Dừng xét xử một tuần vụ kiện Vinasun - Grab

Trải qua hơn 9 tháng từ ngày đưa vụ án ra xét xử, TAND TP.HCM vẫn chưa có phán quyết vụ Vinasun kiện Grab, đòi bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Chiều 23/11, HĐXX dành thời gian cho phía Vinasun và Grab tranh luận xoay quanh yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 41,2 tỷ đồng.

Phía Vinasun giữ nguyên quan điểm đã trình bày, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại. Vinasun hoàn toàn đồng ý kết quả giám định và văn bản giải thích của Công ty Cửu Long (công ty giám định).

Đại diện Grab và luật sư tại tòa. Ảnh: Lê Quân.

Đại diện Grab và luật sư tại tòa. Ảnh: Lê Quân.

Vinasun cho rằng có đủ bằng chứng khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, không phải doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như đề án 24. Về thiệt hại thực tế của Vinasun, các báo cáo đều đưa ra số liệu thiệt hại của Vinasun bắt nguồn từ nguyên nhân Grab, Uber tham gia kinh doanh vận tải. Nguyên đơn cho rằng số liệu thiệt hại thực tế còn lớn hơn 41,2 tỷ.

Từ đây cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi Grab với thiệt hại của Vinasun. Chính bởi sự xâm nhập trái pháp luật của Grab vào thị trường taxi, các chương trình khuyến mãi tràn lan, cuốc xe 0 đồng của doanh nghiệp này đã khiến khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của Grab, gây thiệt hại cho Vinasun.

"Không có tình tiết nào mới làm thay đổi yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Do đó yêu cầu HĐXX chấp nhận toàn bộ việc khởi kiện của chúng tôi", luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn trình bày.

Về phía Grab, doanh nghiệp này bác bỏ quan điểm của nguyên đơn khi cho rằng chính sự xâm nhập thị trường của Grab gây thiệt hại cho Vinasun. Bị đơn cho rằng Grab vào Việt Nam là được sự cho phép của Chính phủ. Hiện, Chính phủ đang xem xét để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của Grab theo mô hình nào.

"Grab chưa bao giờ hoạt động taxi. Nguyên đơn lợi dụng phiên tòa can thiệp hoạt động hành pháp của Chính phủ", luật sư Grab trình bày.

Bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng nội dung vụ kiện không thuộc thẩm quyền xét xử của vụ án. Grab chỉ ra trong quá trình kiện tụng, Vinasun đưa ra 2 báo cáo, tuy nhiên theo Grab, các báo cáo này không được kiểms achứng, thừa nhận.

Trong khi đó, đơn vị giám định là Công ty Cửu Long vắng mặt khiến các sai sót của kết luận không được đối chất.

"Thiệt hại phải là thực tế xảy ra chứ không thể mơ hồ được. Việc xác định thiệt hại trong vụ án này là không có cơ sở, không hề có mối quan hệ nhân quả nào", đại diện pháp luật của Grab nói trước tòa.

Phó giám đốc Vinasun tại tòa. Ảnh: Lê Quân.

Kết thúc phần tranh luận của 2 bên, HĐXX đề nghị 2 bên xem lại quy định về giám định tại khoản 1 Điều 23 Luật Giám định tư pháp. Xét thấy vẫn chưa đủ cơ sở để ra phán quyết nên tòa tạm dừng, 30/11 sẽ tiếp tục xét xử.

Trước đó, vào chiều 23/10, VKS nhận định dựa vào chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại tòa, đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần hơn 41,2 tỷ đồng cho thiệt hại phát sinh do các hành vi của Grab gây ra.

Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.

Vinasun cho rằng dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

Grab nói Vinasun không đủ bằng chứng, cần đình chỉ vụ kiện đòi 41,2 tỷ Sáng 22/11, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ Vinasun đòi Grab đền 41,2 tỷ. Đại diện Grab cho rằng Vinasun không đủ bằng chứng, vì vậy tòa nên đình chỉ vụ án.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dung-xet-xu-mot-tuan-vu-kien-vinasun-grab-post894593.html