DƯỢC PHẨM TW3 QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT, LỪA NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ COI THƯỜNG PHÁP LUẬT?

Thực phẩm chức năng Viên nén bao phim FORGOUT quảng cáo như thuốc tây đánh lừa người tiêu dùng, coi thường pháp luật.

TPCN quảng cáo như thuốc nhằm đánh lừa người tiêu dùng?

Trong giấy phép quảng cáo 04/2016/ATTP-XNCB được cục An toàn thực phẩm cấp ngày 08/1/2016 cho viên nén bao phim FORGOUT chỉ cho phép sản phẩm này quảng cáo rất ngắn gọn trong vòng 3 câu “Hỗ trợ giảm axit uric trong máu; an toàn cho người sử dụng và uống một lần duy nhất trong ngày”.

Thế nhưng trên thực tế, viên nén bao phim FORGOUT được công ty Dược phẩm Trung ương 3 quảng cáo với nhiều nội dung không được ghi trong giấy phép được cấp. Việc thổi phồng về công dụng của sản phẩm khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh: “Bằng việc kế thừa những thành tựu nghiên cứu khoa học hiện đại nhất trên thế giới, Công ty Cổ phần Dược phẩm TW3 đã áp dụng để bào chế ra sản phẩm điều trị gout hoàn toàn mới mang tính đột phá, giải quyết hoàn toàn các vấn đề nan giải của người bệnh gout lâu năm”.

Không những thế, trong mục “Chiến binh Forgout” – Niềm hy vọng mới cho người bị gout lâu năm” sản phẩm còn được thổi phồng về công dụng: “sản phẩm Forgout với khả năng chữa gout theo cơ chế “Vừa tấn công – Vừa phòng thủ”. Từ việc có công dụng HỖ TRỢ , Forgout được quảng cáo thành KHẢ NĂNG CHỮA BỆNH. Đây là điều hoàn toàn sai lệch so với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận tại Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 00698/2018/ATTP-XNQC và 01992/2017/ATTP-XNQC.

Một sản phẩm chỉ các tác dụng hỗ trợ nay lại được quảng cáo là có khả năng chữa Gout và giúp hạ axit uric nhanh chóng là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về quảng cáo đã được quy định rõ tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 181/2013/NĐ-CP: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiều nhầm là thuốc chữa bệnh.

Forgout được quảng cáo có tính vượt trội trong điều trị bệnh gout, điều không có trong giấy phép quảng cáo được cấp phép

Ngoài ra, để làm tăng tính hiệu quả của sản phẩm, Forgout còn được quảng cáo với những thông tin không có tài liệu chứng minh như: Forgout là sản phẩm vượt trội, tăng gấp đôi, gấp ba hiệu quả trị gout, cũng như tối ưu hiệu quả an toàn cho người dùng; Bằng việc kế thừa những thành tựu nghiên cứu khoa học hiện đại nhất trên thế giới, Công ty Cổ phần Dược phẩm TW3 đã áp dụng để bào chế ra sản phẩm…

Hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo cần phải xử lý nghiêm

Theo các chuyên gia pháp lý thì hành vi quảng cáo mật mờ gây nhầm lẫn cho khách hàng trong phân biệt giữa TPCN với thuốc chữa bệnh là hành vi vi phạm pháp luật nghiên trọng, không chỉ lừa dối khách hàng mà trong nhiều trường hợp đẩy khách hàng lâm vào cảnh "tiền mất tật mang".

Hành vi này được đều chỉnh theoquy định tại Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung tại Khoản 52 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, cụ thể:

Tại Điều 13. Vi phạm các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc

1. Cảnh cáo đối với hành vi người giới thiệu thuốc không đeo thẻ người giới thiệu thuốc khi hoạt động.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không gửi công văn thông báo với Sở Y tế khi người giới thiệu thuốc hoạt động tại địa bàn tỉnh khác với tỉnh được cấp thẻ;

b) Không gửi công văn thông báo kèm giấy tiếp nhận và nội dung quảng cáo tới Sở Y tế khi quảng cáo thuốc trên đài phát thanh, truyền hình địa phương;

c) Tổ chức hội thảo giới thiệu thuốc khi chưa nộp hồ sơ đăng ký tổ chức hội thảo giới thiệu thuốc tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc đang trong thời hạn xem xét, giải quyết hồ sơ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thông tin, quảng cáo thuốc không đúng với nội dung đã đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; thông tin, quảng cáo thuốc đang trong thời hạn xem xét, giải quyết hồ sơ theo quy định; thông tin, quảng cáo thuốc theo tài liệu thông tin quảng cáo đã đăng ký hết giá trị; thông tin, quảng cáo thuốc khi chưa nộp hồ sơ đăng ký thông tin, quảng cáo thuốc tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (trừ trường hợp thông tin thuốc không phải đăng ký);

b) Quảng cáo, thông tin các thuốc chưa được cấp số đăng ký hoặc số đăng ký hết hiệu lực, trừ trường hợp thông tin thuốc không phải đăng ký và hội thảo giới thiệu thuốc cho cán bộ y tế;

c) Không theo dõi, báo cáo kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) và Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc các thông tin mới được phát hiện của thuốc, các phản ứng có hại của thuốc và các biểu hiện suy giảm chất lượng của thuốc do đơn vị kinh doanh;

d) Cung cấp tài liệu thông tin, quảng cáo thuốc không chính xác.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thuốc kê đơn; vắc xin, sinh phẩm y tế dùng để phòng bệnh; thuốc không phải kê đơn nhưng được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo bằng văn bản sử dụng hạn chế hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc;

b) Thông tin, quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;

c) Sử dụng lợi ích vật chất hay tài chính dưới mọi hình thức để tác động tới thầy thuốc, người dùng thuốc nhằm thúc đẩy việc kê đơn, sử dụng thuốc;

d) Lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc;

đ) Người giới thiệu thuốc hoạt động khi chưa được cấp thẻ người giới thiệu thuốc;

e) Không báo cáo giải trình và thực hiện các biện pháp khắc phục theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước khi có hành vi vi phạm thông tin, quảng cáo thuốc.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đến thời điểm tháng 02/2018, tình trạng quảng cáo quá mức, quảng cáo chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm thực phẩm đến với người tiêu dùng vẫn xảy ra. Năm 2015, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã thanh, kiểm tra phát hiện 261 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trong đó có 203 cơ sở (77,7%) vi phạm về quảng cáo với số tiền phạt vi phạm hành chính là 3.571.000.000 đồng; Năm 2016 (số liệu tính đến ngày 26/12/2016), Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện, xử lý 89 cơ sở vi phạm trong đó số cơ sở vi phạm về quảng cáo: 54 cơ sở (60,6%) với số tiền phạt là 1.063.500.000 đồng; Từ ngày 1/1/2017 đến ngày 7/12/2017, đã xử lý 22 cơ sở vi phạm về quảng cáo với số tiền phạt là 775.000.000 đồng (trích thông tin từ Cổng thông tin điện tử Cục An toàn thực phẩm).

Nhóm PV

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/duoc-pham-tw3-quang-cao-sai-su-that-lua-nguoi-tieu-dung-va-coi-thuong-phap-luat-52708.htm