Đừng vội bàn pháp lý khi chưa thấu đáo tình người

Thiết nghĩ, giải quyết vụ việc trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì không nên chỉ nhìn nhận về mặt pháp luật, bồi thường tiền bạc hay khiếu kiện mà theo đó nên nhìn vấn đề ở một hướng tích cực hơn, cần lắng nghe ý kiến của con trẻ, tránh làm tổn thương tâm lý của trẻ.

Tìm thấy con nhờ tấm ảnh trên facebook

Nhớ lại sự việc, chị Vũ Thị Hương cho biết, khi nữ hộ sinh bế con trao cho gia đình, chị cũng phát hiện phần tã lót của con không giống nên thắc mắc thì được trả lời chắc nịch: “Đây chắc chắn là con của chị”.

Bệnh viện Ba Vì - nơi xảy ra vụ trao nhầm con và anh Phùng Giang Sơn - bố của một trong hai cháu bé.

Niềm hạnh phúc khi lần đầu được làm mẹ khiến chị Hương không mảy may nghi ngờ đã có sự nhầm lẫn xảy ra. Suốt 6 năm qua, người phụ nữ này dành hết sự quan tâm, yêu thương cho cháu Đoàn Nhật M.

Tuy nhiên, càng lớn cháu M càng có nhiều nét khác biệt so với với các thành viên trong nhà. Trong khi chị Hương và chồng có nước da hơi ngăm đen thì M lại có nước da trắng, khuôn mặt tròn.

Đắng lòng nhất là cuộc hôn nhân của chị H đã rơi vào cảnh tan vỡ bởi người chồng cho rằng chị Hương không chung thủy. Sau ly hôn, chị Hương dành quyền nuôi hai con.

Cùng chung thân phận là phụ nữ, chị Phùng Thị Thu Hiền cũng không tránh được những ánh mắt nghi hoặc, đàm tiếu của hàng xóm, người thân trong gia đình.

Hai vợ chồng cũng thường xuyên rơi vào cãi vã, lục đục gia đình. Kể về việc tìm lại được cháu M, ông Phùng Văn Phượng (bố anh Phùng Giang Sơn, ở thôn Vân Trai, xã Tây Đằng, Ba Vì) vẫn nhớ như in ngày 27 tháng Giêng âm lịch vừa rồi, ông có một giấc mơ kỳ lạ liên quan đến chuyện gia đình.

Sáng hôm sau, tỉnh giấc, ông vẫn băn khoăn về giấc mơ đó. Trong lúc lướt Facebook, ông vô tình thấy tấm ảnh một đứa trẻ mặc bộ quần áo mùa đông, đeo chụp tai.

Ông chột dạ vì thấy đứa trẻ quá giống con trai mình (anh Sơn). Ngay lúc đó, ông kể lại chuyện cho anh Sơn và khuyên hai vợ chồng đi xét nghiệm ADN. Chia sẻ thêm, anh Sơn cho biết việc này hoàn toàn tình cờ.

“Gần Tết có người bạn gửi cho tấm hình đứa bé giống tôi nên tôi cũng nghi ngờ. Sau đó vợ chồng tôi đã đến tận nhà cháu bé rồi xin mẫu đi xét nghiệm AND thì có kết quả giống tôi.

Tôi chưa tin nên đi xét nghiệm thêm lần nữa, cũng có kết quả như vậy nên mới báo cho gia đình và thuyết phục vợ tôi đi xét nghiệm cùng”

Bệnh viện làm sự việc trở nên phức tạp?

Lý giải về việc mặc dù đã 6 tháng kể từ khi phát hiện nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết, anh Sơn cho biết từ khi tìm lại được con ruột gia đình đã cố gắng tìm nhiều cách để liên lạc, giải quyết mong 2 cháu được về đoàn tụ với gia đình.

Tuy nhiên, khi liên hệ với BV Đa khoa huyện Ba Vì để giải quyết công tâm thì BV càng làm sự việc trở nên phức tạp hơn.

