Dưới bóng cờ bay - Kỳ cuối: Lời hẹn mùa Xuân

Trong khoảnh khắc đôi tay rắn rỏi, ấm áp của người lính biên phòng trẻ tuổi nắm lấy đôi bàn tay già nua, gân guốc của bà cụ già, nụ cười thanh xuân rạng rỡ sáng bừng trên gương mặt em. Ánh mắt cụ Tào cũng ngời lên niềm vui. Bà cúi xuống như muốn gần thêm chút nữa để có thể nhìn rõ hơn gương mặt của Vương. 'Năm nay, con sang đón Tết với bà nhé', Vương ân cần nói.

Dư vị yêu thương…

Trong bữa ăn cùng cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Cái Cùng (Bộ đội biên phòng Bạc Liêu), chúng tôi được nghe cán bộ chiến sỹ ở đây nhắc nhiều đến Đại úy Nguyễn Đăng Minh, cán bộ quân y của Đồn cùng những món ăn của anh. Bữa cơm ngày thường của bộ đội là những món ăn dân dã như đĩa rau muống luộc, đĩa dưa góp, nồi cá kho… Nhưng anh Minh chỉ cần nhẹ nhàng gia giảm thêm chút vị chua thanh của trái me, trái sấu trong bát canh rau, thêm quả cà muối, điều chỉnh chút độ đậm nhạt và thời gian tẩm ướt, món ăn cũng đã mang một hương vị khác.

Là người con đất Bắc, Đại úy Nguyễn Đăng Minh quê ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nhưng đã có quãng thời gian hơn 20 năm gắn bó với miền Tây Nam Bộ - với anh Minh chế biến mỗi món ăn không chỉ góp phần làm đa dạng thêm hương vị món ăn cho những người đồng đội của mình. Mà quá trình đó còn là sự chiêm nghiệm những nét đặc sắc trong ẩm thực các vùng miền. Chiêm nghiệm cả tình người, cả những giá trị văn hóa ẩn sâu bên trong đó.

Tính cách thành thực, thẳng thắn, hào sảng của người miền Nam được thể hiện ngay trong cách chế biến món ăn. Hương vị nào cũng phải thật đậm đà mạnh mẽ đến không thể quên: Mặn phải mặn quéo, cay phải cay xè, chua cho nhăn mặt, ngọt gắt, đắng chát, béo ngậy, còn nóng thì phải nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Ăn món miền Nam thường phải xuýt xoa, phải hít hà. Trong khi ẩm thực miền Bắc thì có nét tinh tế, thâm trầm, kín đáo hơn. Hương vị nào cũng dừng lại ở sự hài hòa, vừa đủ để đẩy đưa vị giác…

Vẫn xoay quanh câu chuyện về những món ăn nhưng khi tôi hỏi đến kỷ niệm về món ăn ngày Tết với mẹ, anh không nhìn vào người phỏng vấn nữa mà lặng lẽ hướng mắt nhìn xa xăm về phía khuôn viên doanh trại.

Trời mỗi lúc mưa một dày hạt. Chúng tôi cứ thế lặng yên ở một góc khuôn viên Đồn Cái Cùng. Mắt anh hơi ửng đỏ hay cảm giác của tôi là mắt anh hơi ửng đỏ tôi không còn rõ nữa. Chỉ nhớ là cảm giác ấy thoáng qua rất nhanh, như cơn mưa ở Đồn Cái Cùng hôm ấy rồi cũng tạnh rất nhanh…

Mãi một lúc sau anh mới quay sang bảo, “ngày Tết anh nhớ mẹ, nhớ kỷ niệm ngày nhỏ gói bánh chưng với bà”. Anh không nói thêm gì nhiều. Tôi cũng thôi không hỏi thêm anh thật tỉ mỉ như thói quen nghề nghiệp của tôi xưa nay. Có những khoảng lặng im đã nói thay cho muôn vàn lời nói…

Và khi tôi viết đến những dòng này, nghĩ đến anh, bất giác tôi lại nhớ lúc tôi còn nhỏ, Tết đến vẫn háo hức được cùng mẹ gói và trông nồi bánh chưng. Trông đến tận khuya, chị em tôi buồn ngủ rồi thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc ngủ chập chờn, mơ màng vẫn thấy mẹ tôi thức canh lửa… Mẹ tôi đã già. Mẹ Đại úy Nguyễn Đăng Minh năm nay tuổi đã ngoài 84. Tôi có thể về thăm mẹ thường xuyên còn Đại úy Nguyễn Đăng Minh- anh là người lính. Có những mùa xuân anh không thể hẹn trở về vui Tết đoàn viên với bà…

Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Khánh Hội phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ xã Khánh Hội tổ chức chương trình “Ngày hội Bánh Tét” tặng các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn. Ảnh: T.Hải

Cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Khánh Hội phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ xã Khánh Hội tổ chức chương trình “Ngày hội Bánh Tét” tặng các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn. Ảnh: T.Hải

“Năm nay con sang đón Tết với bà”

Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, Tết không phải chỉ mang ý nghĩa là kết thúc một năm cũ và chào đón một năm mới với bao niềm hứng khởi sẽ đến mà Tết còn là dịp đoàn viên, là lúc để người đi xa được trở về sum vầy ấm áp bên gia đình.

