Được gặp Bác là niềm vinh hạnh lớn lao

Kể từ ngày vinh dự được gặp Bác Hồ, hình ảnh Bác luôn hiện hữu trong tâm trí bà Cao Huỳnh Mai, bà luôn ghi nhớ và phấn đấu thực hiện theo gương Bác.

Ký ức không quên!

Nhắc lại lần đầu tiên gặp Bác Hồ, khóe mắt bà Cao Huỳnh Mai (92 tuổi) lại rưng rưng, giọng nói như nghẹn lại vì cái cảm xúc cách đây 65 năm như muốn chực trào. Run run cầm que hương thắp lên bàn thờ Bác, bà Mai kể, năm 1954, bà là một trong những cán bộ được tập kết ra Bắc và làm y tá tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa để tham gia cứu chữa thương binh.

Một chiều cuối năm 1955, đơn vị bà nhận được thông báo, sáng mai tất cả mọi người tập trung tại Ủy ban Kháng chiến lâm thời tỉnh Thanh Hóa, sẽ có lãnh đạo đến thăm. Lúc đó, ai cũng hồi hộp, mong chờ, hy vọng vị lãnh đạo đó là Bác Hồ, bởi đã được nghe giọng nói qua đài, nhưng chưa được nhìn thấy Người bao giờ.

Bà Mai dành một chỗ trang trọng trong nhà để thờ cúng Bác Hồ.

Bà Mai dành một chỗ trang trọng trong nhà để thờ cúng Bác Hồ.

Sáng hôm sau, rất nhiều đơn vị có cả y tế, cán bộ, thương binh, bộ đội, học sinh… tập trung trong khuôn viên của Ủy ban Kháng chiến lâm thời từ rất sớm. Hơn 7 giờ, loa phát thanh thông báo: Bác Hồ đến thăm. Tất cả mọi người đều ồ lên và đứng bật dậy vì quá bất ngờ và hạnh phúc. Lúc đó, Bác mặc bộ đồ kaki quen thuộc và đi dép cao su. Bác khoát tay nói “Thôi các cháu ngồi xuống đi”. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều ngồi xuống vị trí cũ và chăm chú quan sát Bác.

Rồi Bác đến từng khối hỏi thăm và dặn dò: Các cháu ra đây là phải cố gắng học tập để sau này khi thống nhất đất nước sẽ xây dựng quê hương giàu đẹp hơn. Các cháu phải đoàn kết, giúp đỡ nhau. Riêng đơn vị của bà được Bác hỏi thăm: Các cháu ở trong đó ra, rét như thế này có chịu đựng được không? Rồi Bác động viên - Các cháu cố gắng lên nhé!...

Nhớ lại giây phút lần đầu tiên gặp Người, bà Mai không khỏi xúc động: “Thời đó là chiến tranh, bận trăm công ngàn việc mà Bác dành thời gian từ Hà Nội vào Thanh Hóa thăm mọi người. Từ đó thấy được sự quan tâm của Bác nên không thể không thể không nhớ, tất cả đều phải nhớ suốt cả cuộc đời”.

Bà Mai được công nhân xem như "cô tiên nhân hậu", bởi luôn quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Sau này, không được trực tiếp nghe Bác Hồ nói chuyện nhưng bà Mai nhiều lần được nhìn thấy Người tại sân bay Gia Lâm. Bởi, từ năm 1960, bà được chuyển sang làm việc tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội ngay sát sân bay Gia Lâm. Mỗi lần nghe tin Bác ra, mọi người trong nhà máy đứng trên lề đường nhìn từ xa, thấy Bác khỏe mạnh, hồng hào, ai cũng rất vui và phấn khởi.

Tháng 9/1969, cả đất nước đau thương khi nghe tin Bác mất. Lúc này, bà được cùng đoàn ra viếng Bác. Đó là những kỷ niệm thiêng liêng về Bác Hồ đã theo bà Mai suốt cuộc đời, là động lực để bà học tập và trọn đời làm theo gương Bác. Hiện nay, trong không gian thờ tổ tiên, bà dành một vị trí trang trọng nhất để thờ Người.

Mãi học tập và làm theo Bác

Năm 1975, đất nước thống nhất, bà được chuyển về công tác tại Nhà máy toa xe Dĩ An, thành phố Dĩ An làm Trưởng phòng y tế của nhà máy. Với sự nhiệt huyết trong công việc, năm nào bà Mai cũng đạt danh hiệu xuất sắc của đơn vị. Năm 1985, bà về hưu nhưng không nghỉ ngơi mà tự nguyện “vác tù và hàng tổng” với nhiệm vụ mới - Tổ trưởng tổ dân phố 3, khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, sau đó là chi hội trưởng hội phụ nữ, tham gia công tác mặt trận, chi hội phó chi hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh của khu phố Thống Nhất.

Với những việc đã làm, bà Mai được nhận nhiều huân chương, huy chương từ trong kháng chiến đến thời bình.

Bà Mai còn được biết đến là “cô tiên nhân hậu” khi dành thời gian, tiền bạc làm công tác từ thiện. Mỗi năm, bà giúp đỡ hàng chục phần quà cho phụ nữ nghèo, nữ công nhân nhà trọ; hỗ trợ học sinh nghèo tập sách đến trường… Bà còn thường xuyên thăm hỏi gia đình có con em tham gia nghĩa vụ quân sự. Những trường hợp gặp khó khăn đột xuất, không thể đến thăm, bà nhờ chính quyền xác minh rồi chuyển từ 2 đến 3 triệu đồng để giúp đỡ.

Bà Phạm Thị Hằng, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ khu phố Thống Nhất cho biết, dù đã lớn tuổi nhưng mọi công việc của các ban ngành, đoàn thể bà Mai đều tham gia rất nhiệt tình, đặc biệt là giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ: “Các cô thế hệ đi sau luôn học theo tấm gương sáng của cô Cao Huỳnh Mai. Từ đó học hỏi, trao dồi kiến thức, kinh nghiệm để trong công tác phát huy được khả năng của mình”.

Với những đóng góp tích cực của mình, bà Mai cũng đã vinh dự được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Nhì và nhiều danh hiệu chiến sĩ vẻ vang, huy chương vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, vì sự nghiệp chữ thập đỏ…

Ông Phạm Ngọc Ẩn, Trưởng ban Tuyên giáo thành phố Dĩ An cho biết, bà Mai là một trong những tấm gương bình dị mà cao quý học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của thành phố Dĩ An: "Dù tuổi đã cao nhưng bà Mai cống hiến rất nhiều cho địa phương, nhất là công tác gần dân, giúp dân, sát dân. Bà đặc biệt quan tâm đến các bạn thanh niên nhà trọ, quan tâm đến địa bàn có đông thanh niên nhập cư, nắm bắt hoàn cảnh từng người để làm từ thiện, phát động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó là sự cống hiến nhưng rất giản dị, rất khiêm tốn, tỏa sáng giữa đời thường”.

Giúp đời, giúp người - bà Mai coi đó như lẽ sống. Đó cũng là những gì bà học được từ Bác, bởi sinh thời, làm bất kỳ việc gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nghĩ đến dân, vì nhân dân, nhất là người già, trẻ em, người yếu thế trong xã hội. Người còn khuyên cán bộ, đảng viên và nhân dân, thấy “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm”./.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/duoc-gap-bac-la-niem-vinh-hanh-lon-lao-1048415.vov