Được gật đầu mở đường, tỷ phú Phương Thảo vào vụ thâu tóm lớn

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo có cơ hội đánh cược mạnh hơn vào lĩnh vực mới sau khi đã thành công với lĩnh vực hàng không tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chính thức chấp thuận nguyên tắc về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank). Đây là phương án đã được Đại hội cổ đông năm 2018 của 2 ngân hàng thông qua.

Trong vòng 60 ngày, HDBank gửi NHNN bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận sáp nhập theo quy định.

Trước đó, bà Thảo được đã có dấu ấn qua 2 thương vụ mua lại Công ty Tài chính Societe Generale VietFinance (SVGF) trực thuộc Tập đoàn Societe Generale (Pháp) và Ngân hàng Đại Á - DaiABank (hồi cuối 2013).

Việc sáp nhập PGBank vào HDBank là một bước đi tiếp theo trong kế hoạch tăng quy mô và mở rộng tập khách hàng của bà Thảo, đồng thời cũng là nằm trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Sau sáp nhập, HDBank có quy mô vốn điều lệ hơn 15 ngàn tỷ đồng, với 370 chi nhánh và phòng giao dịch và hơn 15 ngàn điểm giao dịch tài chính trên khắp cả nước. HDBank của bà Thảo cũng hưởng lợi từ hơn 20 triệu khách hàng cá nhân từ 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Bước đi cũng được xem góp phần giúp mối quan hệ giữa hãng hàng không VietJet của bà Thảo với nhà bán lẻ xăng dầu hàng đầu Việt Nam Petrolimex trở nên tốt đẹp hơn.

Gần đây, VietJet của bà Thảo cũng đã tiếp cận được với 1 nhà cung cấp xăng dầu khác là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng nhằm tối ưu nguồn nhiên liệu bay cho hãng hàng không đang phát triển với tốc độ nhanh.

Tại Đại hội cổ đông 2018 của PVOil, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc của Vietjet (VJC), đại diện cho nhóm cổ đông VJC ứng cử thành viên HĐQT.

Hệ sinh thái kinh tế của bà Thảo hiện gồm: Vietjet, HDBank, Petrolimex, BSR và PVOil.

Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là người gây bất ngờ khi thu xếp thành công vốn hàng chục tỷ USD để mua hàng trăm máy bay với 2 thương vụ nỏi bật: 100 máy bay Airbus và 100 máy bay Boeing.

Chỉ sau 5 năm bay thương mại, VietJet đã trở thành doanh nghiệp có vốn hóa 100.000 tỷ đồng và chiếm 43% thị phần tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú USD duy nhất tại Việt Nam, tại Đông Nam Á và tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Theo Forbes, bà Thảo có khối tài sản tính tới 9/10 đạt 2,9 tỷ USD.

Bà Thảo du học và kinh doanh rất sớm, từ 17 tuổi và trở thành triệu phú USD năm 21 tuổi tại Đông Âu, trước khi trở về Việt Nam làm bất động sản, tài chính. Bà Thảo là Tiến sỹ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế, cử nhân tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moscow, Cử nhân ngành quản lý kinh tế lao động Trường kinh tế Quốc dân Moscow, Ủy viên sáng lập Viện Hàn lâm Nghiên cứu hệ thống Liên bang Nga.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời tăng khá mạnh khi VN-Index lên trên ngưỡng 970 điểm. Tuy nhiên, lực đỡ từ các cổ phiếu trụ cột như Petrolimex, Vinamilk, GAS, Vingroup, Sabeco, Bảo Việt… đã giúp thị trường có thêm 1 phiên tăng điểm nhẹ.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn khá thận trọng trong các dự báo.

Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo thị trường tiếp tục trong xu thế tích lũy. Nhà đầu tư nên quan sát thêm những cổ phiếu dẫn dắt dòng ngân hàng, bất động sản và dầu khí.

CTCK Rồng Việt cho rằng, thị trường vẫn chưa cho thấy được sức mạnh cần thiết để bứt phá, và do vậy xu hướng tăng vẫn chưa thể được thiết lập.

Trong khi đó, YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm trong phiên kế tiếp khi áp lực bán có chiều hướng gia tăng ở các mức giá thấp.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/9, VN-index tăng 1,44 điểm lên 970,34 điểm; HNX-Index giảm 1,01 điểm xuống 110,69 điểm. Upcom-Index tăng 0,04 điểm lên 51,04 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 240 triệu đơn vị, trị giá 4,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-11-9-nha-nuoc-gat-dau-dong-y-ty-phu-phuong-thao-vao-vu-thau-tom-lon-476046.html