Với những người lính, tôi nhớ các anh luôn có câu khẩu hiệu “Vui xuân không quên nhiệm vụ”. Thời điểm Tết đến xuân về, người chiến sỹ biên phòng lại càng phải tăng cường công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đường biên mốc giới, bám sát địa bàn, giữ gìn an ninh trật tự, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ, đem lại bình yên cho nhân dân vui xuân, đón Tết.

Năm đầu tiên đón Tết xa nhà, Trung úy Đoàn Văn Tuyền – Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy tội phạm (Đồn biên phòng Khánh Hội) chia sẻ, em cũng đã rất nhớ nhà. Nhưng ở đồn, việc tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền dân tộc cho cán bộ, chiến sỹ luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm chăm lo đầy đủ, không chỉ riêng vật chất mà còn cả tinh thần. Đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động mừng Đảng, mừng xuân và hướng về người nghèo, gia đình chính sách, nhất là thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, gia đình neo đơn. “Với những hoạt động như vậy, Tết với người lính xa nhà như chúng em càng thêm ý nghĩa, thiêng liêng. Nỗi niềm nhớ thương quê nhà bởi thế cũng nguôi ngoai và cảm giác dường như cũng trở nên nhẹ nhàng hơn”, Tuyền chia sẻ.

Gần dân, gắn bó với dân, thương dân nên với bà con nơi đây, nhưng người lính như Tuyền cơ hồ như đã trở thành người thân trong gia đình. Cảm giác thân thiết, gắn bó ấy, tôi đã cảm nhận được trong ánh mắt đong đầy niềm vui của cụ Trần Thị Tào (92 tuổi - ấp Vĩnh Lạc – xã Vĩnh Thịnh – huyện Hòa Bình) khi cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Cái Cùng xuống thăm nhà. Trong ánh nhìn tin cậy của cháu Võ Thị Ngọc Huyền (học sinh lớp 5A, trường tiểu học 2 thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) dành cho các chú bộ đội. Trong gương mặt dẫu không giấu nổi vẻ mệt mỏi, bơ phờ nhưng ánh mắt thì chất chứa niềm vui, sự biết ơn của ông Võ Văn Thiêm (ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) khi kể về những người lính biên phòng. Không chỉ kịp thời phối hợp dập lửa, cứu người khi nhà ông Thiêm không may gặp hỏa hoạn, bộ đội biên phòng còn đóng góp tiền bạc, ngày công giúp ông dựng lại căn nhà để còn kịp đón Tết….

Cảm giác thân thiết ấy tôi cũng đã cảm nhận được trong cách chuyện trò của Trung úy Phan Minh Vương (Đồn biên phòng Cái Cùng – Bộ đội biên phòng tỉnh Bạc Liêu) với cụ Trần Thị Tào; trong lời hẹn của em với bà “Tết năm nay con sang đón Tết với bà”. Lời hẹn ấy như là lời hẹn của mùa xuân…

Và tình cảm thân thiết, gắn bó ấy tôi cũng đã cảm nhận được trong rất nhiều câu chuyện, nhiều việc làm khác nữa mà trong giới hạn chật hẹp của con chữ khó có thể kể hết cho tròn…

Chia tay những người lính biên phòng miền Tây Nam Bộ, hành trang trở về của chúng tôi là cái mặn mòi của nắng, gió của miền Tây Nam Bộ, là những nụ cười ấm áp, hồn hậu của người chiến sỹ biên phòng đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, là niềm xúc động trước tình cảm quân dân nồng ấm nơi đây…

Trong suốt hành trình của mình, tôi đã được nghe, được chứng kiến những câu chuyện giản dị, ấm áp, thân tình về tình quân dân nơi cực Nam Tổ quốc – những câu chuyện diễn ra dưới bóng Cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc. Mỗi ngày với những người chiến sỹ nơi đây là rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện, những việc làm giản dị như thế. Những việc làm nhỏ giản dị ấy mỗi ngày đã vun đắp lên thành tình quân dân thắm thiết ân tình, làm nên thế trận lòng dân vững chắc, để cùng nhau góp sức dựng xây, bảo vệ Tổ quốc….

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/duoi-bong-co-bay-ky-cuoi-loi-hen-mua-xuan-176668.html