Được mất của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Nhà báo nổi tiếng quốc tế Ian Williams đã dành cho TheLEADER cuộc trò chuyện thú vị về những nghịch lý mới của kinh tế thế giới và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong sự ảnh hưởng tới Việt Nam.

Nhà báo quốc tế Ian Williams

Ian Williams là nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp có hai quốc tịch Mỹ và Anh, ông từng được giải thưởng Câu lạc bộ báo chí Liverpool cho “By-line mania” khi viết cho thời báo Baptist Times năm 1995.

Nổi tiếng thế giới là cây viết bình luận chính trị và kinh tế sắc sảo suốt hai thập kỷ qua cho tờ Daily Telegraph, Financial Times, Eu- ropean, Observer, The Independent (ông là một trong những người sáng lập), ông còn phụ trách chương trình radio The Catskill Review of Books trên WJFF FM, và thường xuyên xuất hiện trên đài phát thanh, truyền hình quốc tế về các vấn đề địa chính trị.

Là thành viên FPA trong hơn 20 năm qua, các tác phẩm về kinh tế và chính trị của ông như Alms Unwin Hyman (1989), Cosimo Books (2008), Deserter (2004), Rum, Tenquila (2015), Untold (2017- câu chuyện thực sự của Liên Hợp Quốc, báo chí thế giới…) thể hiện sự hiểu biết đa dạng và rất hiện thực của ông trong cái nhìn nhân văn, xuyên qua các sự kiện xã hội và kinh tế toàn cầu.

Ông đánh giá thế nào về sự chuyển hướng của chính những lực lượng tiên phong trong toàn cầu hóa, tự do thương mại… đến giờ lại quay sang bảo hộ là Anh và Mỹ?

Nhà báo Ian Williams: Các cam kết của Mỹ về tự do thương mại thường mang ý nghĩa khoa trương. Họ đã thuyết giảng cho các quốc gia khác nhưng sau đó lại áp đặt những hạn chế đối với các quốc gia này trong khi vẫn yêu cầu tự do thương mại đối với các sản phẩm của Mỹ.

Chính quyền dưới thời Trump đã khước từ những lời ông hùng biện. Chính quyền này bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa biệt lập Mỹ khi chống lại sự thống trị của “chính quyền thế giới” hoặc các hiệp định đa quốc gia.

Nguyên nhân chủ yếu là do trong các cuộc đàm phán song phương, Mỹ gần như luôn chiếm ưu thế, trong khi trong bối cảnh đa phương, những quốc gia khác hoàn toàn có thể cùng nhau chống lại Washington mặc dù điều đó không thường xuyên xảy ra.

Kỷ niệm 1 năm sau ngày nhậm chức, Nhà Trắng đã “đóng cửa cãi nhau” vì chính sách di dân. Ông có nghĩ sau khi Trump cầm quyền, ông ấy có thực hiện lời hứa khi tranh cử về chính sách với châu Á?

Nhà báo Ian Williams: Lời hứa của Tổng thống thường không có giá trị. Thứ nhất là ông Trump đã từng đi ngược lại các phát biểu của mình và thứ hai là các phán quyết của ông còn phụ thuộc vào các thành phần khác của chính quyền, Quốc hội và các biện pháp hành lang để thống nhất thực hiện.

Tổng thống không thực hiện lối suy nghĩ “liên minh” mà ông ấy tách riêng từng vấn đề. Tuy nhiên ở Washington, những người làm việc trong Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Bộ Thương Mại…, đều biết rằng họ không thể bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại với các đồng minh như châu Âu, và sau đó lại mong đợi Mỹ được họ hỗ trợ khi cần thiết.

Chiến tranh thương mại, các biện pháp trừng phạt, sự từ bỏ các hiệp ước biến đổi khí hậu, tình hình chiến sự với Iran và các vấn đề khác có thể đẩy các quốc gia còn lại cùng nhau chống Mỹ, khi đó EU có thể trở nên gần gũi hơn với BRICS (liên minh các nước có nền kinh tế mới nổi) hoặc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và đe dọa sự ổn định cho Mỹ.

Trước tiên, phải hiểu các cơ chế hoạt động của chính trị Mỹ, nó phức tạp, đa chiều hơn, có rất nhiều quyền lợi đan chéo nhau giữa đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ, vì triết lý của hai đảng khác biệt nhau.

Làn sóng 4.0 và chính sách “hồi hương” của các công ty công nghệ Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến đầu tư và việc làm tại các nước châu Á?

Nhà báo Ian Williams: Bản thân công nghệ 4.0 có thể giúp nâng cao năng suất, nhưng tôi nghĩ đa phần các công ty lớn đều không chắc chắn đâu là “nhà” (trụ sở chính) của họ nữa. Nhiều công ty đa quốc gia có nguồn gốc Anh Quốc giờ đã không còn thuộc Anh nữa cả về ý nghĩa vị trí hay quyền sở hữu.

