa sương phủ lối mòn sau hiên. Ở đây, hoa cỏ, sương gió, đường đi, nếp nhà đã hòa quyện vào nhau làm đậm nét cho câu thơ. Bằng thủ pháp nhân cách hóa, Quỳnh Dao đã tạo nên câu thơ sống động một cách tài hoa: Nắng đào say khướt ngang xiên ngọn đồi; hoặc quyến rũ đến nao lòng: Cầm tay nhìn phía thuyền câu/ Lẳng lơ trăng đã bên lầu Bích Dương. Khi mô tả nhan sắc của người thiếu nữ, chỉ một vài nét chấm phá cũng đủ làm ta xiêu lòng: Xiêm y hé nở thân ngà/ Mịn màng như một màu hoa phớt hồng.

Dưới Cầu Giang Tô phản ánh một hiện thực sinh động, phác họa được tính chất của cuộc chiến tranh xâm lược hiện đại, cảm xúc và tâm thế con người trước bối cảnh đó.

Nếu như ở các thời đại trước, khi nói đến chiến tranh người ta thường dùng đến các từ ngữ chỉ binh khí sát thương và các công cụ thô sơ như: giáo, gươm, tên, nỏ, khiên, mộc, ngựa, thuyền…, thì ở Dưới Cầu Giang Tô đã được thay thế bằng những từ ngữ khác hẳn, thích hợp với thời đại lúc bấy giờ: bom, đạn, máy bay (phi cơ), giầy đinh như trong các câu: Bom rơi, đạn xé căm hờn ngút mây; hoặc Ngang trời trăm chiếc phi cơ; Đường đi đã lộ gót giầy sắt đinh, v.v… Phải nói giữa thế kỷ 20, ít có tác phẩm thơ nào đưa được vào thơ những từ ngữ phản ánh hiện thực như thế.

Một điểm rất đáng chú ý là vai trò người phụ nữ trong chiến tranh đã được khắc họa đậm nét trong Dưới Cầu Giang Tô mà trước đây và ngay cả lúc bấy giờ ở các nước hầu như rất ít được nói đến. Câu chuyện xảy ra ở Hàng Châu, nhưng tinh thần bất khuất trong Dưới Cầu Giang Tô lại chính là nói về người phụ nữ Việt Nam mang truyền thống của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai.

Ở đây nhân vật Bội Huyền đã trở nên quen thuộc: Ruột gan như muốn tòng chinh theo chàng; và Chuyến này liều chết một phen/ Cùng chàng xin hẹn báo đền non sông… và cuối cùng Bội Huyền đã hy sinh oanh liệt trước mũi súng quân thù xâm lược: Năm tên lính Nhật xếp hàng/ Lia ngang loạt súng một tràng đạn bay/ Tây Hồ sẫm nước đùn mây/ Rưng rưng trăng vẽ nét mày hồng nhan.

Dưới Cầu Giang Tô đã có những cách tân trong nhịp điệu câu thơ và ngôn từ. Về ngôn từ, Quỳnh Dao đã đưa vào tác phẩm những tính từ và động từ mới, tạo nên nét độc đáo cho truyện thơ.

Quỳnh Dao đã dùng tính từ vàng rộm (có màu vàng sẫm, pha sắc đỏ, đều và khắp) rất mới lạ khi nói về trăng: Trăng ngâm vàng rộm dưới cầu Giang Tô khiến trăng không chỉ đẹp mà như tỏa mùi thơm ngon của quả chín (cam, bưởi).

Còn nói về hành động thì nhà thơ đã dùng động từ “đưa” thay thế động từ hót (chim hót) để người đọc liên tưởng tới loài chim dường như là người nghệ sĩ đang dạo đàn: “Chim đưa khúc nhạc trên cành/ Lòng run như ý chưa thành chơi vơi”. Những từ ngữ mới như vậy còn tìm thấy ở nhiều chỗ trong Dưới Cầu Giang Tô…

Cũng phải nhìn nhận rằng Dưới Cầu Giang Tô chịu ảnh hưởng nhiều về giọng điệu, nhịp thơ cũng như sử dụng ngôn từ của Truyện Kiều. Nhưng khi sử dụng những ngôn từ đó Quỳnh Dao đã không hoàn toàn bắt chước mà đã có sáng tạo, ví dụ ở Truyện Kiều Nguyễn Du dùng Gương nga chênh chếch dòm song thì ở Dưới Cầu Giang Tô Quỳnh Dao đã dùng một vật rất tĩnh là song cửa để tác động lên ánh trăng di động: Song cài lên ánh trăng khuya, có vẻ như cảm nhận này là vô lý nhưng mới lạ, và nhất là vẫn đúng do đã tuân theo quy luật chuyển động tương đối.

Dưới Cầu Giang Tô là một thiên tình sử bi tráng. Hàng Châu với Tây hồ không chỉ là một danh lam thắng cảnh bậc nhất của nước Trung Hoa mà còn là hàng nước mắt của trời khóc cho số phận của một đôi trai gái tài sắc và hiên ngang, lẫm liệt trước họa xâm lăng, mà tác giả đã gửi gắm vào đó: Hàng Châu trời khóc sương đầy/ Nàng ôi giờ biết bèo mây phương nào. Đó là lời cảnh báo cho nhân loại thiết tha yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh.

Tác phẩm văn học Dưới Cầu Giang Tô viết từ năm 1940 của thế kỷ trước trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Tác giả Quỳnh Dao cũng đã lìa cõi dương cách đây hơn 70 năm. Tuy nhiên, tác phẩm này vẫn còn mang tính thời sự.

Nguyễn Xuân Hòa

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/duoi-cau-giang-to-truyen-tho-luc-bat-chong-phat-xit-532725/