Được vẽ Bác Hồ là niềm vinh dự lớn

Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận đối với các văn nghệ sĩ nói chung và trong giới mỹ thuật nói riêng. Được gần Bác, vẽ Bác là niềm vinh dự, ước mơ của không ít văn nghệ sĩ.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, có nhiều họa sĩ-những cây đại thụ của nền mỹ thuật Việt Nam đã khắc họa hình ảnh của Bác Hồ với nhiều chất liệu khác nhau. Thậm chí có những họa sĩ tự trích máu của mình để vẽ chân dung Bác, bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với Người.

Trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có một tác phẩm hội họa rất quý, đó là bức chân dung Bác Hồ bằng máu của họa sĩ kiêm điêu khắc gia Diệp Minh Châu. Tác phẩm này được thực hiện vào năm 1947, nhân dịp kỷ niệm Lễ Độc lập-Quốc khánh, trong tâm hồn người nghệ sĩ trẻ trào dâng cảm xúc mãnh liệt, họa sĩ đã trích máu từ chính cánh tay mình để vẽ hình ảnh Bác Hồ cùng ba em nhỏ đại diện ba miền Bắc-Trung-Nam trên một tấm lụa. Bức huyết họa này sau đó được gửi ra Việt Bắc, kính tặng Bác Hồ. Tác phẩm không chỉ thể hiện tình cảm cá nhân họa sĩ, mà còn là minh chứng cho tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác cũng như niềm tin son sắt vào ngày thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Tranh Bác Hồ của họa sĩ Lê Duy Ứng.

Họa sĩ quân đội Lê Duy Ứng cũng đã vẽ Bác trong thời khắc đặc biệt. Trong cuộc chiến đấu ác liệt trước cửa ngõ Sài Gòn, họa sĩ trúng đạn, bị thương ở đầu, ngực và nặng nhất là hai mắt. Trong lúc đau đớn và hoảng loạn, bỗng hình ảnh Bác ùa về. Bằng sự kính trọng và tình cảm thiêng liêng dành cho vị Cha già dân tộc, họa sĩ dùng ngón tay thấm dòng máu nóng đang chảy tràn từ hai khóe mắt để phác họa thật nhanh bức chân dung Bác. Vài phút sau, bức chân dung hoàn thành kèm dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin, con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”. Máu chảy nhiều, họa sĩ lịm dần nhưng vẫn kịp cất bức vẽ vào trong ngực áo. Bức họa ấy trở thành biểu tượng tuổi trẻ với sức mạnh niềm tin chiến thắng của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Nhà giáo, họa sĩ Lê Thị Kim Bạch được giới chuyên môn đánh giá là một trong những họa sĩ hàng đầu Việt Nam về thể loại tranh chân dung. Cả đời làm nghệ thuật nhưng chưa có vinh dự được gặp Bác Hồ, sâu thẳm trong trái tim người nghệ sĩ luôn ấp ủ đề tài về Bác. Bằng tài năng thiên bẩm và sự kính trọng đối với Bác, họa sĩ đã khắc họa thành công nhiều tác phẩm về Người. Tác phẩm “Phút nghỉ ngơi” gợi nhớ lại thời gian Bác ở Pắc Bó (Cao Bằng), hay tác phẩm “Bác Hồ đi công tác” thể hiện sự vất vả khi Bác và đoàn công tác phải xuyên rừng, lội suối, và gần đây nhất là “Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh” được ghép hoàn toàn bằng đá tự nhiên. Dù đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng với tấm lòng yêu kính Bác, họa sĩ Kim Bạch vẫn ngày đêm miệt mài ghép cho bằng được bức tranh bằng chất liệu đặc biệt ấy với mong muốn tác phẩm sẽ trường tồn cùng thời gian.

Trong các thế hệ nghệ sĩ tạo hình thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, hình ảnh Bác luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận. Mỗi tác phẩm mỹ thuật toát lên hình ảnh Bác Hồ của chúng ta thật gần gũi, thân thương. Vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam nhưng hết sức khiêm nhường, giản dị, như những câu thơ trong bài thơ “Sáng tháng Năm” của nhà thơ Tố Hữu: Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ đậm đà/ Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…

PHÙNG MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/duoc-ve-bac-ho-la-niem-vinh-du-lon-539418