Dưới bóng cờ bay - Kỳ 2: Miên man tình đất - tình người

Các chuyên gia văn hóa từng nói rằng, mỗi vùng đất được kiến tạo nên bởi những con người. Con người với nhận thức, tâm hồn, tính cách và văn hóa ứng xử thế nào sẽ tạo nên vùng đất như thế. Và tôi đã mượn câu nói của Trung úy Phan Minh Vương (chiến sỹ Đồn biên phòng Cái Cùng) để làm tựa cho kỳ 2 trong loạt bài viết về những câu chuyện nhỏ về tình quân dân 'dưới bóng cờ bay'.

“Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”

Trong cuộc chuyện trò với cán bộ, chiến sỹ ở Đồn Cái Cùng, khi ngồi nói về sự phát triển của Bạc Liêu, điểm qua tên các đặc sản của vùng đất này, Vương bảo với tôi rằng: “Đặc sản” của Bạc Liêu chính là con người”.

Bạc Liêu đang từng ngày “thay da đổi thịt”, đổi mới, khởi sắc hơn nhờ sự chung sức, chung lòng dựng xây quê hương của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bạc Liêu. Trong đó có sự góp sức tích cực của những người lính biên phòng.

Chúng tôi đặt chân đến Đồn Biên phòng Cái Cùng (đóng trên địa phận xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cũng là khi cơn mưa vừa tạnh hạt. Hình ảnh đầu tiên ùa vào tầm mắt là những khoảng không xanh mướt. Màu xanh cỏ cây hòa vào sắc xanh áo lính gợi cảm giác hài hòa, bình yên.

Gắn bó với Đồn Cái Cùng từ những ngày đầu tiên, Thượng tá Hà Văn Sao, Trưởng Ban Tuyên huấn Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bạc Liêu, nhớ lại: “Trước đây quanh cảnh Đồn Cái Cùng giống như rừng vậy. Con đường đất dẫn vào đồn cây cỏ um tùm, cao quá đầu người. Máy cắt cỏ cứ cắt được khoảng chừng 1 tiếng là lại hỏng mà mỗi lần hỏng như vậy lại phải mang lên TP Bạc Liêu mới sửa được”.

Sau đó, bộ đội về mới bắt tay vào chỉnh trang, sửa sang nhà cửa, cải tạo đất đai, tăng gia sản xuất. Nghe lời kể của Thượng úy Hà Văn Sao, dõi mắt nhìn về phía những giàn bầu trĩu quả, những vườn rau, vườn cây thuốc nam xanh um tươi tốt trong khuôn viên đồn mới thấy, để có được màu xanh ấy là bao mồ hôi, công sức, bao nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng nơi đây.

Theo Đại úy Phạm Thanh Nhân – Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cái Cùng, khó khăn lớn nhất trong công tác tăng gia sản xuất của cán bộ, chiến sỹ ở đồn là đất đai nhiễm mặn. Đã thế mùa mưa lại kéo dài, khi con nước lên, một mặt làm tăng thêm độ mặn trong đất, một mặt cuốn trôi hết đất màu, làm đất đai thêm cằn cỗi bạc màu. Rau màu thiếu chất dinh dưỡng không phát triển được. Không ngại khó, ngại khổ, cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Cái Cùng một mặt chủ động đắp bờ đê ngăn mặn không cho nước mặn xâm nhập, một mặt tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm thau chua, rửa mặt, xổ phèn cải tạo đất. Đất mặt không trồng được, các anh mua bạt về trải lót xuống dưới trước, xin đất tốt phủ lên rồi mới bắt đầu triển khai trồng trọt.

Cứ thế 3 năm qua, mỗi ngày từng chút, từng chút một với nỗ lực “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Cái Cùng đã biến vùng đất phèn mặn, cằn cỗi thành một khu tăng gia sản xuất xanh, sạch, đẹp. Không chỉ có rau xanh, đồn còn gây dựng được đàn dê 150 con, đàn heo khoảng 50 con.

Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trong năm Đồn Cái Cùng đã thu hơn 4.500 kg rau, củ, quả xanh các loại, hơn 1.280 kg thịt, cá đưa vào bữa ăn hàng ngày cải thiện đời sống cán bộ, đoàn viên trong đơn vị. Từ mô hình cải tạo, tăng gia sản xuất của đồn cũng giúp người dân trên địa bàn đồn đóng quân có thêm kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo, bởi một lẽ rất giản dị như người dân nơi đây vẫn nói “bộ đội làm được thì nhân dân cũng làm được”.

