Đừng xem nhẹ khi trẻ có những hiện tượng bất thường này khi ngủ

Trẻ đổ mồ hôi, ngáy hay nghiến răng khi ngủ có thể do phản ứng sinh lý nhưng cũng có thể do yếu tố bệnh lý, sức khỏe. Bố mẹ cần chú ý các hiện tượng này để kịp thời cải thiện cho trẻ.

Trẻ dễ đổ mồ hôi trong lúc ngủ

Đây là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ và nhiều người lo lắng rằng không biết có phải do trẻ thiếu canxi hay nguyên nhân nào khác. Theo các chuyên gia trên Sohu thì giấc ngủ của trẻ nếu xảy ra tình trạng đổ mồ hôi thì có thể chia ra hai nguyên nhân: Sinh lý và bệnh lý.

Đổ mồ hôi sinh lý

Nếu do nguyên nhân này thì bố mẹ không cần lo lắng vì sẽ chứng tỏ trẻ đang phát triển tốt, cơ thể khỏe mạnh. Đa số bạn sẽ thấy trẻ thường đổ nhiều mồ hôi ở phần đầu, cổ và xảy ra sau khi trẻ đã ngủ khoảng 30 phút. Sau thời gian 1 tiếng đồng hồ có thể không còn hiện tượng này nữa.

Lúc này, mẹ chỉ cần xem lại điều kiện ngủ của trẻ đã thích hợp chưa như nhiệt độ phòng quá cao, trẻ mặc quần áo hay quấn chăn quá nhiều v.v… Cơ chế cơ thể của trẻ không giống người lớn, hệ thần kinh chưa hoàn thiện và sự trao đổi chất rất mạnh mẽ, nhiệt độ cao sẽ dễ khiến trẻ đổ mồ hôi khi ngủ.

Trẻ đổ mồ hôi khi ngủ có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ đổ mồ hôi khi ngủ có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý - Ảnh minh họa: Internet

Đổ mồ hôi bệnh lý

Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ đã ngủ được khá lâu, đổ mồ hôi đầu là chủ yếu. Nguyên nhân bệnh lý có thể do chứng bệnh còi xương ở trẻ em. Khi trẻ bị còi xương do thiếu hụt canxi và vitamin D, phần chẩm sau đầu bị dịch mồ hôi kích thích, cộng với việc trẻ ngủ hay cựa quậy đầu gây ma sát với gối nên kết quả tóc ở phần chẩm dễ rụng.

Nếu trẻ đổ mồ hôi khi ngủ do nguyên nhân còi xương thì mẹ chỉ cần bổ sung vitamin D và canxi để cải thiện tình trạng còi xương thì hiện tượng này cũng tự hết.

Trẻ ngáy khi ngủ

Khi thấy trẻ có biểu hiện ngáy khi ngủ, nhiều mẹ cho rằng có thể do ban ngày trẻ chơi đùa quá mệt. Tuy nhiên, còn nhiều khả năng có thể do béo phì hay bệnh tật cũng gây ra trạng thái ngủ ngáy ở trẻ.

Do tư thế ngủ

Trẻ thường nằm ngửa khi ngủ cũng sẽ gây ra hiện tượng ngáy nhiều. Do tư thế này sẽ khiến phần cuống lưỡi có xu hướng thụt vào trong làm cho khoang họng hẹp đi. Trong vô thức, trẻ sẽ ngáy ngủ.

Tư thế nằm ngửa dễ khiến trẻ ngáy trong khi ngủ - Ảnh minh họa: Internet

Mẹ có thể giúp trẻ cải thiện tư thế ngủ sang nằm nghiêng. Một chiếc gối ôm nhỏ và mềm mại sẽ khiến trẻ thoải mái hơn khi nằm ở tư thế này. Ngoài ra, môi trường ngủ của trẻ cũng nên tránh kích thích từ bên ngoài để trẻ có giấc ngủ sâu và chất lượng.

Do bệnh tật

Hạch amidan và hạch lympho (adenoid) phát triển rất nhanh ở giai đoạn trẻ còn nhỏ. Trong đó, phì đại amidan hay adenoid đều là bệnh thường gặp ở thời kỳ nhi đồng, nguyên nhân có thể do nhiệt độ thay đổi lớn, trẻ thiếu dinh dưỡng làm sức đề kháng giảm xuống.

Hoặc cũng có thể do viêm đường hô hấp dẫn đến hai hạch này sưng phù lên. Cuối cùng khiến cho cổ họng, mũi của trẻ đều bị tình trạng nghẹt, không khí lưu thông gặp trở ngại mà xuất hiện ngáy ngủ.

Do béo phì

Trẻ tăng cân quá mức khiến phần “đệm mỡ” ở cổ họng sẽ dày lên, và dưới tác dụng của trọng lực sẽ làm không gian ở phần sau lưỡi lẫn phần đầu hầu bị hẹp lại, gây ra hiện tượng trẻ ngáy khi ngủ.

Mẹ nên có chế độ ăn uống khoa học và khỏe mạnh cho trẻ, tăng cường hoạt động ngoài trời giúp trẻ giảm cân hợp lý, từ đó giảm nguy cơ bệnh tật lẫn ngáy ngủ ở trẻ.

Trẻ nghiến răng khi ngủ

Ký sinh trùng có thể là nguyên nhân khiến trẻ ngủ không ngon giấc - Ảnh minh họa: Internet

Do ký sinh trùng đường ruột

Thường gặp chủ yếu là giun đũa và giun kim. Giun đũa thường sống và hút dinh dưỡng ở ruột non, sau đó bài tiết độc tố, kích thích nhu động ruột tăng nhanh, gây ra tiêu hóa không tốt ở trẻ và đau âm ỉ xung quanh rốn.

Tình trạng này sẽ khiến hệ thần kinh của trẻ khi ngủ nằm ở trạng thái hưng phấn, tạo thành hiện tượng nghiến răng.

Giun kim cũng thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Chúng có thể bò ra ngoài hậu môn của trẻ để đẻ trứng, gây ra ngứa ngáy, làm trẻ ngủ không ngon giấc và nghiến răng khi ngủ.

Do thói quen ăn uống không tốt

Đặc biệt là khi trẻ không thích ăn sáng nhưng lại ăn tối quá nhiều sẽ làm chức năng tiêu hóa rối loạn.

Dạ dày, đường ruột phải làm việc cật lực ngay cả trong giấc ngủ khiến cho các cơ nhai ở mặt bị co lại mang tính tự phát, gây ra tình trạng nghiến răng ở trẻ.

Ban ngày hoạt động quá nhiều và hưng phấn dễ khiến trẻ nghiến răng khi ngủ - Ảnh minh họa: Internet

Do căng thẳng thần kinh

Ban ngày nếu trẻ vui chơi quá mệt hay bị la mắng, đánh đòn, hù dọa sẽ khiến hệ thần kinh của trẻ bị ức chế, kích thích, lo lắng, bất an v.v… Những nguyên nhân này cũng khiến trẻ thường nghiến răng trong khi ngủ.

Nguồn: http://www.sohu.com/a/285251086_100045317?_f=index_chan26news_57

Hoài Ngọc (Theo Sohu)

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/dung-xem-nhe-khi-tre-co-nhung-hien-tuong-bat-thuong-nay-khi-ngu-c5a309335.html