Được nhượng 35% cổ phần xăng dầu cho nước ngoài: Rủi ro

Trước xu hướng M&A diễn ra mạnh mẽ, mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài mua tới 35% cổ phần của doanh nghiệp xăng dầu nhà nước là quá rủi ro.

Góp ý thêm cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương, GS Đặng Đình Đào (ĐH. KTQD) cho rằng chưa phải thời điểm thích hợp để mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua tới 35% cổ phần của doanh nghiệp xăng dầu nhà nước. Thay vào đó, vị chuyên gia kiến nghị ngành công thương cần sửa đổi toàn diện Nghị định số 83, đặc biệt là phương án điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Chưa nên cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần xăng dầu. Ảnh: VnE

Chưa nên cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần xăng dầu. Ảnh: VnE

Quan điểm trên được đặt trong bối cảnh những cảnh báo về xu hướng M&A đang diễn ra mạnh mẽ hơn, điều này gây ra lo ngại về nguy cơ doanh nghiệp tiềm năng (có quy mô vừa và lớn, có thị phần nhất định và có vai trò dẫn dắt một số ngành quan trọng) có thể bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, ở thời điểm sau dịch, tình trạng gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị gây ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động, thì đây sẽ là thời điểm nhiều doanh nghiệp sẵn sàng xin "bán mình" để có tiền.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, hiện giờ, hàng loạt nền kinh tế, từ Mỹ, Ấn Độ, rồi Australia, các nước châu Âu, đều đã lần lượt đưa ra các cảnh báo về việc ngăn các ngành công nghiệp trọng yếu vào tay đối thủ. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài có thể lợi dụng lúc giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn mất giá trị để thực hiện việc thâu tóm.

Tại Việt Nam, vị chuyên gia nhấn mạnh các thương vụ M&A đình đám, cũng như nhiều vụ thâu tóm đất đai tại các tỉnh miền Trung theo hình thức góp vốn, báo lỗ, tăng vốn sở hữu và từng bước tiến tới thâu tóm vẫn là những bài học đắt giá Những kinh nghiệm này buộc chúng ta phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn thay vì lại mở ra để tránh những doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mang tính cốt lõi, chiến lược, có tác động xã hội lớn cũng bị rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài.

"Ngành xăng dầu là mặt hàng cung cấp chiến lược cho sản xuất, bảo đảm sự ổn định cho đời sống sinh hoạt, vì thế, càng phải tính toán, cân nhắc cho kỹ. Nhất là khi, nhiều quốc gia trên thế giới đã cảnh báo kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục, nên họ có thể sẽ có những chiêu trò lợi dụng lúc này để đi mua lại doanh nghiệp. Nếu để ngành xăng dầu rơi vào tay nước ngoài thì cả nền kinh tế sản xuất sẽ có nguy cơ bị thao túng bởi các nhà đầu tư nước ngoài.

Với quan điểm trên, tôi cho rằng Việt Nam nói chung và ngành công thương nói riêng phải tránh để các ngành kinh doanh trọng điểm rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm đáy", GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Mặt khác, theo vị chuyên gia, cơ chế quản lý các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam còn nhiều kẽ hở, đặc biệt trong việc làm rõ vai trò chủ sở hữu của nhà nước tại các doanh nghiệp còn chưa rõ ràng, dẫn tới tình trạng nhập nhèm khi thực hiện hạch toán kinh doanh.

Lấy lại ví dụ của Vietnam Airline xin hỗ trợ 12.000 tỷ theo hình thức cho vay 0%, thời hạn 3 năm với lý do nhà nước là chủ sở hữu thì phải có trách nhiệm, điều này khiến vị chuyên gia rất bức xúc.

Theo ông, ngành hàng không vẫn được coi là ngành kinh doanh chiến lược vừa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, vừa có vai trò đặc biệt về an ninh quốc phòng nên ngay từ đầu đã nhận được rất nhiều cơ chế ưu tiên, ưu đãi để phát triển thuận lợi. Lẽ ra, trong bối cảnh cả nền kinh tế đang gặp khó khăn thì các doanh nghiệp nhà nước phải thể hiện được vai trò dẫn dắt chủ đạo của mình cũng như phải thể hiện rõ trách nhiệm với nhà nước. Tuy nhiên, thay vào đó, thì các doanh nghiệp này lại than vãn khó khăn, xin cơ chế, xin ưu đãi, xin tiền hỗ trợ chỉ nhằm mục đích bảo toàn lợi ích cho doanh nghiệp mình.

"Xăng dầu cũng vậy, nhận ưu tiên, ưu đãi nhưng cứ thua lỗ lại xin xả quỹ, xin hỗ trợ, trong khi chi phí đầu vào không minh bạch, rõ ràng, gây nhiều dư luận bức xúc.

Nếu bây giờ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua 35% cổ phần của doanh nghiệp xăng dầu nhà nước thì cơ chế quản lý, giám sát được thực hiện thế nào? Liệu có câu chuyện thua lỗ nhà nước, người dân chịu, lợi nhuận lại chuyển hết sang nước ngoài hay không?", GS Đặng Đình Đào tiếp tục đặt câu hỏi.

Được nhượng 35% cổ phần xăng dầu cho nước ngoài: Thận trọng

Tiếp theo, vị chuyên gia cho rằng dự thảo sửa đổi lần này cần tập trung làm rõ cơ sở để điều chỉnh giá xăng dầu bán lẻ trong nước.

Vị chuyên gia cho biết, xăng dầu trước đây chủ yếu đi nhập khẩu do đó, bị phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới là dễ hiểu.

Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện đã chủ động được tới 80% nhu cầu sử dụng, sản lượng đi nhập có thời điểm bằng 0. Điều này buộc ngành công thương phải có những tính toán lại cơ sở để tính giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

"Bây giờ là lúc phải xem lại nên lấy giá xăng dầu ở thị trường nào làm cơ sở điều chỉnh giá bán lẻ hay theo giá thế giới?", vị GS đặt câu hỏi.

Vị GS cho rằng, nếu không làm rõ được điều này sẽ là điểm mắc gây khó khăn cho quản lý, giám sát giá xăng dầu sau này.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/duoc-nhuong-35-co-phan-xang-dau-cho-nuoc-ngoai-rui-ro-3413644/