Được minh oan cáo buộc 'Nga can thiệp bầu cử Mỹ', Tổng thống Trump chỉ trích hàng loạt cựu trợ lý

Tổng thống Trump đăng đàn chỉ trích hàng loạt cá nhân hợp tác trong cuộc điều tra của ông Muller, khẳng định họ vẽ ra bức tranh lệch lạc về ông và Nhà Trắng.

Không lâu sau khi bản báo cáo dài 448 trang của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra "Nga can thiệp bầu cử Mỹ và đội ngũ của ông Trump thông đồng với Matxcơva" được công bố, nhà lãnh đạo Mỹ hồ hởi ăn mừng chiến thắng, tuyên bố trò chơi kết thúc.

Nhưng chỉ chưa đầy 1 ngày sau, ông nổi cơn thịnh nộ biểu thị bằng một loạt tweet được viết đi từ Palm Beach, Florida. Ông buông lời chỉ trích các cá nhân đã tham gia vào cuộc điều tra của ông Muller, những người cung cấp lời khai cho thấy ông chủ Nhà Trắng nhiều lần muốn sa thải ông Muller và gây ảnh hưởng với cuộc điều tra cũng như vẽ lên một bức tranh Nhà Trắng không mấy sáng sủa.

"Các tuyên bố về tôi được những con người đó đưa ra trong Bản Báo Cáo Điên Rồ của Muller là ngụy tạo và sai sự thật", ông Trump nói.

 Tổng thống Trump chỉ trích các cựu trợ lý tham gia cuộc điều tra của ông Muller. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Trump chỉ trích các cựu trợ lý tham gia cuộc điều tra của ông Muller. (Ảnh: Getty)

Reuters dẫn nguồn tin trong Nhà Trắng nói rằng vị Tổng thống Mỹ cảm thấy bị phản bội bởi những người đã hợp tác với ông Muller. Nhiều người không ngạc nhiên về điều này vì họ đã lường trước được thái độ của ông Trump trước khi cung cấp lời khai của mình.

Mặc dù minh oan sau những cáo buộc thông đồng với Nga, bản báo cáo của ông Muller lại khắc họa một hình ảnh không mấy tích cực về Tổng thốn Trump thông qua lời kể của các nhân chứng.

Ông Trump dường như đặc biệt giận dữ với cựu Luật sư Nhà Trắng Don McGahn, người đã ngồi với ông Muller trong khoảng 30 giờ đồng hồ và được nhắc tới nhiều lần trong báo cáo.

Trong thời gian hợp tác điều tra, ông McGah kể lại 2 lần Tổng thống gọi cho mình, gợi ý cho ông cách để khiến ông Muller bị sa thải. Tuy nhiên, McGah nói đã từ chối yêu cầu trên, đóng gọi đồ đạc khỏi văn phòng, đe dọa từ chức vì lo sợ bước đi này có thể tạo ra cuộc khủng hoảng tương tự “Vụ thảm sát đêm thứ bảy", một trong những sự kiện gây chấn động nhất trong vụ bê bối Watergate.

Vị cựu luật sư Nhà Trắng cũng tiết lộ về việc nhà lãnh đạo Mỹ đặt câu hỏi về việc ông ghi chú và nói rằng "Luật sư không cần thiết phải ghi chép".

"Hãy xem mọi người ghi chép cái mà họ gọi là ghi chép khi mà ghi chép không bao giờ tồn tại cho tới khi cân thiết", ông Trump viết trong một tweet hôm 19/4.

8 tiếng sau dòng tweet này, vị Tổng thống Mỹ kết thúc cơn giận dữ bằng kết luận các bằng chứng đưa ra trong báo cáo của ông Muller chỉ là một sự lãng phí thời gian, năng lượng và tiền bạc.

Ông Ari Fleischer, Thư ký Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush nói rằng ông không hiểu tại sao ông Trump lại quyết định viết ra các dòng tweet chỉ trích các cựu trợ lý của mình.

"Tôi nghĩ ông ấy đã phản ứng hơi quá. Nếu là Tổng thống, tôi sẽ chỉ cơ bản tuyên bố chiến thắng và bứt ra khỏi nó", ông Fleischer cho biết.

"Tổng thống và đội ngũ của ông ấy cần phải nhận ra rằng họ đã tới gần với việc bị buộc tội cản trở công lý gần tới mức nào. Đó là bài học mà tôi hy vọng mọi người ở Nhà Trắng thu được và tiến lên phía trước cùng nó", ông này cho hay.

Một số ý kiến khác cho rằng cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump có liên quan tới kết quả cuộc khảo sát được Reuters/Ipsos thực hiện ngay sau khi báo cáo của ông Muller công bố.

Theo kết quả thăm dò, chỉ có 37% người được hỏi hài lòng với cách Tổng thống Trump làm việc tại Nhà Trắng, giảm 3% so với cuộc thăm dò tương tự hôm 15/4.

50% tham gia khảo sát đồng ý rằng ‘chính ông Trump hay ai đó trong đội ngũ làm việc cho ông đã phối hợp với người Nga trong cuộc bầu cử 2016’ và 58% tin rằng rằng ông Trump đã ‘tìm cách chấm dứt cuộc điều tra’.

Khoảng 40% đòi luận tội ông Trump trong khi 42% phản đối việc luận tội.

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/duoc-minh-oan-cao-buoc-nga-can-thiep-bau-cu-my-tong-thong-trump-chi-trich-hang-loat-cuu-tro-ly-d470330.html