'Được cho đi ngay cả khi không còn nữa'

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nằm tại BV Việt Đức, Hà Nội - có lẽ là một trong những cơ sở y tế hiện còn thưa người lui tới nhất, nhưng cũng lại là nơi sâu nặng ân tình nhất. Những người còn hoàn toàn khỏe mạnh và minh mẫn tới đây, để làm một việc vô cùng đặc biệt. Đó là viết lên bản tình nguyện nhờ y học hiến các bộ phận cơ thể mình cho người khác, sau khi mình qua đời.

Vừa qua, một vị khách đặc biệt từ phương xa đã ghé tới Bộ y tế - Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép Bộ phận cơ thể Người cũng để thực hiện tâm nguyện lớn lao đó.

Đó là Thầy Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc - Chủ tịch Trung tâm Phát triển trẻ em của Sri Lanka. Ông là tăng sĩ người Việt hiện đang tham gia hoạt động Phật sự và là thành viên tăng già ở quốc đảo Nam Á Sri Lanka.

Được tình nguyện hiến cơ thể sau khi qua đời, là một tâm nguyện từ lâu mà ông đã ấp ủ. Và tâm nguyện ấy đã trở thành hiện thực. Thật chậm rãi và từ tốn đặt bút nắn nót viết tên lên tờ Đơn Tự nguyện hiến mô và bộ phận cơ thể sau khi chết, nhưng Thầy lại không hề chần chừ đặt dấu tích vào danh sách các bộ phận có thể hiến tặng: bắt đầu từ Giác mạc, Thận, Tụy, Tim, Gan, Xương, Phổi, Gân, Sụn, Da, cho đến Van tim và từng Mạch máu.. Không phải ai tới đây sẵn sàng điền vào tất cả các đề mục hiến tặng như vậy.

Ông chia sẻ: "Tôi mong muốn tất cả cơ thể của mình sau khi tôi chết, đều trở nên có ích cho những người còn sống. Và tôi phải biết ơn y học, biết ơn các bác sĩ đã giúp cho tôi hoàn thành được tâm nguyện ấy. Ai đó sẽ cần giác mạc của tôi để nhìn thấy ánh sáng diệu kỳ, ai đó sẽ cần gan, cần thận của tôi để duy trì sự sống, cần tay của tôi để nâng bát cơm ăn, và trái tim của tôi có thể tiếp tục đập trong lồng ngực một ai đó để lại tiếp tục được yêu thương cuộc đời tuyệt đẹp này… Chẳng phải quá đỗi tuyệt diệu hay sao?

Sẵn sàng cho đi, sẵn sàng bố thí, kể cả nội tài, tức là cơ thể và nội tạng của mình, là lời dạy của Đức Phật Tổ từ khi mà loài người chưa hề biết rằng sau này y học phát triển có thể giúp ghép tạng, ghép chi một cách kỳ diệu như vậy.

Phật pháp cũng dạy, con người ta khi từ giã cõi đời, thì thân thể sẽ trở về cát bụi, còn tâm thức chỉ sau tích tắc sẽ nhanh chóng hòa vào một kiếp sống mới, một thân thể mới mẻ và một cuộc đời mới.

Những người con Phật sống một đời để yêu thương và giác ngộ, rũ bỏ tham, sân, si, trau dồi tâm từ bi. Nhưng hành trình mấy mươi năm cũng chỉ như một chớp mắt mà thôi. Để cho những gì còn lại của cơ thể của ta được tiếp tục mang lại sự sống cho những cơ thể khác, tiếp tục nâng đỡ cho những tâm thức còn đang có cơ hội trau dồi tu tập, chẳng phải là đỉnh cao của lòng từ bi, đỉnh cao của sự bố thí hay sao?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn Anh - Cán bộ Trung tâm Điều phối ghép Tạng Quốc gia trao thẻ và logo hiến tạng đến Thầy Dhammananda Thích Phước Ngọc.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn Anh - Cán bộ Trung tâm Điều phối ghép Tạng Quốc gia trao thẻ và logo hiến tạng đến Thầy Dhammananda Thích Phước Ngọc.

"Mở lòng hơn với chúng tôi, Thầy Dhammananda Thích Phước Ngọc kể lại những nghịch duyên mà Thầy vừa trải qua. Rơi vào tâm bão dư luận và truyền thông, với những thông tin chưa kiểm chứng bị đồn thổi, lan truyền, bình luận ác ý, gần như xóa sạch tất cả những gì gần 20 năm phụng sự Thầy đã vun đắp.

Bao nhiêu năm thực hành hạnh khất sĩ trên đường hoằng pháp, bất kể nắng mưa, xa xôi hay đại dịch, bao năm tôn tạo và xây dựng những công trình tâm linh đạt kỷ lục trong nước và thế giới, bao năm gây dựng Cô nhi viện Suối nguồn tình thương nuôi trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bao năm bôn ba kết nối để có nguồn lực làm từ thiện để bà con nghèo có cầu đường nông thôn mới đi lại, có thêm món quà tấm bánh mỗi ngày Tết đến Xuân về. Tất cả bỗng chốc chỉ nhận được sự đơm đặt và rủa xả của những anh hùng bàn phím, còn chưa hề một lần biến đến Cô nhi viện Suối nguồn tình thương nằm ở đâu trên bản đồ...?

Sau tất cả, Thầy nói với nụ cười bình thản: “Tôi vẫn muốn thực hiện ngay tâm nguyện điền vào lá đơn này, vì mọi sóng gió bão táp không làm người tu nhụt lòng kiên tâm trau dồi hạnh Phật và ý chí hoằng Pháp. Người tu hành như chúng tôi đều hiểu rằng đường Tu không bao giờ bằng phẳng, nghịch duyên là tất yếu. Sóng nổi can qua có khi cơ hội thử thách để sớm giác ngộ hơn nữa về lẽ vô thường và buông bỏ. Mấy mươi năm chứ cho đến cả cuộc đời Khất sĩ của tôi có bị xóa sạch đối với người đời, thì thân tu sĩ vẫn được lợi lạc nếu tìm về được Chân Tâm và an nhiên trong tâm hồn.

Khi được hỏi muốn nói gì với bạn đọc của chúng tôi trước khi chia tay, Thầy chỉ nhắc đi nhắc lại lòng biết ơn với y học và các thầy thuốc, đã đang và sẽ giúp những người như Thầy trọn vẹn được tâm nguyện: Được cho đi ngay cả khi đã không còn nữa.

Xuân Thành

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/duoc-cho-di-ngay-ca-khi-khong-con-nua-d140133.html