“Trước đó 2 bên gia đình đã có sự thống nhất, nhưng khi bệnh viện vào cuộc làm công tác tư tưởng cho cả hai bên gia đình thì mối quan hệ giữa hai gia đình đi xuống trầm trọng.

Tôi gọi cho gia đình bên kia thì không còn liên lạc được và sau đó nhiều lần liên lạc với phía bệnh viện cũng không được. Gần nhất đại diện bệnh viện thông báo với gia đình là không có cách nào giải quyết sự việc ổn thỏa nên tôi mới viết đơn lên tòa án và Bộ Y tế”, anh Sơn nói.

Được biết, hai nữ hộ sinh phụ trách đỡ đẻ tại khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Ba Vì ngày 1/11/2012 khi bé Hải và bé Minh ra đời là y sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai và Nguyễn Thị Đức.

Cả 2 đều cho biết mình không thể nhớ sự nhầm lẫn ấy xuất phát từ đâu khi thời điểm đó chưa có quy định nhận diện sản phụ và trẻ sơ sinh bằng mã số đeo tay như bây giờ.

Y sĩ Mai chia sẻ: “Tôi không thể nhớ cụ thể thời điểm đó xảy ra như thế nào vì quá trình xảy ra quá lâu rồi. Chúng tôi không bao giờ nghĩ lại có tình huống đó xảy ra”.

“Chúng tôi không bao giờ nghĩ có sự nhầm lẫn như thế nên không để lại dấu ấn gì. Do tra hồ sơ bệnh án là tên của tôi nên tôi chịu trách nhiệm”, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Đức nói thêm.

Cũng liên quan đến sự việc hy hữu này, Bác sĩ CKII Đỗ Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho biết rằng đây là sai sót hi hữu, nghiêm trọng nhất từng xảy ra tại bệnh viện trong hàng chục năm qua.

Đồng thời, bác sĩ Hùng cũng khẳng định đây chỉ là sự nhầm lẫn từ phía ca trực ngày hôm đó, không hề có ý đồ gì phía sau.

Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cũng cho biết, bệnh viện sẽ chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm, đi lại và hỗ trợ tổn thất tinh thần cho hai gia đình theo đúng quy định pháp luật.

Trước mắt, bệnh viện đã gửi anh Sơn 47 triệu tiền chi phí xét nghiệm ADN xác định con của hai gia đình. Theo anh Sơn đại diện Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã gọi điện thông báo sẽ hỗ trợ, đền bù cho mỗi gia đình 150 triệu đồng.

Kế hoạch để hai bé sống chung một nhà

Sáng 15/7, hai bên gia đình đã gặp gỡ nói chuyện cùng nhau, hai cháu bé bị trao nhầm đã có giây phút đoàn tụ đầy nụ cười, chơi đùa thân mật với nhau. Chứng kiến hình ảnh này bố mẹ hai bên đều cảm thấy an lòng phần nào.

Được biết, dự tính sắp tới, gia đình 2 bên sẽ cho M và H nhập học chung một trường. Anh Sơn đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để các con kịp vào học lớp 1 tại thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội). Trước mắt, cả 2 bé sẽ cùng chung sống với gia đình anh Sơn.

Chị Hương sau khi sắp xếp xong xuôi công việc trên Hà Nội cũng sẽ chuyển về gần nhà để tiện chăm sóc các con. Nhưng theo chia sẻ của chị Hương, bản thân chị đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể giao được con vì vấn đề tâm lý của cả chị và bé M.

Người phụ nữ này cho biết khi biết tin M không phải là con ruột chị đã vô cùng sốc, không thể đứng vững.

Chị lo ngại những thay đổi đột ngột sẽ khiến cả hai cháu không thích ứng kịp và gây ra những phản ứng không tốt. Đây cũng là lý do chị chưa đồng ý trao trả hai đứa trể về gia đình thực sự của mình.

