Dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả 'tung hoành', người tiêu dùng lạc vào 'ma trận'

Tình hình sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đang diễn ra rất phức tạp, gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường...

Hầu hết các thương hiệu có uy tín đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, mẫu mã thay đổi liên tục và tinh vi, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả. Ảnh: L.Đ.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hiện nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi.

Qua kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ thô sơ bằng cách trộn nguyên liệu trong xô, chậu với những nguyên liệu không rõ nguồn gốc.

Rồi cũng từ đây, chủ cơ sở gắn cho sản phẩm những tên gọi đẹp, hấp dẫn. Thủ đoạn làm giả hàng “xịn” ngày càng tinh vi với mùi hương, kiểu dáng sản phẩm giống y chang hàng thật vì vậy dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Điều này cho thấy việc đăng ký của các công ty cũng tràn lan, mặc dù cơ quan quản lý tích cực vào cuộc nhưng thị trường mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm vẫn còn rất phức tạp, việc quản lý mới chỉ dừng lại ở bề nổi mà thôi.

Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.

Song cũng không thể phủ nhận được, một trong những nguyên nhân khiến hàng giả hàng nhái chưa được xử lý triệt để do nạn làm hàng giả ngày càng kín đáo và tinh vi hơn.

Những xưởng sản xuất hàng giả, hàng nhái hầu như không tập trung làm tại một địa điểm như trước mà chia nhỏ ra mỗi nơi làm một công đoạn, sau đó gom lại đem tiêu thụ ngay nên ít bắt được số lượng lớn, trừ khi nắm thông tin chính xác đang có lô hàng tập trung chuẩn bị xuất đi.

Hầu hết các thương hiệu có uy tín đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, mẫu mã thay đổi liên tục và tinh vi, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả.

Tình hình trên đây có nguyên nhân chủ yếu là các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng chưa nhận thức sâu sắc và đề cao trách nhiệm, chưa chủ động, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, có nơi buông lỏng quản lý.

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan còn chưa đồng bộ, tính khả thi không cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, còn thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, dược liệu; việc thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời và kiên quyết; công tác tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm, chưa coi trọng cổ vũ động viên những tổ chức, cá nhân làm tốt; chưa phát huy tốt vai trò giám sát, phát hiện và tố giác vi phạm của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Sự bùng nổ của dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng trong đó có rất nhiều thông tin không chính xác về công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền, đã kích thích nhu cầu sử dụng các sản phẩm này ngày càng gia tăng mạnh trên thị trường.

Thực tế trên đây là đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.

Để kịp thời khắc phục tình hình đó, Trong Chỉ thị 17 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài.

Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn này.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phối hợp hiệu quả giữa cơ quan chức năng với các cơ quan thông tấn báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng địa phương nhằm nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật thương mại của thương nhân kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích chính đáng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Đặc biệt, người tiêu dùng phải thông thái hơn, cẩn thận hơn. Nhưng cũng thật khó khi hàng ngày hàng giờ họ phải đối mặt với ma trận mỹ phẩm giả. Ở đây, quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm và thái độ xử lý kiên quyết của cơ quan chức năng, trong đó lực lượng QLTT là nòng cốt.

Dư luận cho rằng, cùng với việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng độc hại này, thì cũng cần tiến hành kiểm tra xử lý những cửa hàng thuốc, hiệu spa dùng mỹ phẩm giả, độc hại lừa khách. Có nghĩa là, phải kiểm soát cả đầu vào lẫn đầu ra thì mới mong “chặt đứt” được những chiếc "vòi" đang hằng ngày đầu độc người tiêu dùng này.

Minh Châu

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/y-te/duoc-pham-my-pham-thuc-pham-chuc-nang-gia-tung-hoanh-nguoi-tieu-dung-lac-vao-ma-tran-45361