Các công ty “Mỹ” hiện nay niêm yết trên nhiều sàn giao dịch và có cổ đông nước ngoài tại New York, trong khi họ đang sản xuất và bán sản phẩm tại các nước khác. Những phát biểu và chính sách của ông Trump đang lôi kéo những doanh nghiệp quay trở lại Mỹ.

Trong năm 2017 và 2018, chúng ta nói đến rất nhiểu hiểm họa về chủ nghĩa bảo hộ của Anh, Pháp, Mỹ, về hiểm họa chiến tranh bùng nổ... Nhưng kiểm lại đến hết 2017, kinh tế thế giới và Việt Nam đã có kết quả tăng trưởng khá đẹp… Ông có bình luận gì?

Nhà báo Ian Williams: Nền kinh tế thế giới đã tiếp tục tăng trưởng vì các hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới, thương mại được tự do hơn và giảm giá dầu, nhưng trên hết là do chính sách tiền tệ tiếp tục giảm giá của Mỹ và các ngân hàng châu Âu. Tôi lo lắng khi thấy dấu hiệu của bong bóng trong nền kinh tế Mỹ vì sự biến dạng của việc giảm giá tiền tệ kết hợp với việc các tổ chức tài chính vẫn không có chế tài hiệu quả ngay cả sau khủng hoảng năm 2008.

Nhược điểm của việc mở cửa là khủng hoảng dễ lây lan khi xảy ra, vì vậy châu Âu và các nước đang phát triển phải hứng chịu hậu quả khi đô la Mỹ bị thu hồi để lấp khủng khoảng. Tôi không chắc là các nước châu Á đã học được bài học về các lỗ hổng của mình.

Khi quốc gia lớn nhất là Mỹ rút khỏi TPP, chỉ còn lại 11 nước, CPTPP mà Việt Nam đang kỳ vọng, theo ông, sẽ có tương lai thế nào?

Nhà báo Ian Williams: Hiệp ước này sẽ không đáng kể nếu không có Mỹ, và trong mọi trường hợp, CPTPP sẽ tạo ra nhiều vấn đề khiến các nước phải đề ra các giải pháp kinh tế xã hội độc lập ngoài cái gọi là Washington Consensus (Đồng thuận Washington) đang được Ngân hàng Thế giới ưa chuộng.

Vậy việc ký hiệp định song phương với Mỹ có khả thi không và có thể mang lại những cơ hội mới gì?

Nhà báo Ian Williams: Có, nhưng với sự sụp đổ của các hiệp định thương mại đa phương, Mỹ có thể không đủ nguồn lực ngoại giao để thông qua Hiệp định này, hoặc ông Trump sẽ nhấn mạnh vào các điều khoản ủng hộ Mỹ nếu được thông qua.

Điều này cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng hơn để tránh việc trong thực tế như hiệp định NAFTA đã tàn phá ngành công nghiệp và nông nghiệp Mexico vì đất nước này chưa sẵn sàng. Việt Nam nên chuẩn bị các ngành một cách cẩn thận, đánh giá kỹ những gì họ cần làm để có phương án hợp tác phù hợp và hiệu quả.

Trong mắt người Mỹ, địa lý Việt Nam có vị trí chiến lược như thế nào?

Nhà báo Ian Williams: Quân đội Mỹ ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách kinh tế của Mỹ nên Việt Nam không nên chấp nhận quá nhiều sự trợ giúp. Những người theo chủ nghĩa bảo thủ ở Mỹ chưa bao giờ tha thứ cho chiến thắng của Việt Nam, và cuộc chiến đó vẫn còn được dùng để khuấy động lòng yêu nước của quân nhân Mỹ.

Tuy Việt Nam vẫn được tiếp cận các nhà cầm quyền thuần lý trí Mỹ, nhưng không thể chắc chắn những người này tiếp cận được với Nhà Trắng.

Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung sẽ khiến Việt Nam được gì và mất gì theo ông?

Nhà báo Ian Williams: Một nền kinh tế quá rộng mở cũng là một vấn đề lớn. Đất nước các bạn cần phải sẵn sàng trước các biện pháp trừng phạt phức tạp từ Mỹ, và các động thái ngầm từ các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Tự do thương mại là mối quan tâm của mọi đời tổng thống Mỹ, nhưng dưới góc độ có lợi cho họ mà thôi. Như chính sách liên quan đối ngoại các nước Caribe, châu Âu… là phải có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Từ góc độ chủ quan, người Việt không cần mang ơn người Mỹ, mà nhìn nó dưới góc độ có lợi gì cho nước Mỹ!

Trong mỗi cuộc tranh cử, tự do thương mại đều là vấn đề được mọi đời tổng thống quan tâm và phải giải trình trước dân chúng về chiến lược của mình trong tranh cử. Tuy nhiên, những gì ông Trump làm hoàn toàn không đến từ chủ ý gì quan trọng, chỉ đơn thuần là quăng những quả bóng tenit tứ tung, không đến từ những tính toán, mục tiêu rõ ràng.