“Tôi mong gia đình anh Sơn hãy hiểu và thông cảm cho tôi. Xin hãy cho tôi và M. có thời gian để chấp nhận sự thật này. M. là người sống tình cảm và cá tính, nếu giao con vào lúc này tôi tin chắc cả hai bé sẽ chưa thể chấp nhận gia đình mới của mình. Nếu vẫn cố tình giao, các cháu có thể phản ứng, thậm chí trong trường hợp xấu nhất là bỏ nhà đi”, chị Hương nói.

Thời gian qua, 2 gia đình cũng từng tổ chức các được đi chơi, đi siêu thị và để 2 con làm quen nhau. Hiện tại hai bên gia đình thống nhất sẽ để hai bé về ở mỗi bên một tuần.

Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của Bệnh viện trong vấn đề này, luật sư Bùi Thế Vinh - Văn phòng Luật sư Thái Minh cho rằng:

“Đây là một việc chưa có tiền lệ trong xét xử do đó cần phải cân nhắc, xử lý thế nào, mức độ ra sao còn phụ thuộc căn bản vào yêu cầu của hai gia đình. Đối với trường hợp này, hậu quả xảy ra các gia đình cũng đã nhận biết rồi, vấn đề yêu cầu xử lý thế nào phụ thuộc nhiều vào quan điểm của hai gia đình này”.

Ngoài ra, theo luật sư Phan Nhật Luận (Hội Luật gia TP Hà Nội) cho biết, trong câu chuyện này, y sĩ, nữ hộ sinh đã không hoàn thành nhiệm vụ để dẫn đến hậu quả là trao nhầm trẻ. Đó là lỗi trong công việc và có thể bị xử lý kỷ luật, với nhiều hình thức,... đồng thời, sự không hoàn thành nhiệm vụ đó đã gây ảnh hưởng đến mặt tinh thần, vật chất cho các gia đình.

“Theo đó, bệnh viện phải bồi thường về mặt tinh thần cho các gia đình. Tuy nhiên để xác định bồi thường về mặt tinh thần theo pháp luật thì rất mông lung do không thể định lượng được.

Trong những trường hợp này, thông thường sẽ có một hội đồng giám định, theo đó hội đồng sẽ giám định xem họ thiệt hại về mặt tinh thần như thế nào, từ đó mới có thể đưa ra mức yêu cầu bồi thường được hoặc các bên cũng có thể tự thỏa thuận mức bồi thường với nhau sao cho hợp tình, hợp lý đặc biệt tránh làm tổn hại đến tinh thần của các cháu”, luật sư Luận chia sẻ.

Chia sẻ thêm về việc các gia đình cần làm các thủ tục gì để có thể nhận lại được con đẻ của mình, các luật sư cho biết, áp dụng vào Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự, trong trường hợp này các gia đình sẽ làm đơn yêu cầu Tòa án xác định lại cha, mẹ cho con theo quy định của luật.

Khi Tòa án xác định đúng là nhầm lẫn như thế thì trên cơ sở bản án của tòa, cha, mẹ cầm bản án đó tới cơ quan tư pháp để đăng ký lại giấy khai sinh cho các cháu,...

“Trong trường hợp này chuyện nhầm lẫn đã xảy ra, không thể thay đổi được do vậy để giải quyết việc này, khi mà đứa trẻ đã sống với bố mẹ nuôi 6 năm rồi đương nhiên sẽ có nhiều tình cảm với nhau nói theo luật thì làm theo hướng đó, nhưng ở trường hợp này các bên vẫn làm thủ tục xác định lại cha, mẹ cho con và ngược lại.

Đặc biệt, các bên nên hòa giải theo hướng mang tính chất hàn gắn hơn, coi như qua sự nhầm lẫn hai đứa trẻ sẽ có thêm người bố, người mẹ mới, như vậy sẽ có thể tốt hơn cho cả hai bên gia đình”, luật sư Luận nhấn mạnh.

Vũ Lành – Hoa Nguyễn

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/dung-voi-ban-phap-ly-khi-chua-thau-dao-tinh-nguoi-d73399.html