Được điều chỉnh nguyện vọng khi xét tuyển vào trường quân đội

Theo Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng), năm 2020 có 5.400 chỉ tiêu vào 18 trường ĐH, CĐ hệ quân sự.

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo ĐH, CĐ quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng (thanh niên ngoài quân đội sơ tuyển tại Ban Tuyển sinh quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; quân nhân tại ngũ sơ tuyển tại Ban Tuyển sinh quân sự cấp trung đoàn và tương đương).

Về công tác xét tuyển, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh sẽ được điều chỉnh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cũng nhấn mạnh thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành); các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Điểm mới năm nay là thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (nguyện vọng 1) trong thời gian điều chỉnh đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT, theo nhóm trường như sau:

Học viên Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: HUY THANH

Học viên Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: HUY THANH

- Nhóm 1: Gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân (hệ chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.

- Nhóm 2: Gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không - Không quân (hệ kỹ sư hàng không).

Các học viện, trường trong quân đội chỉ xét tuyển vào đào tạo ĐH, CĐ quân sự đối với những thí sinh: Đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng; tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ; các bài thi, môn thi phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào các trường trong quân đội mà thí sinh đăng ký. Đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển hoặc nhóm trường thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (nguyện vọng 1) theo đúng tổ hợp xét tuyển của trường.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý khi đăng ký sơ tuyển, thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển bởi các trường quân đội và trường công an đều chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội (thực hiện đăng ký theo quy định của Bộ GD-ĐT).

Thí sinh chỉ làm hồ sơ sơ tuyển vào 1 trong 2 khối trường (thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng).

Do môi trường có các tiêu chuẩn khác nhau, nhất là về tiêu chuẩn sức khỏe, vì vậy thí sinh phải đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào một trường quân đội và chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1.

Trường hợp phát hiện thí sinh nộp từ 2 hồ sơ sơ tuyển trở lên, sẽ bị loại khỏi danh sách (không được đăng ký xét tuyển vào hệ quân sự của các trường trong quân đội).

Theo quy định liên Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng, việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự theo các chỉ tiêu: Thể lực (trừ chiều cao, cân nặng có quy định riêng); mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng); tai - mũi - họng; răng - hàm - mặt; nội khoa; tâm thần kinh; ngoại khoa; da liễu và sản phụ khoa đối với nữ (nếu có).

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/duoc-dieu-chinh-nguyen-vong-khi-xet-tuyen-vao-truong-quan-doi-20200223215744313.htm