Được mới nhưng không nới cũ

Dịp cuối năm, nhiều ngôi nhà xây trong năm hối hả tiến độ hoàn thành để ăn tết trong nhà mới; và cũng có nhiều ngôi nhà không phải xây mới nhưng được cải tạo, tu sửa, tân trang... để đón tết.

Khi ấy, người ta hay gặp phải vấn đề băn khoăn khó xử: đó là việc làm gì với những đồ cũ, nên bỏ đi hay sử dụng lại, và nếu sử dụng lại thì có “làm sao” không, có phải điều chỉnh, hiệu chỉnh gì không? Chuyện này cũng khá thú vị, như cuộc sống - chứ không chỉ là vấn đề chuyên môn nội thất.

Nhà mới và đồ mới

Như một thói quen, tâm lý thông thường và cũng là logic, khi xây xong nhà mới, hay cải tạo nhà cũ; chủ nhà ai cũng muốn có đồ mới, sắm đồ mới. Đồ mới sẽ được lựa chọn cho phù hợp với không gian mới, chức năng mới và chắc chắn sẽ đồng bộ… mới, không bị khập khiễng; làm cho không gian nội thất đẹp hơn, ngôi nhà đẹp và sang hơn.

Không gian mới “nương” theo đồ cũ.

Không gian mới “nương” theo đồ cũ.

Với kiến trúc sư cũng vậy, khi thiết kế kiến trúc, và kể cả thiết kế nội thất, thường muốn chủ nhà thay toàn bộ đồ mới. Khách quan mà nói, để theo đúng ý đồ thiết kế, thì có mấy khi đồ cũ đáp ứng được? Có đồ mới, theo đúng thiết kế thì sẽ chuyển tải được nhiều ý tưởng sáng tạo. Và tất nhiên khi thiết kế được hiện thực hóa, cụ thể hóa bằng vật chất như vậy, với chất lượng tốt, hẳn kiến trúc sư sẽ thấy tự hào hơn, mát mặt hơn và uy tín sẽ tăng hơn.

Nhưng thực tế, đâu phải lúc nào, ai cũng có điều kiện sắm toàn đồ mới. Chuyện thường xảy ra là vấn đề kinh tế không cho phép, nên gia chủ đôi khi phải dùng lại đồ cũ. Hoặc cũng có thể là điều kiện kinh tế cho phép, nhưng đồ cũ vẫn tốt; thì việc bỏ đồ cũ đi là vô lý và phí phạm. Ở góc độ xã hội điều này đáng để suy nghĩ. Những trường hợp thay đồ mới hoàn toàn thường là một cuộc “lột xác” quy mô, khi mà đồ cũ đã hầu như không còn giá trị, bị hư hỏng; hoặc gia chủ phải rất mạnh về tài chính.

Cư xử với đồ cũ

Như trên đã nói, việc sử dụng đồ cũ trong một không gian mới là việc hay xảy ra, khó tránh khỏi. Vậy thì phải làm thế nào để đồ cũ không bị khập khiễng, hay “chỏi” trong một không gian mới? Đồ cũ không có lỗi, và đã được sử dụng lại thì phải tìm cách phát huy giá trị công năng, và cả thẩm mỹ của chúng.

Một không gian sống hoàn toàn theo phong cách mới nhưng đâu đó vẫn “bắt gặp” một vài món đồ xưa cũ nhưng tổng thể vẫn rất hài hòa.

Một không gian có chút hoài niệm, biết đâu lại là góc ưa thích của một ai đó.

Trong quá trình tư vấn và trao đổi thông tin, chủ nhà nên đưa ra các yêu cầu đối với kiến trúc sư về đồ đạc của mình trong không gian mới - kể cả khi có phần thiết kế nội thất riêng; ví như cái nào định giữ lại, cái nào sắm mới; dự kiến kê sắp vào đâu. Căn cứ vào đó, kiến trúc sư cần phải nghiên cứu kỹ để có tư vấn phù hợp. Có những thứ có thể giữ lại, có những thứ không nên hoặc không cần thiết giữ lại; có những thứ lại có thể hoán đổi cho nhau.

