Được 'bảo kê' ở Syria, Israel vẫn có pha lật kèo khiến Nga 'đắng họng'

Dẫu cho đã 'chiều chuộng' hết mức Israel ở Syria, khả năng Nga quyến rũ đồng minh Mỹ là điều không thể xảy ra.

Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi và đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi và đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Israel dựa vào Washington để có được hỗ trợ quân sự và ngoại giao, đồng thời cũng bị ràng buộc với Mỹ bởi một số hợp đồng và hiệp ước, và đây là lý do tại sao Tel Aviv sẽ không từ bỏ Washington để chuyển sang một đối tác đáng tin cậy hơn như Nga, theo Sputnik.

Nga là trung tâm khu vực

Những ngày này, Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi hiện đang có mặt ở Moscow, nơi ông dự kiến có cuộc gặp người với đồng cấp Sergei Lavrov để thảo luận về thương mại và một số vấn đề khu vực, bao gồm xung đột Israel-Palestine và căng thẳng giữa Israel với lực lượng dân quân Hezbollah ở khu vực Syria, Lebanon.

Mặc dù nhận định hai nước có khả năng sẽ thảo luận về vấn đề Hezbollah và Iran, điều mà Israel coi là mối đe dọa đối với an ninh của mình, cựu Đại sứ Israel tại Nga Aliza Shenhar cho rằng cuộc gặp của hai ngoại trưởng trưởng là một "buổi lễ vô nghĩa", bởi cuộc thảo luận sẽ tập trung vào việc thúc đẩy các lợi ích của Moscow trong khu vực.

Cựu quan chức ngoại giao này tin rằng, mối quan tâm chính là sự "củng cố" vai trò lãnh đạo của Nga ở Trung Đông.

Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã tìm cách lấy lại hào quang của mình ở Trung Đông, sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

Ở Syria, Moscow đã ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục nắm giữ quyền lực bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm lật đổ nhà lãnh đạo hợp pháp này bằng cách hỗ trợ các nhóm đối lập và nổi dậy.

Ở Iran, Moscow đóng vai trò nòng cốt trong việc đóng góp vào sự ổn định của đất nước thông qua sự hỗ trợ ngoại giao mà nước này dành cho Tehran và chương trình hạt nhân của Iran trong khuôn khổ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

Trong khi ở Israel, Moscow đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa lực lượng Israel và một trong những đối thủ chính: Hezbollah.

Trong những tháng gần đây, Israel đã vận động các nhà lãnh đạo thế giới chỉ định các nhánh chính trị và quân sự của Hezbollah là một tổ chức khủng bố.

Năm ngoái, nỗ lực này đã thành công trong việc đạt được mục tiêu ở Cộng hòa Séc, Estonia và Argentina nhưng không có khả năng tạo ra kết quả tương tự ở Nga, nơi Hezbollah được coi là một tổ chức hợp pháp.

Cựu Đại sứ Shenhar nói rằng đây là một phần trong chính sách đối ngoại của Nga, với mục đích sau này là "duy trì mối quan hệ ổn định với tất cả các bên tham gia vì mục tiêu thúc đẩy các lợi ích kinh tế và quân sự của Moscow".

Washington vẫn không thể thiếu

Israel liên tục có các cuộc không kích nhằm vào Iran ở Syria.

Chuyên gia này tin rằng vị thế của Nga đã trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây và Moscow có thể thấy động lực này thậm chí còn lớn hơn khi ông Joe Biden đảm nhận chức vụ tổng thống ở Washington.

"Về mặt địa chính trị mà nói, Mỹ đã thất bại trong việc thấu hiểu khu vực này. Họ mất hứng thú với nó vì thích tập trung vào các vấn đề trong nước và các vấn đề đối ngoại khác. Ngược lại, Nga đã sử dụng cơ hội đó để quảng bá mình là một đất nước ổn định và là đối tác bền chặt, trái ngược với Mỹ khi các liên minh liên tục thay đổi".

Ở một số khu vực của Trung Đông, chiến lược này đã mang lại hiệu quả. Ví dụ, ở Saudi Arabia, giới lãnh đạo quốc gia đang coi Moscow như một đồng minh tiềm năng và một nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy sau những bình luận gần đây của chính quyền Biden cho thấy Washington muốn "điều chỉnh lại" quan hệ với nước này.

Cảm xúc tương tự cũng được nuôi dưỡng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và ở Ai Cập, nơi gặp vấn đề với Mỹ vào năm 2012, sau khi Mỹ miễn cưỡng cung cấp cho Cairo trực thăng Apache trong cuộc chiến chống lại khủng bố ở Sinai, một động thái khiến Ai Cập tìm kiếm đối tác ở Moscow.

Tuy nhiên, đối với Israel, nước phụ thuộc vào Washington để được hỗ trợ quân sự và ngoại giao và bị ràng buộc bởi một số hợp đồng, hiệp ước, một động thái như vậy đơn giản là không thể - nhà ngoại giao tin tưởng.

Trong vài năm trở lại đây, Israel liên tục có các cuộc không kích vào các mục tiêu Iran ở Syria. Giới quan sát cho rằng, Tel Aviv sẽ không thể làm được điều này nếu như không có sự bật đèn xanh của Moscow. Chính vì vậy, nhiều ý kiến nhận định Israel và Nga đang ngày càng có mối quan hệ bền chặt, thậm chí ngả dần sang phía Moscow.

"Tôi không thấy một viễn cảnh nào mà Israel sẽ rũ bỏ sự phụ thuộc vào Mỹ. Bất cứ ai dám làm như vậy đều sẽ là sai lầm. Chúng tôi sẽ không và không nên quay lưng lại với Mỹ", Shenhar kết luận.

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doc-het-uu-ai-cho-israel-a508886.html