Dunkirk: Đường về nhà sao quá gian nan!

(TBKTSG) - Dunkirk là bộ phim đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim trên toàn cầu nói chung cũng như tại Việt Nam nói riêng.

Ngay từ khi chưa công chiếu, bộ phim này đã thu hút được sự quan tâm của các nhà phê bình và công chúng yêu điện ảnh vì hai lý do. Thứ nhất, đây là một bộ phim của Christopher Nolan, một đạo diễn danh tiếng và tài năng bậc nhất của điện ảnh thế giới hiện nay với thương hiệu đã được khẳng định vững chắc qua các siêu phẩm: bộ ba phim về Người Dơi (Triology of Batman: Batman Begins - 2005; The Dark Knight - 2008; The Dark Night Rises - 2012); Inception (2010); Interstellar (2014)... Thứ hai, Dunkirk có kịch bản viết về đề tài chiến tranh. Trong bối cảnh mà người yêu điện ảnh đang dần chán các thể loại siêu anh hùng được “xào đi nấu lại” năm lần bảy lượt hay thể loại thảm họa toàn cầu với nhiều kỹ xảo quá đà thì đề tài về chiến tranh có thể được coi là một món ăn lạ, cứu vớt mùa phim hè năm nay.

Những ai vốn ưa thích cách kể chuyện tầng tầng lớp lớp với ngôn ngữ điện ảnh giàu tính ẩn dụ của Nolan (đã từng được thể hiện xuất sắc trong hai tác phẩm Inception và Interstellar) hẳn sẽ thấy Dunkirk sao mà quá đơn giản! Để “cảm” và theo được toàn bộ mạch phim, lời khuyên là người xem nên tìm hiểu trước một chút về sự kiện mà Dunkirk tập trung miêu tả. Đó là cuộc di tản của binh sĩ Đồng Minh từ cảng biển Dunkirk, nước Pháp, diễn ra từ 27-5 đến 4-6-1940. Trong đó, hàng trăm ngàn binh sĩ Anh, Pháp và Bỉ bị quân đội Đức bao vây, chia cắt khỏi hậu phương và các lực lượng chính yếu khác. Trong lúc xe tăng Đức chững lại, Anh nhanh chóng huy động hải quân đưa mọi phương tiện có thể, bao gồm cả thuyền buồm, tàu cá, xuồng cứu hộ, thuyền chèo tay để sơ tán lính tại Dunkirk. Dưới hỏa lực pháo binh và không quân Đức, đội tàu Anh đã sơ tán tổng cộng hơn 338.000 binh sĩ, trong đó có 140.000 lính Pháp, Bỉ và Ba Lan.

Kịch bản mà Christopher Nolan viết đã trung thành hoàn toàn với sự thật lịch sử đó. Chính vì người xem đã biết được kết cục câu chuyện nên vấn đề của đạo diễn ở đây không phải là làm thế nào tạo ra các cú twist bất ngờ hay cái kết khó đoán mà tập trung vào diễn biến bộ phim sao cho gây ấn tượng nhất với khán giả. Dunkirk không phân biệt rõ đâu là tuyến nhân vật chính, đâu là tuyến nhân vật phụ, không sa vào chủ nghĩa anh hùng cá nhân như thường thấy trong các bộ phim về chiến tranh. Nhân vật chính của Dunkirk chính là cuộc di tản. Và trong lúc binh lính đối mặt với sự tàn khốc của những trận tiêm kích, những cú nổ kinh hoàng của thủy lôi thì những gì là tốt đẹp nhất cũng như xấu xa nhất của từng con người đều hiện lên một cách rõ rệt. Để bảo toàn mạng sống, đám binh lính người Anh có thể ép một binh lính khác phải ra khỏi thuyền để giảm sức nặng chỉ vì anh ta là người Pháp, không cùng một đất nước với họ. Để thoát khỏi nỗi sợ hãi do chiến tranh mang lại, một người lính khác sẵn sàng hành hung ân nhân đã cứu mình chỉ vì người đó muốn lái thuyền đến Dunkirk để cứu những người còn đang mắc kẹt.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, niềm hy vọng và khao khát sống chính là biểu tượng mạnh nhất trong phim. Trong lúc tất cả đều tuyệt vọng thì không phải những tàu khu trục to lớn mà chính những con thuyền nhỏ bé từ quê nhà đã đồng loạt tìm đến giải cứu những binh sĩ ở Dunkirk. Những lúc khó khăn, hy vọng chính là vũ khí và khi bạn không thể trở về nhà thì quê nhà sẽ tìm đến với bạn. Giữ được mạng sống của binh sĩ ở Dunkirk chính là một chiến thắng, cho thấy tính kỷ luật và cái đầu lạnh của người Anh, là cơ sở để nước Anh bảo toàn được lực lượng, chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu dài lâu với phát xít Đức sau này.

Bình An

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163199/dunkirk-duong-ve-nha-sao-qua-gian-nan.html