Được sử dụng pháo hoa trong lễ tết, cưới hỏi: Hiểu thế nào cho đúng?

Chuyên gia pháp lý cho rằng, người dân cần phân biệt được khái niệm 'pháo hoa' và 'pháo hoa nổ' để tránh bị nhầm lẫn dẫn đến vi phạm pháp luật.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021 thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Nhiều người dân khi tiếp cận thông tin này đã tích cực ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần.

Trao đổi với PV Gia đình Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành có nhiều nội dung sửa đổi, điểm mới trong quy định về việc quản lý, sử dụng pháo hoa so với trước đây khi người dân được sử dụng “pháo hoa” trong một số dịp quan trọng như tết nguyên đán, cưới hỏi, hội nghị, khai trương,..

Người dân cần phân biệt được khái niệm "pháo hoa" và "pháo hoa nổ" để tránh bị nhầm lẫn dẫn đến vi phạm pháp luật (Ảnh: TL)

Người dân cần phân biệt được khái niệm "pháo hoa" và "pháo hoa nổ" để tránh bị nhầm lẫn dẫn đến vi phạm pháp luật (Ảnh: TL)

Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý này lưu ý mọi người cần phải hiểu đúng và nhận thức đầy đủ để tránh việc sử dụng pháo trái phép có thể xảy ra.

Cụ thể, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/1/2021 quy định cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự thì được phép sử dụng pháo hoa và cũng chỉ rõ khái niệm “pháo hoa” là gì.

"Nếu trước đây pháo hoa được chia làm 02 loại là pháo hoa thông thường và pháo hoa nổ thì nay “pháo hoa nổ” được xếp vào nhóm “pháo nổ” và vẫn cấm như các văn bản trước đây. Còn pháo hoa được khái niệm là loại pháo phát ra âm thanh, ánh sáng nhưng không gây nổ. Chỉ có loại pháo hoa không phát ra tiếng nổ thì mới được phép sử dụng theo nghị định này", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Bởi vậy người dân cần nhận thức cho đúng những quy định của nghị định này, tránh việc hiểu lầm là nghị định này cho phép sử dụng cả pháo nổ, pháo hoa nổ như trước đây. Thực tế Nghị định này chỉ cho phép sử dụng pháo hoa không có tiếng nổ.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Từ ngày văn bản này có hiệu lực pháp luật thì các trường hợp sử dụng pháo hoa không có tiếng nổ như sử dụng ở sân khấu, đám cưới, sự kiện kỷ niệm... mới được xác định là hợp pháp và không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Còn các loại pháo hoa sử dụng trong đêm giao thừa thì đại đa số là pháo hoa nổ và vẫn bị cấm như các quy định trước đây.

"Do đó, từ nay đến thời điểm có hiệu lực pháp luật của văn bản này thì cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để người dân nhận thức được thế nào là pháo hoa và chỉ được phép sử dụng pháo hoa trong khuôn khổ pháp luật cho phép", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/duoc-su-dung-phao-hoa-trong-le-tet-cuoi-hoi-hieu-the-nao-cho-dung-d164714.html