Ian Williams vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam

Người Hoa làm ăn với Mỹ rất khôn ngoan, họ tìm cách đón những đường bóng ấy. Cuối cùng vẫn là bài toán kinh tế, cái gì có lợi cho Mỹ, cho kinh tế Mỹ sẽ xảy ra thôi. Cứ nhìn cách Mỹ đối xử với các nước châu Âu, với châu Á cũng đi từ bản chất đó. Hơn nữa ông Trump có cái đầu kinh tế, nên có xu hướng sẽ nhìn mọi vấn đề dưới góc độ kinh doanh.

Nhìn vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, tôi cho rằng sẽ không thể tách rời về quyền lợi và mối quan hệ. Việt Nam hãy đón nhận thực tế đó và khai thác tối ưu hóa nguồn lực chung. Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, phải nhìn thấy những lợi điểm để dùng nó phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chẳng hạn sự mở rộng thành phần trung lưu, sức mua, sức lao động được mở rộng, đó là sức mạnh phát triển của nền kinh tế còn non trẻ. Lực lượng lao động trẻ nhiều tiềm năng và khả năng sẽ rất cần cho nhu cầu sử dụng lao động của những thị trường đã phát triển như Nhật, Mỹ...

Nhiều nhà bình luận có tranh cãi gay gắt về việc liệu ông Trump có thay đổi được tư duy từ người làm kinh doanh đến chính trị gia? Ông nghĩ sao?

Nhà báo Ian Williams: Ông Trump không phải là người kinh doanh thành công, ông ta từng đối diện với những phá sản liên tục, từ bất động sản, khách sạn, show truyền hình… nên những chính sách ông ta đưa ra có lẽ cũng có sự tương tự. Người ta không biết thực chất ông giàu có thế nào, nhưng những gì ông làm khi là tổng thống cũng khiến nhiều người lo vì nhiều khi không lường trước được tác động đến cục diện rộng hơn.

Những người theo đảng Cộng Hòa theo chủ trương bảo thủ theo triết lý thượng đẳng của Mỹ, đang trở thành thế hệ bị cô lập, chỉ nghĩ đến nước Mỹ cực đoan. Nhưng với đảng Dân Chủ thì có tư tưởng lãnh đạo thế giới theo kiểu hướng đến người nghèo, người lao động.

Trong tương quan với Trung Quốc, có vẻ Trung Quốc khôn ngoan hơn, xây dựng quyền lực để dẫn dắt thế giới bằng kinh tế, hơn là chú trọng vào những quyền lực trang bị vũ trang.

Liệu Việt Nam có tận dụng được khoảng trống này khi nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm xuống, hay lại rơi vào cái bẫy là thị trường trung chuyển hàng Trung Quốc sang Mỹ, như câu chuyện về thép, gây tổn hại về uy tín cho Việt Nam?

Nhà báo Ian Williams: Rất nguy hiểm khi chính quyền Trump đang ở trong tình trạng không khoan nhượng.

Chính phủ Trung Quốc đang tập trung phát triển kinh tế, tạo ra quyền lực mềm để dẫn dắt thế giới. Việt Nam nên học điều đó để củng cố sức mạnh mềm của mình. Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai, nhưng cần xây dựng luật lệ rõ ràng, minh bạch, bảo đảm môi trường bền vững.

Ấn Độ cũng từng rơi vào vấn nạn tham nhũng, nhưng họ đang thay đổi. Phải có cơ sở luật pháp minh bạch, rõ ràng mới tạo cơ hội phát triển kinh tế. Thay đổi trong luật lệ về bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế rất quan trọng.

Là nước thiên về xuất khẩu, những chuyển dịch thương mại trong nội khối ASEAN đang tăng nhanh có khiến Việt Nam phụ thuộc mạnh hơn vào FDI, nhất là FDI trong khu vực?

Nhà báo Ian Williams: Tôi chỉ nhìn vào thị trường vốn ở Việt Nam nên tôi không thể chắc chắn cần bao nhiêu FDI để đầu tư vào khu vực, đặc biệt đối với các công ty khởi nghiệp mà nền kinh tế như Việt Nam đang cần.

Chiến lược một vành đai, một con đường có gây áp lực nào về cạnh tranh với các thương hiệu Việt trước làn sóng hàng Trung Quốc?

Nhà báo Ian Williams: Nếu chấp nhận cạnh tranh thì phải đối đầu với áp lực. Việt Nam dường như có lực lượng lao động có tay nghề cao và có học thức hơn Trung Quốc, cùng với một nền kinh tế cởi mở hơn, vì vậy các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp cần được đặt ra, nhưng không được bỏ qua nhu cầu bảo vệ quyền và môi trường của người lao động để tránh những sai lầm của Trung Quốc.

Kim Yến

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/duoc-mat-cua-viet-nam-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-1532486970733.htm