Đừng vội nói ly hôn

Tình yêu chỉ là người dẫn đường đến hôn nhân, nhưng cuộc sống lứa đôi có hạnh phúc, tràn ngập niềm vui, tiếng cười hay không phần lớn phụ thuộc vào thái độ 'vun vén' của hai người.

Những điều ấy khi nêu ra, ai cũng bảo “biết rồi”, nhưng không ít người vẫn rơi vào đổ vỡ cũng bởi không thể thực thi được.

Ảnh mang tính chất minh họa.

Yêu nhau hơn 5 năm nhưng khi cưới cả anh chị đều chẳng háo hức gì. Họ thấy không hợp nhau, nhưng lại tiếc thời gian yêu và ngại bắt đầu với người khác nên tặc lưỡi kết hôn. Rồi sau ngày cưới không lâu, cô dâu, chú rể đã chẳng thấy náo nức với cuộc sống vợ chồng. Nhìn bề ngoài, vợ chồng họ vẫn rất hạnh phúc, nhưng thực tế cuộc hôn nhân tưởng như bình yên và êm ấm ấy lại tan vỡ ngay từ giai đoạn đầu chung sống. Họ thấy mình không hợp nhau từ lối sống đến những quan niệm trong xây dựng hạnh phúc. Những đụng độ vụn vặt của chuyện cơm áo gạo tiền dưới một mái nhà khiến họ liên tục cãi vã đến mức không thể dung hòa được với nhau. Và sau tình yêu dài, hạnh phúc của họ dường như ngắn đến không ngờ.
Đó có lẽ không phải trường hợp quá hiếm. Bởi nhiều cặp vợ chồng ngày xưa yêu nhau mãnh liệt, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn lại vội vàng chia tay, kể tội, lên án nhau không tiếc lời. Họ để cho xung đột này chưa giải quyết được, lại kéo thêm xung đột khác, đan xen, chồng chéo, rối bời như tơ vò. Đến một lúc nào đó như “giọt nước làm tràn ly”, tình cảm lạnh nhạt dẫn đến đổ vỡ sẽ là điều tất yếu.
Qua các khảo sát cho thấy, lần đầu tiên, các cặp vợ chồng trẻ cãi nhau là lúc họ gặp khó khăn trong việc điều hòa các sở thích, nhu cầu và nguyện vọng với nhau. Đôi lúc họ có thể cãi nhau vì những chuyện không đâu. Cũng có thể sự cãi vã liên quan đến mối quan hệ của họ với hình bóng cũ trong quá khứ, những liên hệ hiện tại... Có một nghìn lẻ một nguyên nhân dẫn đến việc cãi nhau giữa các đôi vợ chồng và nó cũng là một trong số những lý do dẫn tới tan vỡ, ly dị.
Cùng với đó, hiện không ít cặp vợ chồng lại có suy nghĩ đơn giản rằng, thích thì đến với nhau, không thích thì chia tay; rồi hiện tượng yêu nhanh cưới vội cũng góp phần dẫn đến tỷ lệ ly hôn tăng. Nhưng căn nguyên sâu xa của vấn đề ly hôn dễ dàng là người trong cuộc không có quá trình chuẩn bị trước khi tiến tới hôn nhân, họ bước vào đời sống vợ chồng khi không biết cách tổ chức cuộc sống, không biết cách giải quyết những vấn đề nảy sinh. Một chuyên gia tư vấn của Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc cho biết: Đa số những cuộc ly hôn vội vã để rồi sau đó phải ân hận thường là những cặp vợ chồng trẻ. Do chưa chuẩn bị được tâm thế cho hôn nhân nên họ không ý thức được vấn đề quan trọng nhất giữa quan hệ hai người là gì. Họ không biết rằng, để duy trì hôn nhân, ngoài tình yêu ra còn là trách nhiệm, sự cảm thông và chia sẻ.
Các chuyên gia tâm lý đã đúc kết, thông thường, các cặp vợ chồng phải mất 3 - 5 năm mới dung hòa được cái tôi của nhau. Trong đó, điều đầu tiên chính là sự tin tưởng và gắn kết bằng những tâm sự trong cuộc sống. Việc này sẽ gỡ bỏ đi những day dứt trong lòng, cả hai sẽ luôn thấy nhẹ nhõm hơn. Bí quyết để xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững còn là không nên dễ dàng bỏ qua những sai lầm dù lớn hay nhỏ của bạn đời ngay từ lúc ban đầu. Khi có điều không vừa lòng, vợ chồng nên lựa lời khuyên bảo, nhắc nhở nhau thay vì im lặng chấp nhận. Chính điều này sẽ giúp cả hai có cơ hội nhận ra sai lầm của mình, biết cách khắc phục, tiến bộ để hòa hợp và tạo ra tiền đề vững chắc cho cuộc sống lứa đôi. Một điều không thể thiếu mà các cặp vợ chồng hay bỏ qua, đó là luôn hấp dẫn lẫn nhau. Người ta thường nói, vợ chồng càng sống lâu năm với nhau càng thấy chán nhau. Nhưng người ta cũng thường nói, có những cặp vợ chồng càng sống với nhau càng cảm thấy yêu và cần nhau hơn. Đó là do những cặp vợ chồng này biết giữ gìn hạnh phúc, biết hấp dẫn và nhường nhịn lẫn nhau.
Khi xảy ra mâu thuẫn, trước khi nói lời chia tay, hãy phấn đấu hết mình, suy xét cụ thể vấn đề để có những giải pháp tích cực nhất. Mỗi khi có va chạm trong cuộc sống lứa đôi, hãy đừng nói hai chữ “ly hôn” một cách vội vàng và nhẹ nhàng. Bởi nếu chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại biện pháp tiêu cực này, người nghe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và bản thân chính chúng ta cũng bị ảnh hưởng nhất định, khiến vết rạn nứt càng trở nên khó hàn gắn hơn. Thực tế, không ít người do vội vã tìm đến biện pháp “ly hôn” khi không dung hòa được cuộc sống đã nhanh chóng ân hận vì quyết định của mình, khi đó họ lại mất thêm một đoạn đường vòng để kéo lại hạnh phúc.

Đan Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dung-voi-noi-ly-hon-327384.html