Dược phẩm Việt 'ngóng' FDI

Bộ Y tế ước tính, mỗi năm ngành dược phải bỏ ra khoảng 2 tỷ USD để mua thuốc ngoại. Tuy nhiên, người Việt hoàn toàn có thể giữ được khoản tiền này ở lại nếu biết cách thu hút vốn FDI vào lĩnh vực dược phẩm.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thị trường dược phẩm phát triển nhanh nhất châu Á, xếp thứ 17/175 quốc gia trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng kép bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 14,1%.

Dư địa ngành dược còn lớn, nhưng quá trình đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực dược phẩm vẫn còn nhiều khó khăn. Đóng gói sản phẩm tại Công ty cổ phần Dược phẩm IMEXPHARM. Ảnh: S.T

Dự địa lớn

Với hơn 160 nhà máy sản xuất đạt chuẩn WHO-GMP, sản lượng thuốc trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Trước tình hình này, các chuyên gia dự đoán, năm 2017 và một vài năm tới, tốc độ phát triển của thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ từ 2 con số, không dưới 17%/năm, tốc độ tăng trưởng kép bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 11,8%.

Tính đến hết năm 2015, có hơn 40 dự án đầu tư FDI tại lĩnh vực dược phẩm, đáng chú ý là dự án Sanofi với tổng đầu tư 80 triệu USD, Nipro với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Ngoài ra, xu hướng đầu tư vào các công ty dược Việt Nam cũng ngày càng mở rộng.

Dư địa phát triển lớn là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến làn sóng đầu tư nước ngoài vào thị trường nội địa gia tăng đáng kể trong thời gian qua.

Tiêu cực khi xin giấy phép

Dù còn dự địa lớn song quá trình đầu tư của doanh nghiệp FDI vào trong lĩnh vực dược vẫn còn nhiều khó khăn. Khi nhìn nhận định về chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội bày tỏ quan ngại: “Những thay đổi trong chính sách và những quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngại rủi ro trong việc thực hiện đầu tư”, ông Adam Sitkoff nói.

Theo ông Adam Sitkoff , Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược. “Việc thi hành Nghị định này sẽ buộc một số nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu USD và làm gián đoạn việc cung cấp hàng ngàn loại thuốc cần thiết.

Tương tự, luật sư Lê Nết, Tiểu ban y tế, hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định, các quy định trong các văn bản luật nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc thu hút vốn FDI tại Việt Nam.

Điều 32, Luật Dược quy định các cơ sở kinh doanh thuốc bao gồm sản xuất, xuất nhập khẩu, kiểm nghiệm, bán buôn, bán lẻ, bán buôn lẻ, và thử nghiệm thuốc lâm sáng. Theo lý giải của luật sư Lê Nết, điều luật này cho thấy hoạt động phân phối chỉ có thể được kê vào hoạt động bán buôn, bán lẻ nhưng lại không thể xếp vào kiểm nghiệm và bảo quản thuốc.

Dẫn chứng một điều khoản khác tại khoản 10, Điều 91 Nghị định 54 quy định các cơ sở không thực hiện phân phối thuốc thì không được thực hiện những hoạt động liên quan trực tiếp việc đến đến phân phối thuốc như: vận chuyển, bảo quản thuốc. “Điều này đồng nghĩa với việc tôi được phân phối nhưng lại không được vận chuyển và bảo quản thuốc. Thế ai vận chuyển thuốc cho tôi? Vậy doanh nghiệp đang vận chuyển thuốc cho tôi thì có được tiếp tục phân phối và vận chuyển thuốc hay không, không vận chuyển cũng ko bảo quản thì làm thế nào?”, luật sư Lê Nết đặt câu hỏi?

Chất lượng thuốc có thể không được đảm bảo, do việc bảo quản thuốc sẽ không phải do các đơn vị chuyên nghiệp đảm nhận mà do doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện.

Thay đổi từ tư duy

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, việc quá mở thị trường dược sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp nội, gây nên những tác động không tốt cho thị trường. Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam nên tiếp tục mở cửa thị trường và quán triệt việc thực hiện luật dược.

“Quán triệt việc thực hiện Luật dược và tiếp tục cho phép các doanh nghiệp FDI cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc. Có quy định hồi tố cho các doanh nghiệp FDI đã được cấp phép đầu tư và hoạt động tại Việt Nam để tuân thủ nguyên tắc bảo vệ đầu tư sẽ giúp các doanh nghiệp FDI có thể dễ dàng tiếp cận với thị trường dược Việt Nam”, Luật sư Lê Nết khẳng định.

Dưới góc độ người làm chính sách, ông Nguyễn Văn Hậu, Chuyên viên Bộ Y tế khẳng định những quan ngại nêu trên là có thật và tác động đến quá trình đầu tư nước ngoài vào trong lĩnh vực dược phẩm. “Bộ Y tế lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các hiệp hội, Bộ cũng sẽ trình và xin ý kiến của Chính phủ giải quyết các khó khăn trên cơ sở tham vấn của các đại điện hiệp hội”, lãnh đạo bộ Y tế nói.

Ngọc Hà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/duoc-pham-viet-ngong-fdi-121508.html