Những đồ giữ lại thì kê sắp vào không gian nào cho đúng chức năng, chiều - hướng sắp đặt, cách thức tổ hợp (nếu đồ có nhiều thành phần). Nếu đồ sử dụng tạm thời thì giải quyết thế nào? Và nếu những thứ đó sẽ được sử dụng lâu dài thì cần phải nghiên cứu không gian nội thất, các thành phần thiết bị kỹ thuật liên quan (thiết bị điện, thông tin…) cho phù hợp ra sao? Thực tế có những trường hợp chính đồ nội thất giữ lại là cảm hứng chủ đạo cho một ý tưởng không gian đẹp, tất nhiên người thiết kế phải có sự nhạy cảm và tinh tế của nghề nghiệp.

Tuy vậy không phải thứ nào giữ lại cũng dễ dàng phù hợp hay… tạo ra cảm hứng; nhưng lại không thể bỏ đi, vì những lý do như đã nói ở trên. Vậy thì để phù hợp (tất nhiên ở một mức độ nhất định), những đồ đó hoàn toàn có thể được điều chỉnh, như thay đổi kích thước, thay đổi màu sơn, chỉnh sửa chi tiết… để cho phù hợp với kích thước căn phòng mới, không gian nội thất mới. Bên cạnh đó, người thiết kế có thể làm tăng tính tương đồng bằng thủ pháp décor, tác động ngược lại như chọn kiểu đèn, treo tranh, màu sắc sơn tường nội thất phù hợp đồ cũ.

Đồ cũ, không chỉ là đồ đạc

Vâng, đúng vậy. Ngôi nhà ngoài chức năng là kiến trúc phục vụ con người sinh sống và nghỉ ngơi, thì nó cũng là một không gian chứa đựng những giá trị tinh thần lớn lao. Ngôi nhà là nơi sum họp, là nơi trở về, là nơi gắn bó và kết nối những thành viên trong gia đình. Đồ đạc, vật dụng cũng gắn bó cùng cuộc sống con người, là những người bạn im lặng thân quen, là kỷ vật, là kỷ niệm. Điều đó có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với giá trị sử dụng thông thường, và đáng được trân trọng. Có thể, người này muốn giữ một bộ bàn ghế cổ gỗ tốt, đã dùng qua mấy đời. Nó vừa là kỷ vật, là đồ rất bền, rất tốt - không có lý do gì lại bỏ đi một thứ đồ đạc tốt như thế.

Nội thất vintage ấm cúng.

Nhưng có người lại nhất quyết giữ lại chiếc bàn cũ đã mọt, thậm chí sắp hỏng; chẳng phải đồ cổ lâu năm, cũng chẳng hề tốt về mặt chất lượng sử dụng thuần túy; nhưng bởi đó là kỷ niệm những năm tháng đèn sách, mà nhờ đó chủ nhân đã thành đạt như hôm nay. Lại có trường hợp chủ nhân ở nhà nào treo một tấm ảnh đại gia đình phóng to; ảnh đã cũ và chủ nhân trong ảnh chỉ là một chú nhóc.

Chắc rằng kiến trúc sư không thể nói “không được”, mà phải đưa một giải pháp xứng đáng với những giá trị nhân văn đó… Người viết bài này đã trực tiếp biết một chuyện gia chủ khi xây nhà mới đã hào phóng đem cho bộ sa lông gỗ kiểu cũ; và khi xong nhà phải đi xin về, vì hiểu rằng đó chính là thứ mình cần trong không gian mới kia.

Đồ cũ, không chỉ là đồ đạc nội thất thuần túy; nó chứa đựng nhiều hơn thế và góp phần tạo nên linh hồn của không gian sống. Nhà mới, và đồ mới, người ta sẽ thấy chống chếnh xa lạ sao đó…

Bài: Hà Thành - Ảnh: Hà Thành, tư liệu

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/duoc-moi-nhung-khong-noi-cu-26999.html