Được đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng: Hạ tầng giao thông thay đổi ra sao?

Kế hoạch đầu tư 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kết thúc. Bộ GTVT vừa có những thống kê, phân tích về thành tựu, khó khăn, qua đó thấy được sự thay đổi của kết cấu hạ tầng giao thông nước ta trong thời gian qua.

Dự án cầu Bạch Đằng kết nối đường cao tốc Quảng Ninh với Hải Phòng, Hà Nội.

Dự án cầu Bạch Đằng kết nối đường cao tốc Quảng Ninh với Hải Phòng, Hà Nội.

Nhiều công trình tạo diện mạo mới cho đất nước

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống hạ tầng giao thông nước ta đã được đầu tư phát triển nhanh, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) của đất nước có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác.

Cũng theo đánh giá của vị Bộ trưởng, việc tập trung đầu tư phát triển KCHTGT có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, mỗi năm Bộ GTVT được giao trên 30 nghìn đến dưới 40 nghìn tỷ đồng để xây dựng KCHTGT. Riêng trong năm 2020, Bộ này được giao 39.826 tỷ đồng. “Bên cạnh việc đầu tư các công trình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giai đoạn 2016 – 2020, hệ thống KCHTGT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế”, ông Thọ nói.

Theo Thứ trưởng Thọ, tổng chiều dài đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào khai thác là 1.163 km; mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km. Đặc biệt, hệ thống đường Quốc lộ 1 được nâng cấp, mở rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau và được kéo dài đến Năm Căn; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên nối xuống miền Đông Nam Bộ đã được mở rộng. “Hệ thống đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không được đầu tư nâng cấp”, ông Thọ nói và dẫn chứng, năng lực thông qua cảng biển nước ta khoảng 570 triệu tấn/năm. Các cảng hàng không quan trọng đã được nâng cấp gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và xây mới Phú Quốc…

Trong năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới. Đặc biệt, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã khởi công 3 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công (đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây); đồng thời, Bộ đã trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP do không lựa chọn được nhà đầu tư (QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu)…

Cũng theo lãnh đạo Bộ GTVT, ngoài đầu tư công, các dự án đầu tư KCHTGT theo hình thức xã hội hóa đã phát huy tốt hiệu quả. Trong 5 năm qua, đã xã hội hóa và đưa vào sử dụng hàng nghìn km đường bộ, các cầu quy mô lớn như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long, cầu Bạch Đằng, cầu Rạch Miễu, cầu Yên Lệnh; sân bay Vân Đồn… “Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển KCHTGT vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá.

Nhiều tồn tại cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhận ra những khó khăn, tồn tại trong quá trình đầu tư hạ tầng giao thông. Theo đó, Thứ trưởng Thọ cho rằng hệ thống hạ tầng GTVT vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chi phí vận tải chưa hợp lý và giảm hiệu quả khai thác vận tải. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp.

Đặc biệt, nguồn lực ngân sách bố trí đầu tư phát triển KCHTGT chưa đáp ứng đủ so với định hướng, mục tiêu đặt ra. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển KCHTGT còn khó khăn, thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư thích đáng và tạo sự chủ động cho nhà đầu tư, chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế. “Những nguyên nhân này dẫn đến trong thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đã đến Việt Nam bày tỏ quan tâm đầu tư nhưng phần lớn mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu, khảo sát thị trường”- lời Thứ trưởng Thọ.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, còn nhiều hạn chế khác như hiện có đến 6 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ khiến dư luận có cách nhìn nhận không tốt, đó là dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và 5 dự án đường sắt đô thị; công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, phức tạp; vốn dành cho duy tu, sửa chữa định kỳ còn thiếu so với nhu cầu…

Đây là những tồn tại mà theo lãnh đạo Bộ GTVT cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/duoc-dau-tu-hang-tram-nghin-ty-dong-ha-tang-giao-thong-thay-doi-ra-sao-564334.html