Đừng xem là chuyện nhỏ!

Cuối tuần qua, một số phụ huynh nháo nhác hỏi xin nhau báo cũ, giấy vụn để cho con nộp 'Kế hoạch nhỏ'. Tuy là việc 'đến hẹn lại lên' nhưng có thể cảm nhận sự thiếu thoải mái ở nhiều người.

Theo Kế hoạch triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” giai đoạn 2020 - 2023 do Hội đồng Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ban hành ngày 14-2-2020, mục đích đề ra là giáo dục thiếu nhi về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, tinh thần đoàn kết, ý thức chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Nội dung và hình thức triển khai là tổ chức để thiếu nhi thực hành tiết kiệm thông qua hoạt động hằng ngày, thường xuyên tại trường lớp, gia đình; tự nguyện quyên góp phế liệu hoặc lao động để tạo nguồn kinh phí xây dựng, thực hiện các công trình măng non trong nhiệm kỳ, trong đó tập trung vào các công trình để hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng công trình phục vụ sinh hoạt, vui chơi cho thanh niên, thiếu nhi...

Đối chiếu với cách làm của không ít phụ huynh kể trên, rõ ràng ý nghĩa của một phong trào có sức sống lâu bền của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” đã không còn nguyên vẹn.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Đáng trách đầu tiên là các bậc phụ huynh khi tiếp tay cho con em trong việc thực hiện chưa đúng mục đích, yêu cầu của một phong trào đầy ý nghĩa. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành động thiếu chuẩn mực của các phụ huynh, có thể chưa hiểu mục đích, nội dung, cũng có thể do điều kiện, vướng mắc nào đó nên không sát sao cùng con xây dựng, giám sát việc thực hiện “Kế hoạch nhỏ” một cách bài bản, để rồi “nước đến chân...” thì làm thay con. Không ít phụ huynh mặc dù nhận thức được mục đích, ý nghĩa của phong trào nhưng cũng bày tỏ băn khoăn: Có cần phải làm cứng nhắc như vậy? Liệu có cách vận động, tổ chức thực hiện “Kế hoạch nhỏ” phù hợp với đặc thù, điều kiện địa phương hơn... để giúp học sinh thực sự hiểu ý nghĩa và vui vẻ, tự nguyện làm “Kế hoạch nhỏ”?

Nhưng trăn trở đó liên quan tới sự hạn chế trong triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” những năm gần đây. Theo Hội đồng Đội Trung ương, một số đơn vị còn cứng nhắc, hình thức triển khai phong trào không phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Một số liên đội đặt chỉ tiêu thu nộp cao, gây sức ép với thiếu nhi, chưa chú trọng đến quá trình tiết kiệm của các em nên làm mất đi tính giáo dục của phong trào... Do vậy, Kế hoạch triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” giai đoạn 2020 - 2023 đặt ra yêu cầu: Phong trào cần được tuyên truyền và triển khai rộng rãi, huy động được sự tham gia của đông đảo thiếu nhi, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm ý nghĩa giáo dục, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Như vậy, vấn đề nằm ở trách nhiệm của nhà trường. Nếu thực sự tâm huyết, sáng tạo, chắc chắn có thể tìm ra cách làm phù hợp, sát thực tế hơn, từ đó nhận được sự ủng hộ tích cực của học sinh và phụ huynh. Trên thực tế, thay vì thu giấy vụn, vỏ lon, phế phẩm, nhiều nơi vận động ủng hộ sách báo, đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân... còn sử dụng được để ủng hộ các bạn ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Hay là việc tổ chức “nuôi lợn đất tiết kiệm” để ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức vệ sinh môi trường khu vui chơi công cộng... Rõ ràng đó là những cách làm sáng tạo, hiệu quả, có tính giáo dục cao và phù hợp với học sinh ở đô thị, cần được phát huy, nhân rộng.

Thực hiện “Kế hoạch nhỏ” một cách nghiêm túc giúp định hình nhân cách trẻ, xây dựng, bồi đắp lòng nhân ái, tinh thần sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ người khác. Vì thế, không nên xem “Kế hoạch nhỏ” là chuyện nhỏ, "làm cho xong”. Cách làm không phù hợp, nói cách khác là sự “tiếp tay” của phụ huynh, không chỉ khiến cho ý nghĩa, tính giáo dục của một phong trào có tính truyền thống, vốn lan tỏa sâu rộng trong bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam, ít nhiều bị phai nhạt, mà còn phản tác dụng, "vẽ đường" cho tính ỷ lại ở con em mình.

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/970384/dung-xem-la-chuyen-nho