Chiến sỹ Đồn biên phòng Cái Cùng tặng quà cho các trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực đê ngoài rừng phòng hộ mương 2, ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Chiến sỹ Đồn biên phòng Cái Cùng tặng quà cho các trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực đê ngoài rừng phòng hộ mương 2, ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

“Hoa của Đất”

Tôi nhìn những bông hoa đang đua nhau khoe sắc trong khuôn viên Đồn biên phòng Cái Cùng, có sức người, đất cằn cũng nở hoa. Nghĩ đến những việc làm, những cống hiến thầm lặng của những người lính biên phòng nơi đây, lại càng thấm thía hơn câu nói: “Con người ta là Hoa của Đất”.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tuần tra vũ trang bảo vệ địa bàn khu vực ven biển, xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan đơn vị, Đồn biên phòng Cái Cùng còn phối hợp với nhân dân các xã thuộc địa bàn đồn quản lý xây dựng nông thôn mới. Từ làm cầu dân sinh, dựng nhà tình thương, phát quang đoạn đường tự quản, làm đường nông thôn mới, đến tặng quà cho các hộ nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật… Dường như mọi việc lớn nhỏ của người dân nơi đây đều có sự tham gia tích cực, nhiệt huyết của những người lính biên phòng.

Từ Đồn biên phòng Cái Cùng về với các hộ dân trên địa bàn đồn đóng quân có không ít đoạn phải băng qua những con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo, những cây cầu khỉ chòng chành và mảnh như sợi chỉ. Sau mưa, những con đường đất nhỏ lại càng thêm lầy lội, trơn trượt. Ngồi sau xe Trung úy Phan Minh Vương (chiến sỹ Đồn biên phòng Cái Cùng), tôi thỉnh thoảng lại phải bám chặt tay vào yên xe vì sợ ngã. Vương dường như đoán được cảm giác lo lắng của người ngồi phía sau. Thay vì trấn an tôi, em vui vẻ kể tôi nghe kỷ niệm về lần đầu tiên đi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con.

“Cách đây 3 năm, em ra trường thì được phân công công tác về Đồn Cái Cùng. Hôm đó đúng dịp Trung thu, em và một số chiến sỹ ở đồn nhận nhiệm vụ đi tuyên truyền pháp luật cho bà con khu vực đê ngoài rừng phòng hộ mương 2, ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu”.
“Nhiệm vụ đầu tiên nên em hồi hộp lắm. Sáng em thức dậy sớm quân phục chỉnh tề và hứng khởi lên đường. Ngang qua cây cầu khỉ giống như lúc nãy chị và em vừa qua đó, phần vì chưa quen địa hình ở đây, phần vì đường trơn, xấu, em té luôn xuống cầu. Người ngợm, giấy tờ, tài liệu tuyên truyền đều bị ướt hết cả”, Vương cười.

Cuốn theo câu chuyện của em, tôi quên bẵng nỗi sợ khi lần đầu đi qua cây cầu khỉ, vội hỏi với theo: “Té ngã vậy rồi, em có hoàn thành được nhiệm vụ đầu tiên đó không?”

“Dạ có chứ chị. Ngã xong em lại lồm cồm dậy đi tiếp”. Kể đến đây, giọng Vương chợt chùng xuống: “Các hộ dân sống ở đây đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Không có đất đai canh tác, họ sống bám vào bìa rừng mò cua bắt ốc, làm thuê làm mướn đắp đổi kiếm ăn qua ngày. Thấy chúng em mang theo cả đèn lồng, bánh kẹo, quần áo vào, nhiều cháu nhỏ ngơ ngác hỏi lại hôm nay là ngày gì mà các chú bộ đội cho chúng con quà. Có cháu nhận bộ quần áo mới em trao, cứ giữ khư khư mãi trong tay không dám mặc, bảo “con để dành để Tết mặc”.

Chạy cái ăn từng bữa, cái chữ cũng rơi rụng dần. Người lớn, nhiều người thậm chí đã quên đi mặt chữ. Trẻ em cũng không chú trọng việc học hành. Theo lời Vương kể, lúc tuyên truyền, cán bộ, chiến sỹ phải lựa sao nói với bà con những chuyện thật cụ thể, đơn giản nhất. “Ví như bà con không biết chữ, đi làm thuê làm mướn cho người ta đến lúc ký nhận lương, người ta ăn gian mình, mình không biết là mình thiệt thòi. Rồi giả sử đi trên đường nhìn bảng chỉ dẫn mà mình không đọc được thì không biết rẽ về hướng nào”. Từ những ví dụ nhỏ như thế, cán bộ, chiến sỹ của đồn lại động viên, vận động bà con cho con em đến trường.

Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ trong rất nhiều câu chuyện ở Đồn Cái Cùng. Khi ngồi viết những dòng này, tôi cũng đã ngồi đọc đi đọc lại báo cáo kết quả công tác năm 2019 của Đồn biên phòng Cái Cùng. Bản báo cáo giống như nhiều báo cáo khác với rất nhiều con số ngỡ chừng khô khan. Nhưng được về thực tế tại đồn, được theo chân những người lính biên phòng, được nghe những câu chuyện của họ, được chứng kiến những tình cảm mà bà con nơi đây dành cho người lính, tôi mới thấu hiểu được rằng: Sau mỗi con số đạt được được nêu trong báo cáo là rất nhiều gian nan, vất vả, rất nhiều sự cố gắng, nỗ lực, rất nhiều sự hy sinh thầm lặng của người lính. Sau mỗi con số cũng là rất nhiều cảm động cảm động về nghĩa tình quân dân, về mảnh đất và con người Bạc Liêu.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/duoi-bong-co-bay-ky-2-mien-man-tinh-dat-tinh-nguoi-176140.html