Dừng xây nhà hát 1.500 tỷ đồng: 'Cơm không ăn, gạo còn đó'

HĐND TPHCM đã thông qua dự án xây nhà hát 1.500 tỷ vì đất đai và nguồn vốn đã bố trí xong. Tuy nhiên, nhiều người dân không đồng tình việc xây nhà hát này và đề nghị nên dừng lại để sau này xây cũng chưa muộn.

Hiện nhà hát lớn thành phố đủ đẳng cấp để tổ chức những sự kiện âm nhạc lớn mang tầm quốc tế.

Quốc hội có quyền hủy bỏ Nghị quyết của HĐND TPHCM

Theo HĐND TPHCM thì Nhà hát giao hưởng được thông qua thuộc dự án nhóm A và Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép HĐND TP được quyền quyết định.

Khu đất xây nhà hát nằm kế bên công trình Trung tâm Triển lãm và Quy hoạch 600 tỷ đang dang dỡ.

Sáng 14.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM phân tích, căn cứ vào cơ chế phân cấp mới theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, thì việc thông qua xây dựng nhà hát 1.500 tỷ thuộc thẩm quyền của HĐND TPHCM. Điều này đồng nghĩa là Chính phủ và Quốc hội sẽ không can thiệp vào.

“Tuy nhiên, nếu Nghị quyết này thông qua mà không được sự ủng hộ của người dân, Quốc hội có thẩm quyền xem xét và hủy bỏ Nghị quyết này trên cơ sở đề xuất của Chính phủ”- luật sư Hậu nói.

Phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM trao đổi với PV Báo Lao Động.

Nước giàu có quyền xa xỉ, ta còn nghèo không nên học làm sang

Một góc Nhà hát lớn thành phố cho một đơn vị thuê để mở quán cafe.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Quốc tế Việt Nam, từng là giáo sư Đại học Osaka Nhật Bản đã có dịp đến nhiều nước phát triển cho rằng, việc các nước xây nhà hát lớn thì không có nghĩa là ta cũng xây như họ.

"Họ giàu có nên có quyền hưởng thụ xa xỉ. Ta còn khó khăn với hệ thống giao thông, y tế và giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người dân, liệu người dân có "rửng mỡ" đến nhà hát 1.500 tỷ để ngồi xem hát?"- ông Hùng nói.

NSND Vũ Việt Cường chia sẻ với PV Báo Lao Động, việc TPHCM xây một nhà hát mang tầm cỡ lớn của quốc tế thì bản thân ông và nhiều nghệ sỹ khác đều vui mừng.

“Tuy nhiên, ước muốn này phải xét vào hoàn cảnh thực tế của xã hội hiện nay là đã đến lúc xây nhà hát chưa, được sự ủng hộ của dân chúng không và việc sử dụng nguồn vốn thế nào để hiệu quả là vấn đề TPHCM nên tiếp thu”- NSND Vũ Việt Cường nói.

Dừng xây nhà hát: Cơm không ăn gạo vẫn còn đó!

Nhà hát Trần Hữu Trang vừa được xây hơn 130 tỷ đồng nhưng bị bỏ không. Nay TPHCM “đòi” xây nhà hát 1.500 thì có thuyết phục được lòng dân?

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để xây nhà hát vì đất đai và nguồn vốn đã bố trí xong, công tác chuẩn bị cũng đã hoàn thành, bây giờ không xây thì đợi đến khi nào?.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lại nghĩ khác, xét về bài toán ngân sách, nguồn vốn xây nhà hát suy cho cùng là tiền của nhân dân. Nếu chính quyền TPHCM không sử dụng, không đầu tư thì nguồn vốn này vẫn còn nguyên.

“Một dự án được thông qua trên danh nghĩa là phục vụ nhân dân, nhưng lại không nhận được sự ủng hộ của người dân thì rõ ràng dự án này có nhiều vấn đề. Hãy để dành những nguồn lực về đất và vốn đấy cho thế hệ sau làm khi dư dã điều kiện”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi với PV Báo Lao Động.

Đồng tình với quan điểm này, PGS TS Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, hãy để khi nào vụ Thủ Thiêm giải quyết xong và thành phố lo đủ điện – đường – trường – trạm cho dân thì khi đó xây cũng chưa muộn.

Khu đất dự kiến xây nhà hát, có thể quy hoạch làm công viên phục vụ người dân, để dành phần đất đó cho thế hệ sau có điều kiện thì xây. "Cơm không ăn thì gạo vẫn còn đó, không việc gì chúng ta phải vội vàng nếu thấy chưa thực sự cần thiết”- ông Hùng nói.

Huân Cao

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/dung-xay-nha-hat-1500-ty-dong-com-khong-an-gao-con-do-635921.ldo